Hồn Thủ đô trên cao nguyên đất đỏ

TP - Hàng ngàn thanh niên tiền trạm chấp nhận hy sinh gian khổ, hàng vạn hộ dân Hà thành đổ bao công sức và tâm huyết tạo dựng nên huyện Lâm Hà - vùng kinh tế mới (KTM) trù phú bậc nhất nước ta. 
Hồn Thủ đô trên cao nguyên đất đỏ ảnh 1

Thu hoạch cà phê

Giữa tháng 9 vừa qua, đoàn công tác của tuổi trẻ Thủ đô do Bí thư Thành đoàn Hà Nội Nguyễn Thị Ngà dẫn đầu đã vào Lâm Hà (Lâm Đồng) thăm và tặng quà 206 cựu thanh niên tiền trạm - những người đã tự nguyện rời xa thủ đô, xung phong vào khai hoang mở đất trên miền đất Tây Nguyên nắng gió mấy mươi năm trước. Đoàn cũng đã khởi công xây nhà tình nghĩa cho một gia đình cựu thanh niên tiền trạm có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; ủng hộ quỹ hỗ trợ cựu thanh niên tiền trạm…

Dịp này, ông Phan Hữu Giản (từng là ủy viên Ban Thường vụ (BTV) Thành đoàn Hà Nội, Bí thư Đoàn thanh niên vùng KTM Hà Nội tại Lâm Đồng, Phó trưởng Ban xây dựng vùng KTM, Bí thư huyện Lâm Hà được trao tặng Giải thưởng cống hiến của Thành đoàn Hà Nội. Ông là một trong những nhân chứng lịch sử thời kỳ Ba sẵn sàng (9/8/1964-9/8/2014), là tấm gương thanh niên tiêu biểu của Thủ đô đã anh dũng, kiên cường, dám nghĩ, dám làm, vượt qua khó khăn, hy sinh gian khổ, có nhiều thành tích, cống hiến trong phong trào thanh niên.

Đại tướng đã đến nơi này

Năm 1976, sau khi Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Duy Dương dẫn đầu đoàn cán bộ vào khảo sát, BTV Thành ủy Hà Nội quyết định xây dựng vùng KTM tại tỉnhTuyên Đức, nay là Lâm Đồng. 3 năm đầu tiên, tám tổng đội thanh niên xung kích với hơn 2.660 nam nữ thanh niên trẻ, khỏe, nhiệt tình đã hành quân vào Lâm Đồng, cấp tập mở đường, khai hoang, lập lán trại, dựng trạm xá, trường học và gieo thử nghiệm một số giống cây trồng trên vùng đất đỏ bazan… chuẩn bị đón hàng vạn người dân Thủ đô vào sinh cơ lập nghiệp.

Bữa cơm đãi khách ở Lâm Hà thường có đầy đủ những món ăn đậm đà hương vị xứ Bắc như cá rô ron rán, gà luộc rắc lá chanh thái chỉ, canh cua rau đay mồng tơi, cà pháo nén giòn tan…

Phan Hữu Giản lúc ấy là Phó Bí thư Đoàn trường Đại học Nông nghiệp 1 Hà Nội được trưng tập vào Lâm Đồng 3 tháng. Tuy nhiên, do yêu cầu cấp thiết của vùng KTM, anh xung phong ở lại rồi đưa mẹ và vợ con vào định cư. “Cậu có bị hâm không đấy! Có người hỏi thẳng như thế nhưng mình vẫn không thay đổi quyết định bởi cảm thấy nơi này nhiều người cần mình và mình sẽ có ích hơn là ở Hà Nội”- ông Giản tâm sự.

Năm 1977, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đến vùng KTM Hà Nội. Tấm ảnh Đại tướng xem bản đồ quy hoạch vùng KTM và ảnh Đại tướng chụp chung với một số cán bộ giáo viên vẫn được trân trọng lưu giữ tại phòng truyền thống ở Lâm Hà. Khi đến tham quan, nhìn thấy những bức ảnh này, một nhà báo nước ngoài reo lên “Napoléon Việt Nam đã đến đây rồi à?”. Ngày ấy, Đại tướng nói Tây Nguyên có vị thế trọng yếu, về kinh tế, an ninh quốc phòng do đó kẻ địch sử dụng Fulro thời hậu chiến để chống phá ta. Đảng ta chủ trương xây dựng những vùng KTM ở Tây Nguyên vừa để giãn dân ở đồng bằng vừa tăng cường bảo vệ vùng đất trọng yếu này.

“Đúng như nhận định của Đại tướng, Fulro điên cuồng chống phá việc xây dựng vùng KTM, cướp đi sinh mạng của nhiều thanh niên tiền trạm. Có một đôi bị phục kích trên đường đi đăng ký kết hôn khiến chàng trai chết tại chỗ, còn cô gái bị thương nặng” - ông Giản bùi ngùi nhớ lại.

Xứ sở của dòng cà phê thơm ngon bậc nhất thế giới

Ngày nay cưỡi ô tô bon bon giữa vùng đất trải dài hàng chục ngàn héc-ta với những vườn cà phê trĩu quả. Những đồi chè và dâu tằm xanh mướt mát, hàng chục điểm dân cư mới mang những tên gọi thân thuộc gợi nhớ Hà Nội như Ba Ðình, Mê Linh, Hoàn Kiếm, Ðống Ða, Gia Lâm, Ðông Anh, Thanh Trì, Từ Liêm... Ít ai ngờ rằng 40 năm trước đây là chốn thâm sơn cùng cốc, rừng nguyên sinh bạt ngàn, trong đó nhiều cánh rừng xác xơ do bom đạn tàn phá suốt hai cuộc chiến tranh ác liệt. Vắt xanh, muỗi vằn, ruồi vàng và rắn độc nhiều vô kể; sốt rét rừng hoành hành; dấu chân thú dữ và dấu giày Fulro in hằn khắp nơi trên vùng đất đỏ bazan.   

“Những năm đầu, người dân vùng KTM chủ yếu trồng ngô, sắn để chống đói. Thập niên 80 của thế kỷ trước, Lâm Hà như anh hàng xén, cái gì cũng có, còn bây giờ đã biết tập trung đầu tư cho những cây công nghiệp thế mạnh của vùng đất bazan như chè, cà phê và dâu tằm; đồng thời tận dụng khả năng về các nghề truyền thống của người dân Kẻ Chợ, xứ Đoài... Đời sống của bà con nhờ vậy ngày càng khấm khá”- ông Giản vui vẻ nói.

Từ 1.000 ha năm 1987 đến nay diện tích cà phê ở Lâm Hà đã tăng lên khoảng 40.000 ha, năng suất từ 1,5 tấn/ha được nâng dần lên 2 tấn rồi 3 tấn, 4 tấn/ha, có nơi đạt tới 5 tấn/ha. Đặc biệt, Lâm Hà là một trong số ít địa phương ở Việt Nam trồng được cà phê arabica - dòng cà phê có mùi hương quyến rũ và đắt giá bậc nhất thế giới. 

Hồn Thủ đô trên cao nguyên đất đỏ ảnh 2 Đào Nhật Tân trên cao nguyên
Di thực đào Nhật Tân lên cao nguyên

Theo dòng hồi tưởng, ông Giản nói mình vốn là cư dân xứ hoa đào Từ Liêm, Hà Nội. Hy vọng có thể đưa đào đất Bắc lên cao nguyên, vào năm 1997 ông giới thiệu nghệ nhân Mười Lời (lúc ấy gần 50 tuổi, trú tại TP Đà Lạt) đến Đại học Nông nghiệp 1 và làng hoa Nhật Tân học hỏi kinh nghiệm chiết ghép, chăm sóc hoa đào. Từ những mầm đào đưa từ Nhật Tân về, ông Mười Lời đã ghép thành công trên cây đào Đà Lạt tạo ra một loài đào mới với cánh hoa dày, lâu tàn, màu đỏ thắm đẹp đến lạ lùng. 

Ban đầu những người con Hà Nội mang theo từng gốc đào, hương án và cả những tập quán tốt đẹp (ăn nói nhẹ nhàng, ứng xử lịch thiệp, ân cần, chia bùi sẻ ngọt, trọng tình làng nghĩa xóm, giữ nề nếp trong họ ngoài làng…) vào vùng KTM. Trải qua mấy mươi năm, nét văn hóa Tràng An vẫn được gìn giữ; con cháu được dạy dỗ tử tế để nhớ gốc gác, nguồn cội.

Hay tin đào đất Bắc bừng nở trong tiết xuân Đà Lạt, một số nghệ nhân gốc Từ Liêm, Đông Anh mạnh dạn đưa đào Nhật Tân vào trồng tại thị trấn Nam Ban (Lâm Hà), cách TP Đà Lạt khoảng 20km bởi khí hậu, đất đai ở Nam Ban cũng có một số điểm tương đồng với Đà Lạt. Hiện các hộ Chu Đức Lợi, Chu Văn Toán và vợ chồng Nguyễn Quang Lâm - Kiều Thị Nga đã trồng thành công đào Nhật Tân tại Nam Ban, hộ ít thì 200 - 300 gốc, hộ nhiều gần cả ngàn gốc. Gốc đào rẻ nhất cũng vài trăm ngàn, còn những cây đào thế, hoa đẹp có giá từ vài triệu đến hàng chục triệu.

Anh Lâm, chị Nga hiện là hiệu trưởng, hiệu phó của các trường THCS Nam Hà và Mê Linh, tuy nhiên thu nhập chính của gia đình từ vườn đào Nhật Tân 600 gốc. Chị Nga cho biết đất đỏ bazan rất tốt nên đào lớn nhanh (gấp 3 lần ở Hà Nội) nhưng nếu không biết cách chăm sóc thì trong điều kiện thời tiết nắng nóng ở phương Nam, cây chỉ ra lá, không có hoa hoặc nở không đúng thời điểm. Phải dày công nghiên cứu thuần hóa đào Nhật Tân để cây quen dần với khí hậu, thổ nhưỡng của Nam Ban; kế đến là sửa tán, tạo dáng và hãm bớt thời gian sinh trưởng để đào nở đúng vào dịp Tết. 

“Ngoài việc di thực nguyên cây, chúng tôi còn tiến hành ghép đào Nhật Tân với đào rừng Lâm Đồng để tạo ra cây đào lai gốc khỏe, hoa đẹp và đều. Hiện Nam Ban đã có đủ 3 loại đào Bích, đào Liễu, đào Hồng, mỗi loại có nét đẹp riêng. Những người con Hà Nội xa xứ ở Lâm Hà và các huyện, thành lân cận được hưởng cái thú tao nhã chơi đào Nhật Tân để nguôi bớt nỗi nhớ quê hương mỗi độ xuân về” - chị Nga nói. 

Không chỉ đào Nhật Tân, Lâm Hà đã ươm trồng được hàng chục loại hoa (hồng, cúc, đồng tiền, cẩm chướng, thạch thảo, cát tường, thiên điểu, đại hồng môn, cẩm tú cầu… và cả loài hoa cao cấp, khó tính như địa lan) trên diện tích khoảng 30ha. Hoa được trồng trong nhà kính cho sản lượng và chất lượng xấp xỉ hoặc tương đương Đà Lạt. “So với ngày Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào thăm, cán bộ và nhân dân khu Ba Đình, Nam Ban không có hoa, đành phải bẻ những cái cờ trên cây ngô để tặng Đại tướng, mới thấy vùng đất này đã thay da đổi thịt biết nhường nào”- ông Giản tâm đắc.

Lãnh đạo Hà Nội xác định dù xa xôi đến mấy, Lâm Hà vẫn là huyện thứ 30 của Thủ đô. Chính quyền và người dân Hà thành thường xuyên hỗ trợ vốn xây thêm cầu cống, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa; bê tông hóa những con đường đất đến từng thôn, xóm. Đó là một trong những động lực quan trọng để Lâm Hà vươn lên trở thành một trong những vùng KTM đạt hiệu quả cao nhất, ổn định cuộc sống nhanh và vững chắc nhất trên đất nước ta.

MỚI - NÓNG