Theo Japan Today, hòn đảo lúc đầu nhô lên vào tháng 11/2013, bên cạnh đảo Nishinoshima trên biển Thái Bình Dương, và tiếp tục mở rộng cho đến khi hai đảo nhập lại thành một. Đảo Nishinoshima mới có kích dài 1.900 m, rộng 1.950 m và cao hơn 100 m. Các vụ phun trào từ núi lửa tiếp tục bổ sung thêm lớp đất cho hòn đảo và theo các nhà khoa học, hoạt động này sẽ còn kéo dài trong một thời gian nữa.
Trong một khảo sát trên không gần đây, lực lượng tuần tra biển của Nhật Bản trông thấy cột khói cao 1.200 m bốc lên từ vụ phun trào cùng với đá núi lửa bắn ra vài lần mỗi phút. Lúc đầu, các nhà khoa học không chắc chắn hòn đảo sẽ tồn tại bao lâu bởi đảo núi lửa kiểu này thường bị biển vùi lấp sau thời gian ngắn. Đối với các nhà khoa học, hòn đảo cung cấp một cơ hội hiếm hoi để nghiên cứu sự sống bắt đầu bao phủ đất cằn như thế nào.
Núi lửa phun trào trên đảo. Ảnh: The Ashi Shimbun.
Dù phần lớn hòn đảo có thành phần là đá tạo thành từ dung nham nguội, các nhà khoa học cho rằng trong tương lai nó sẽ ươm mầm cho đời sống thực vật và động vật. "Những nhà sinh vật học như chúng tôi rất quan tâm tới hòn đảo mới bởi chúng tôi có thể quan sát khởi nguồn của quá trình tiến hóa", Naoki Kachi, giáo sư tại Đại học Tokyo Metropolitan, Nhật Bản, chia sẻ với AFP.
Theo Kachi, sau khi hoạt động núi lửa lắng xuống, loài cây đầu tiên có thể do các dòng hải lưu đưa tới hoặc do chim phát tán. Những loài chim biển sử dụng đảo đá làm nơi nghỉ ngơi tạm thời cũng có thể dựng tổ ở đó. Phân của chúng cùng với lông rụng, thức ăn rơi vãi và xác thối sẽ tạo thành lớp đất màu mỡ giàu dưỡng chất để các loại hạt giống nảy mầm.