Báo cáo cho hay, ít nhất 24 phóng viên đã thiệt mạng trong các cuộc tấn công khủng bố hầu hết ở Pháp, Libya và Iraq, khoảng 17 phóng viên thiệt mạng khi đưa tin về xung đột ở Yemen, Libya, Iraq, Syria, South Sudan và Ukraine.
Ngoài các khu vực đang có chiến sự, 30 nhà báo khác bị tội phạm sát hại đặc biệt ở Mỹ Latin, Philippines và Ấn Độ.
Cũng theo báo cáo này, Trung Đông và Bắc Phi là những khu vực nguy hiểm nhất đối với truyền thông với 23 nhà báo bị giết.
“Bốn quốc gia nguy hiểm nhất trong khu vực này là Libya (8 người chết), Yemen (6 người), Iraq (6 người), Syria (2 người) và 1 ở Gaza”, theo báo cáo. PEC cũng cho biết thêm rằng ngày càng ít phóng viên mạo hiểm tới đưa tin về Syria vì khu vực này đặc biệt nguy hiểm và được mệnh danh là “cấm địa”.
Mỹ Latin đứng sau Trung Đông và Bắc Phi với 17 nhà báo bị giết tại 7 nước, đặc biệt là ở Mexico, Honduras và Guatemala.
Châu Âu xếp thứ ba với 13 người thiệt mạng. Tám phóng viên bị giết trong vụ tấn công tòa soạn Charlie Hebdo ở Pháp, 4 người ở Ukraine, 1 người ở Ba Lan.
Xếp thứ tư là châu Phi với 9 phóng viên bị giết trong cuộc chiến ở South Sudan.
Trong báo cáo trước đó, PEC cho biết, năm 2014 là năm “chết chóc” nhất đối với phóng viên trong suốt 10 năm qua bởi có tới 138 người thiệt mạng.
Được thành lập vào tháng 6/2004 và có trụ sở ở Geneva, PEC cho biết, mục tiêu của Chiến dịch là tăng cường bảo vệ cho nhà báo tại các khu vực có xung đột, bất ổn dân sự hoặc trong các nhiệm vụ nguy hiểm.