Hơn 70% doanh nghiệp FDI hài lòng với cơ quan BHXH

Có tới 70,8% doanh nghiệp FDI không gặp các vướng mắc, khó khăn khi thực hiện các trình tự, thủ tục của ngành BHXH. Ảnh: Phong Cầm.
Có tới 70,8% doanh nghiệp FDI không gặp các vướng mắc, khó khăn khi thực hiện các trình tự, thủ tục của ngành BHXH. Ảnh: Phong Cầm.
TP - Đây là một trong những kết quả đáng chú ý của báo cáo khảo sát ý kiến doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tại Việt Nam do Văn phòng Giới sử dụng lao động thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố.

70,8% doanh nghiệp hài lòng

Theo đó, kết quả khảo sát cho thấy, tỷ lệ doanh nghiệp FDI cho biết họ thấy “thuận lợi hơn” trước về những cải cách của BHXH Việt Nam liên quan đến BHXH, BHYT, BHTN (đạt lần lượt là 64% - 55,8% - 51,3%). Điều này chứng tỏ các doanh nghiệp FDI đánh giá cao nỗ lực của ngành BHXH nhằm tạo điều kiện thuận lợi, cắt giảm chi phí và thời gian cho doanh nghiệp. Đặc biệt, với những doanh nghiệp có đông lao động, nhất là lao động nữ, việc thực hiện cải cách các thủ tục hành chính, giao dịch điện tử, đã giúp cho doanh nghiệp và người lao động tiết kiệm được nhiều thời gian giải quyết thủ tục với ngành BHXH. “Tỷ lệ doanh nghiệp không gặp các vướng mắc, khó khăn khi thực hiện các trình tự, thủ tục của ngành BHXH khá cao (70,8%), điều này minh chứng cho kết quả và hiệu quả tác động của cải cách thủ tục hành chính đối với các doanh nghiệp”, báo cáo khảo sát của VCCI khẳng định.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, báo cáo khảo sát cũng cho thấy những khó khăn vẫn còn tồn tại về thủ tục trong lĩnh vực BHXH. Cụ thể, tỷ lệ doanh nghiệp cho rằng họ chưa nhận thấy thay đổi gì từ những cải cách này cũng chiếm khá lớn 28,8% đối với BHXH, 35,1% đối với BHYT và 43,8% đối với BHTN. Ngoài ra, vẫn còn tỷ lệ đáng kể doanh nghiệp cho rằng họ gặp khó khăn hơn với các thủ tục hành chính của BHXH, BHYT và BHTN, lần lượt là 7,2% - 9,1% - 4,9%.

Nhằm tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp FDI trong việc thực hiện chính sách chế độ BHXH, BHYT, BHTN, BHXH Việt Nam đã đưa ra các giải pháp cơ bản khắc phục những khó khăn, vướng mắc như: tiếp tục rà soát, đơn giản hóa các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết; thiết lập hệ thống tư vấn, giải đáp, chế độ chính sách BHXH, BHYT, BHTN.

Ông Phạm Lương Sơn, Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam

Từ kết quả khảo sát trên, VCCI đã đưa ra nhiều khuyến nghị đối với Bộ LĐ-TB&XH và cơ quan BHXH như: Tiếp tục rà soát, kiểm tra những trình tự, thủ tục, hồ sơ hành chính để tiếp tục cắt giảm và đơn giản hóa đến mức tối đa, tiết kiệm thời gian, chi phí của tổ chức, cá nhân khi thực hiện các thủ tục hành chính về BHXH, BHYT, BHTN... nhằm mục đích hướng đến xây dựng chế độ báo cáo BHXH hợp lý, hài hòa lợi ích người lao động, doanh nghiệp và xã hội để doanh nghiệp thích ứng và sử dụng lao động phù hợp.

Ông Phạm Lương Sơn, Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam cho biết, nhằm tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp FDI trong việc thực hiện chính sách chế độ BHXH, BHYT, BHTN, BHXH Việt Nam đã đưa ra các giải pháp cơ bản khắc phục những khó khăn, vướng mắc như: tiếp tục rà soát, đơn giản hóa các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết; thiết lập hệ thống tư vấn, giải đáp, chế độ chính sách BHXH, BHYT, BHTN.

Ông Sơn cũng cho biết, sẽ triển khai hệ thống theo dõi trực tuyến công tác tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính; Ban hành Quy trình nghiệp vụ về giao dịch điện tử của tất cả các lĩnh vực thu, sổ thẻ, giải quyết và chi trả các chế độ BHXH, BHYT, BHTN; tích cực vận động, có giải pháp hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp lựa chọn phương thức giao dịch điện tử và dịch vụ bưu điện công ích khi giao dịch với cơ quan BHXH.

4 trụ cột an sinh quan trọng

Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết, việc VCCI công bố khảo sát về mức độ hài lòng của doanh nghiệp FDI đối với lĩnh vực BHXH là rất tốt. “Qua khảo sát, giúp các cơ quan liên quan điều chỉnh về chính sách, làm thế nào để hướng tới sự hài lòng của doanh nghiệp. Thực tế, doanh nghiệp FDI đang đóng vai trò cực kỳ quan trọng đối với sự phát triển của đất nước”, ông Lợi nói.

Theo ông Lợi, BHXH là một trong 4 trụ cột an sinh quan trọng của một đất nước. Cụ thể, theo ông Lợi, hệ thống an sinh xã hội của chúng ta có 4 nấc, tôi hay gọi là 4 trụ cột. Trụ cột thứ nhất, người ta gọi là phòng ngừa. Phòng ngừa tức là phải tạo việc làm để người ta không lâm vào cảnh không có việc làm, không có thu nhập. Muốn có việc làm thì phải đào tạo nghề cho lao động khu vực nông nghiệp nông thôn, nông dân… Cùng đó là hỗ trợ vay vốn, xóa đói giảm nghèo. Tất cả những việc làm đó chính là phòng ngừa.

Trụ cột thứ hai là giảm thiểu, chính là BHXH, BHYT, BHTN. Việc đóng BHXH thực ra là đang để dành, để chúng ta tồn tại khi hết tuổi lao động cũng như được chăm sóc sức khỏe. Trụ cột thứ 3 là khắc phục, có ba đối tượng (trợ cấp đột xuất khi rủi ro tai nạn, hậu quả chiến tranh, trợ cấp thường xuyên). Trụ cột thứ 4 là phải đảm bảo các dịch vụ xã hội cơ bản (nhà ở, giáo dục, y tế, nước sạch, thông tin). 

“Hệ thống an sinh của chúng ta là như vậy. Bây giờ doanh nghiệp không tham gia thì người dân sao tham gia được. Các bạn doanh nghiệp FDI thông cảm với đất nước chúng tôi và chắc ở đất nước các bạn việc tham gia BHXH sẽ đắt hơn Việt Nam”, ông Lợi nói.

MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.