Theo UBND thành phố Hà Nội, trên địa bàn hiện có 7.968 thôn, tổ dân phố (2.510 thôn, 5.458 tổ dân phố). Tại một số phường, nhiều tổ dân phố có quy mô số hộ nhỏ, số lượng đảng viên và thành viên của các đoàn thể ít, không đủ điều kiện để thành lập các tổ chức này theo địa bàn, mà phải tổ chức liên tổ.
Những bất cập đó dẫn đến hiệu quả hoạt động của các đoàn thể chưa cao, chưa phát huy được tính chủ động, tập trung trong lãnh đạo chỉ đạo.
Tháng 12/2018, Bộ Nội vụ ban hành Thông tư 14 quy định quy mô số hộ gia đình để thành lập thôn mới tại các xã vùng đồng bằng sông Hồng là 300 hộ trở lên; quy mô dân số để thành lập tổ dân phố mới thuộc thành phố Hà Nội là từ 450 hộ trở lên. Thông tư cũng quy định các thôn, tổ dân phố hiện tại có quy mô số hộ gia đình dưới 50% mức quy định thì phải sáp nhập với thôn, tổ dân phồ liền kề.
Từ căn cứ trên, UBND thành phố Hà Nội cho biết, tổng số thôn, tổ dân phố thuộc diện phải sáp nhập theo quy định là 4.115, trong đó có 223 thôn (dưới 150 hộ gia đình), 3.892 tổ dân phố (dưới 225 hộ gia đình).
Tại phiên họp bất thường sáng nay, HĐND thành phố Hà Nội đã đồng ý với phương án sáp nhập, đặt tên các tổ dân phố, tổ dân phố 12 quận, huyện, thị xã trên địa bàn trong năm 2019. Trong đó sáp nhập 348 thôn, tổ dân phố; 159 thôn, tổ dân phố thành lập mới sau sáp nhập; 53 thôn, tổ dân phố đổi tên. Sau khi thực hiện sáp nhập, toàn thành phố đã giảm 189 thôn, tổ dân phố (140 thôn, 49 tổ dân phố).
Cụ thể, huyện Ba Vì sáp nhập 13 thôn thành 6 thôn mới; huyện Chương Mỹ sáp nhập 19 thôn thành 9 thôn mới; Gia Lâm sáp nhập 13 thôn, tổ dân phố thành 6 thôn, tổ dân phố mới; Mê Linh sáp nhập 6 thôn, tổ dân phố thành 3 tổ dân phố mới; Phú Xuyên sáp nhập 6 thôn, tổ dân phố để thành lập 3 thôn, tổ dân phố mới…
UBND thành phố Hà Nội cho biết, trên địa bàn thành phố vẫn còn 18 quận, huyện có thôn, tổ dân phố trong diện phải sáp nhập nhưng chưa thực hiện trong năm 2019. Do vậy, UBND thành phố Hà Nội sẽ chỉ đạo 18 đơn vị này xây dựng phương án sáp nhập trong năm 2020.