Một trong những yêu cầu quan trọng về tiến độ được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đưa ra là đến hết tháng 12/2019, Bộ Nội vụ cùng các địa phương trong diện phải sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã phải hoàn tất hồ sơ, thẩm định để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên Tiền Phong, một thành viên trong Hội đồng thẩm định cho biết, đến nay ba địa phương trong diện phải sắp xếp là Hà Nội, TP. HCM và Thái Bình vẫn chưa gửi Đề án về Bộ Nội vụ.
“Có thể vì lý do HĐND các địa phương này vừa họp nên chưa kịp hoàn tất đề án. Song lý do này không thuyết phục, vì các tỉnh, thành khác cũng phải họp HĐND như vậy, nhưng họ vẫn hoàn thành tiến độ. Chúng tôi sẵn sàng làm việc cả ngoài giờ hành chính, trong ngày nghỉ để đảm bảo tiến độ”, một thành viên Hội đồng thẩm định cho hay.
Liên quan đến sự việc này, vừa qua TP. HCM đã có văn bản gửi Thủ tướng và Bộ Nội vụ xin được gia hạn thời gian trình đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã sang năm 2020 để giải quyết những vấn đề còn tồn đọng. Tuy nhiên, nguồn tin từ Bộ Nội vụ cho biết, đến nay vẫn chưa có bất cứ một văn bản nào đồng ý đề xuất này.
Tại Hà Nội, vừa qua Quốc hội đã đồng ý cho thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị. Như vậy, thành phố Hà Nội phải tổ chức song song hai nhiệm vụ quan trọng này. Được biết, Hà Nội có 4 phường Nguyễn Du, Bùi Thị Xuân, Ngô Thì Nhậm, Phạm Đình Hổ thuộc quận Hai Bà Trưng đều không đủ diện tích và quy mô dân số, trong diện phải sáp nhập.
Theo Bộ Nội vụ, trong giai đoạn 2019 – 2021, có 45 tỉnh, thành phố thực hiện việc sắp xếp, qua đó sẽ giảm 6 đơn vị hành chính cấp huyện, 564 đơn vị hành chính cấp xã.
Về tinh giản bộ máy, kết thúc đợt sáp nhập này, đến trước năm 2022 sẽ giảm được khoảng gần 10.000 cán bộ, công chức và khoảng gần 6.000 người hoạt động không chuyên trách.
Một số địa phương cuối cùng như Vĩnh Long, Vĩnh Phúc, Tây Ninh cũng vừa hoàn tất đề án sáp nhập, được Hội đồng thẩm định phê duyệt trước khi trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.