Theo đó, có hơn 5.000 lượt phương tiện đã có chứng từ và thông báo của cơ quan chức năng là đã xử lý vi phạm và gỡ khỏi hệ thống, đủ điều kiện đăng kiểm. Trước đó, năm 2016 mới có khoảng 2.800 trường hợp phương tiện vi phạm đã tiến hành xử phạt nguội.
Theo ông Trần Kỳ Hình, toàn bộ hệ thống các trạm sẽ từ chối đăng kiểm khi nhận được thông báo phương tiện vi phạm Luật Giao thông từ cơ quan chức năng. Theo đó, chỉ khi hệ thống gỡ bỏ thông tin phương tiện, các trạm mới tiến hành thủ tục đăng kiểm cho phương tiện, ông Hình nói.
Phòng CSGT Hà Nội cho biết, 9 tháng đầu năm đơn vị đã xử lý 4.252 trường hợp vi phạm luật giao thông đường bộ qua hệ thống camera, tước 4.009 GPLX. Trong đó, hơn 1000 lượt vi phạm chưa chấp hành việc nộp phạt theo giấy thông báo vi phạm, nộp phạt của Trung tâm tín hiệu đèn. Đơn vị đã gửi thông báo hơn 1.000 phương tiện này này tới trung tâm đăng kiểm.
Cũng về vấn đề này, luật sư Nguyễn Anh Tuấn – Công ty Luật TNHH Trường Lộc cho biết, mục tiêu của việc đăng kiểm xe cơ giới là phải bảo đảm an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường cho phương tiện tham gia giao thông, nhằm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ lợi ích cộng đồng, mà không gây nguy cơ mất an toàn giao thông, không ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản của người dân, xã hội. Việc kiểm định phương tiện giao thông đường bộ được thực hiện theo Luật Giao thông đường bộ.
Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa được cụ thể hoá tại Thông tư 70/2015/TT- BGTVT quy định về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành.
Còn việc xử lý vi phạm hành chính là hoạt động áp dụng pháp luật của các cơ quan nhà nước và cá nhân có thẩm quyền vào từng vụ, việc vi phạm hành chính cụ thể. Vi phạm hành chính là hành vi có lỗi do cá nhân, tổ chức thực hiện, vi phạm quy định của pháp luật về quản lý nhà nước mà không phải là tội phạm và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt vi phạm hành chính.
Như vậy, đối tượng để kiểm định không phải là đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính. Theo quy định của Thông tư 70/2015/TT-BGTVT thì không có quy định nào quy định cơ quan đăng kiểm chỉ được đăng kiểm phương tiện giao thông đường bộ sau khi chủ phương tiện đã nộp phạt vi phạm.
Do đó, nếu đơn vị kiểm định từ chối kiểm định những phương tiện giao thông vì lý do người điều khiển phương tiện giao thông chưa nộp phạt vi phạm hành chính là không có căn cứ pháp luật, trái với quy định của Luật Giao thông đường bộ Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và Thông tư 70/2015/TT-BGTVT.