Lớp học được tổ chức ngày 11/11, tại Tỉnh Đoàn Đắk Lắk với hơn 100 thanh niên dân tộc thiểu số đang sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp và cán bộ Hội liên hiệp thanh niên toàn tỉnh tham gia.
Các học viên được tập huấn kiến thức về chuỗi giá trị, liên kết chuỗi, các kỹ năng về ứng dụng chuỗi giá trị trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; kỹ năng tiếp thị và bán sản phẩm. Đồng thời, thực hành nhóm về chuỗi giá trị, lập trang mạng điện tử và bán hàng trực tuyến. Ngoài ra, ban tổ chức trao đổi và giải đáp thắc mắc về các vấn đề học viên quan tâm…
Anh Y Lê Pas Tơr, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam tỉnh Đắk Lắk phát biểu tại chương trình |
Anh Y Lê Pas Tơr, Chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam tỉnh Đắk Lắk cho biết, trong bối cảnh sản xuất nông nghiệp của thanh niên trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk có hàm lượng khoa học công nghệ cũng như ứng dụng khoa học công nghệ vào trong sản xuất vẫn còn nhiều hạn chế. Việc phổ biến kiến thức liên quan đến ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất cho thanh niên là một nhiệm vụ hàng đầu. Tổ chức Đoàn, hội cùng tham gia với hệ thống về khởi nghiệp, đặc biệt là việc đồng hành với thanh niên trong lập thân, lập nghiệp, khởi nghiệp.
Thanh niên, cán bộ Hội làm việc theo nhóm tại lớp tập huấn |
Theo anh Y Lê Pas Tơr, đây là hoạt động thực hiện theo chương trình của Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam nhằm hỗ trợ thanh niên dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh có thêm kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm, tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, góp phần phát triển kinh tế xã hội tại địa phương.
Tham gia đứng lớp tập huấn, anh Phạm Thanh Tuấn, thạc sĩ Quản trị kinh doanh quốc tế, Viện Quản trị công nghệ FSB chia sẻ, thanh niên nông thôn ở đây đang sở hữu những điều kiện tốt, như quỹ đất, cây trồng có khả năng kinh tế. Các bạn sinh ra ở nơi khó khăn, và có nghị lực vươn lên nhưng điểm yếu là khá tự ti. Các bạn có quá nhiều thứ để làm, không biết bắt đầu từ đâu.
“Chuyên đề hôm nay, tôi muốn các bạn xây dựng niềm tin, là bệ phóng đưa ra thị trường đến từ sản phẩm chất lượng. Sản phẩm chất lượng không đến từ cuộc chơi của một người mà đến từ mô hình liên kết chuỗi, cho ra sản phẩm tốt. Điều thứ 2 chúng tôi muốn tác động để các bạn tự tin, truyền cảm hứng cho các bạn. Thứ 3, chúng tôi muốn giới thiệu những mô hình đang tiếp thị nông sản không theo cách truyền thống, và những phương thức có thể gia tăng được kênh bán hàng của các bạn”, anh Tuấn nhấn mạnh.
Theo anh Tuấn, tại buổi tập huấn hôm nay, các học viên được xem clip, làm việc nhóm và thuyết trình. Anh Tuấn mong muốn các thanh niên liên kết sản xuất, tạo ra nguồn nguyên liệu ổn định, có chất lượng, sản lượng và gia tăng thương hiệu vùng miền.