Cũng theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, tổng số điểm thi là 1.980, tổng số phòng thi là 38.050 và số cán bộ, giảng viên ĐH, CĐ làm công tác coi thi, giám sát là trên 50.000 người đến từ 220 trường ĐH, CĐ. Theo quy chế, các thí sinh còn được làm thủ tục dự thi cho đến trước 7 giờ 00 phút sáng 25/6/2019. Đánh giá chung tình hình làm thủ tục dự thi, Bộ GD&ĐT khẳng định buổi làm thủ tục dự thi diễn ra an toàn, trật tự, nghiêm túc, đúng quy chế.
Hôm nay, thí sinh sẽ thi hai môn là Ngữ văn (buổi sáng), thời gian làm bài 120 phút, môn Toán (buổi chiều) với thời gian làm bài là 90 phút.
Kỳ thi năm nay được cả xã hội đặc biệt quan tâm sau những sai phạm chấn động ở một số tỉnh trong kỳ thi năm trước. Suốt gần 1 năm qua, Bộ GD&ĐT và các địa phương dồn lực để “bịt lỗ hổng” kỳ thi. Sau những sai phạm nghiêm trọng trong chấm thi THPT Quốc gia năm ngoái ở một số địa phương, Bộ GD&ĐT đã sửa quy chế thi, giao vai trò chủ trì chấm thi trắc nghiệm cho các trường ĐH thay vì các sở GD&ĐT như các năm trước. Sở GD&ĐT địa phương chịu trách nhiệm chuẩn bị điều kiện cơ sở vật chất, tài chính; hệ thống máy tính, máy quét ảnh và các thiết bị phụ trợ đáp ứng các yêu cầu theo hướng dẫn hằng năm của Bộ, phối hợp lực lượng công an, bảo vệ đảm bảo an ninh, an toàn cho việc chấm thi.
Trưởng ban chấm thi trắc nghiệm do lãnh đạo trường ĐH đảm nhiệm. Các phiếu trả lời trắc nghiệm của thí sinh đều phải được chấm bằng máy với cùng một phần mềm chuyên dụng do Bộ cung cấp.
Trong quá trình xử lý kỹ thuật, khi mở niêm phong CD chứa dữ liệu chấm bài thi trắc nghiệm của Bộ, phải có sự giám sát của công an và tổ giám sát, lập biên bản mở niêm phong rồi mới tiến hành các bước tiếp theo. Sau khi hoàn thành khâu xử lý kỹ thuật dữ liệu ảnh quét, tổ chấm bài thi trắc nghiệm mới được tiến hành chấm điểm và quy đổi điểm bằng máy tính sang thang điểm 10, làm tròn đến hai chữ số thập phân cho từng bài thi và từng môn thi thành phần của bài thi tổ hợp.
Vẫn còn băn khoăn
Theo cô Nguyễn Bội Quỳnh, Trưởng điểm thi trường THPT Hoàng Văn Thụ (Hoàng Mai), Hà Nội, năm nay có một số điểm mới nên những người làm công tác coi thi nếu không đọc kỹ quy chế, không được tập huấn kỹ sẽ rất lúng túng. Các điểm mới, theo cô Quỳnh, là để tăng tính bảo mật, an toàn của kỳ thi. Cụ thể, ngay từ ngày đầu làm thủ tục cho thí sinh dự thi, tất cả các giám thị đều phải ký chữ ký mẫu. Như năm trước, bản chữ ký mẫu này đến cuối kỳ thi mới được niêm phong thì năm nay, ký xong sẽ phải niêm phong ngay buổi đầu tiên làm thủ tục. Cũng theo quy chế, năm nay quy định 1 phó điểm trưởng (là giảng viên ĐH, CĐ) sẽ phải ngủ lại tại phòng lưu trữ đề thi, bài thi cùng với cơ quan an ninh, không phải là điểm trưởng đến từ các trường phổ thông.
Năm nay quy chế cũng quy định phải có phòng chờ dành cho thí sinh tự do và giáo dục thường xuyên. Phòng chờ phải có cán bộ ngồi trực. Không những thế, đối với môn tự luận là môn Ngữ văn, nếu làm xong bài sau khi hết 2/3 thời gian thì cũng ra phòng chờ quy định. Đối với những thí sinh này, khi ra phòng chờ cũng không được sử dụng điện thoại, các thiết bị không được phép sử dụng trong quá trình thi. Nếu sử dụng, sẽ vi phạm quy chế và bị đình chỉ thi. Đây là một điểm mới được cô Quỳnh đặc biệt lưu ý đối với thí sinh.
Qua tìm hiểu thực tế của phóng viên tại một số điểm thi và được các điểm trưởng phản ánh, nhiều cán bộ đến từ các trường ĐH chưa nắm được quy chế thi. Rất nhiều giảng viên ĐH lần đầu tiên được đi phục vụ kỳ thi nên chưa có kinh nghiệm. Dù đã được tập huấn nhưng họ vẫn chưa hình dung được công việc cụ thể của mình trong quá trình làm thi. Một điểm trưởng tại Hà Nội cho biết, đến buổi sáng hôm qua, 24/6, một số giám thị làm thi đến từ trường ĐH vẫn còn chưa phân biệt được ở phiếu trả lời trắc nghiệm của thí sinh, chỗ nào viết bút mực, chỗ nào tô bút chì.
Khâu coi thi dễ xảy ra sai sót
Kiểm tra công tác chuẩn bị thi tại trường THPT Hoài Đức A và trường THCS An Khánh (Hà Nội), Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ lưu ý các điểm thi vấn đề quan trọng đầu tiên phải bảo đảm đề thi, bài thi. Đặc biệt, bài thi sau khi đóng gói, niêm phong phải được lưu giữ cẩn thận, chỉ cần một khâu có sai sót sẽ làm hỏng cả kỳ thi. Từ sai sót trong kỳ thi năm trước, năm nay Bộ GD&ĐT đã sửa đổi quy chế thi. Bộ trưởng Nhạ cũng nhắc lại vấn đề coi thi và cho rằng “đây là hoạt động dễ xảy ra sai sót”.
Bộ trưởng yêu cầu giáo viên, cán bộ coi thi phải nắm vững quy chế, hiểu chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình. “Cán bộ làm thi không ủy quyền, không giao việc cho người khác, phải làm đến nơi đến chốn. Có những việc rất nhỏ nhưng không làm đúng cũng có thể rủi ro”, ông Nhạ nói.
Ngoài ra, ông Nhạ cũng lưu ý vấn đề thanh, kiểm tra. Ông thừa nhận đây là khâu yếu trong năm ngoái, do đó năm nay phải thanh tra toàn diện. Không làm căng thẳng nhưng cần giám sát được tất cả các bước. Chỉ cần sơ hở, không kỹ càng một công đoạn nhỏ sẽ rủi ro, vì vậy ông đề nghị lực lượng thanh tra làm kỹ và giám sát lẫn nhau.