Hôm nay, gần 580 nghìn thí sinh dự thi ĐH-CĐ

Giám thị coi thi đang đọc số báo danh kiểm tra trước ngày thi chính thức (ảnh chụp sáng 3/7 tại trường ĐH Thủy Lợi). Ảnh: như ý
Giám thị coi thi đang đọc số báo danh kiểm tra trước ngày thi chính thức (ảnh chụp sáng 3/7 tại trường ĐH Thủy Lợi). Ảnh: như ý
TP - Trong ngày làm thủ tục dự thi cho đợt 1 kỳ thi tuyển sinh vào ĐH, CĐ năm 2014, có 571.688 thí sinh đến làm thủ tục dự thi trên tổng số 767.682 thí sinh đăng ký dự thi (đạt tỷ lệ 74,47%). Hôm nay, thí sinh dự thi tuyển sinh đợt I ĐH, CĐ năm 2014 tại 983 điểm thi trên cả nước.

Hồ sơ ảo giảm

Trong ngày đầu tiên làm thủ tục dự thi vào ĐH, CĐ năm 2014, nhiều trường có tỷ lệ thí sinh đến dự thi ngang bằng hoặc cao hơn năm trước: Học viện Bưu chính viễn thông: 67,1% so với 63% của năm 2013; ĐHKH Tự nhiên tổ chức thi khối A và A1 cho ĐHQG HN với tỷ lệ 56% so với 51% của năm 2013; ĐH Vinh 79%... Đặc biệt, ĐH Kinh tế quốc dân đã loại được gần 1.282 hồ sơ trùng lặp tên tuổi, ngày tháng năm sinh, trường học... do một số thí sinh đăng ký nhiều hồ sơ vào nhiều ngành khác nhau của trường. Thành viên Hội đồng tuyển sinh trường này cho biết, Hội đồng thi đã dùng phần mềm tự động xóa tên các thí sinh không dự thi dựa trên những thông số cần thiết và trong buổi làm thủ tục dự thi, thí sinh chốt nguyện vọng cuối cùng. Theo ông Đinh Xuân Khoa, có được điều này là do truyền thông tốt hơn và do học sinh có thông tin đầy đủ hơn để lựa chọn rõ ràng hơn.

Nhận xét về điều này, thứ trưởng GD&ĐT Bùi Văn Ga nói: Năm nay, lượng thí sinh ảo giảm đi nhiều. Trong ngày đầu tiên làm thủ tục dự thi và nghe phổ biến quy chế thi mọi năm, số lượng thí sinh ở nhiều hội đồng thi rất ít, nhưng, năm nay, các phòng thi đều gần kín thí sinh, chứng tỏ số lượng thí sinh ảo không còn lớn như trước đây, tạo điều kiện cho các trường tổ chức thi tốt hơn. Ông Ga khẳng định: thí sinh ảo ít, thí sinh của từng hội đồng giảm nên các hội đồng thi đều thuê những địa điểm có điều kiện cơ sở vật chất tốt; địa điểm thi là trường tiểu học không còn nữa. Điều kiện thi của thí sinh năm nay được cải thiện hơn, vì vậy hy vọng chất lượng làm bài của thí sinh sẽ tốt hơn.
Hôm qua, ông Mai Văn Trinh, Cục Trưởng Cục Khảo thí & Kiểm định Chất lượng Giáo dục, Bộ GD&ĐT đã đến kiểm tra công tác thi ở các hội đồng thi Học viện Nông nghiệp Việt Nam và Trường ĐH Kinh doanh & Công nghệ Hà Nội. 

Hôm nay, gần 580 nghìn thí sinh dự thi ĐH-CĐ ảnh 1

Tại phòng thi Hội đồng thi trường ĐH Thủy Lợi - Hà Nội, sáng 3/7. ảnh: như ý

Đợt I, Học viện Nông nghiệp Việt Nam có 10.104 thí sinh đăng ký dự thi tại bốn nơi (Hà Nội, Hải Phòng, Vinh, Quy Nhơn). Riêng tại Hà Nội có 8.892 hồ sơ đăng ký dự thi, nhà trường đã phải bố trí thi tại 13 điểm thi ở hai địa bàn quận Long Biên và huyện Gia Lâm. Nhìn chung lực lượng giảng viên đảm bảo đủ cho khâu coi thi (chỉ phải huy động thêm 15 sinh viên năm cuối làm giám thị). Còn Trường ĐH Kinh doanh & Công nghệ Hà Nội có 5.361 thí sinh đăng ký dự thi.

Tập trung chống gian lận trong thi cử

Đó là chỉ đạo của Thứ trưởng Ga khi ông trực tiếp đi thị sát công tác chuẩn bị thi ở 2 trường ĐH Công đoàn và ĐH Thủy lợi. Ông đã hỏi cán bộ thi từng chi tiết về việc phát hiện các thiết bị công nghệ cao (TB CNC), xem al-bum ảnh của thí sinh để giám thị đối chiếu với người dự thi. Thứ trưởng Ga nhận xét: Các trường đã tập huấn rất kỹ cho giám thị những kỹ năng tác nghiệp trong công tác coi thi; ví dụ như công việc phát hiện các trường hợp thi hộ thi kèm, phát hiện các TB CNC. Với công tác tổ chức thi, Thứ trưởng Ga nói, Bộ GD&ĐT đã lưu ý các hội đồng thi tập huấn thi thật kỹ, chú ý lịch thi, tuyệt đối không nhầm lẫn khi phát đề các môn thi, đề nghị các hội đồng thi quán triệt theo đúng quy trình mở đề thi, không để xảy ra nhầm lẫn. Nhìn chung, Thứ trưởng chỉ đạo, các hội đồng thi cần lưu ý tổ chức thi cẩn trọng và nghiêm túc để tránh sai sót.

Hôm nay, gần 580 nghìn thí sinh dự thi ĐH-CĐ ảnh 2

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga nhắc nhở các giám thị phải xem tên thí sinh và hình ảnh có bất thường hay không. ảnh: như ý

Ông Ga đặc biệt lưu ý các hội đồng thi về những vật dụng và thiết bị hiện đại. Ông nói: “Bộ đã từng lưu ý các trường về TBCNC từ những năm trước. Các thiết bị này trở nên càng ngày càng đa dạng nên giám thị phải hết sức lưu ý trong quá trình coi thi thì mới phát hiện được. Nếu giám thị phát hiện ra TBCNC thì phải báo cáo chủ tịch hội đồng thi; các hội đồng thi xác minh xem đó có phải là TBCNC hay không. Trong quá trình coi thi, giám thị cần lưu ý quan sát những hành động bất bình thường của thí sinh để phát hiện những thiết bị này”.

Ông Mai Văn Trinh lưu ý các trường nơi ông đến kiểm tra rằng, lực lượng tham gia coi thi của các đơn vị tuy có kinh nghiệm làm thi nhiều năm nhưng vẫn phải lưu ý bám sát các quy định của quy chế, không được chủ quan, và đặc biệt phải chú ý cảnh giác để phát hiện các trường hợp tiêu cực, gian lận thi cử, thi thuê thi hộ… Theo ông Vũ Văn Liết, Bí thư Đảng ủy Học viện Nông nghiệp, trước kỳ thi, lãnh đạo hội đồng thi của trường đã có một buổi làm việc với các cơ quan an ninh và công an để bàn về việc bảo vệ an toàn cho kỳ thi. Theo khuyến cáo của đại diện PA83, mới đây cơ quan chức năng đã phát hiện một đường dây sử dụng công nghệ “trộn ảnh” để làm thẻ dự thi cho thí sinh thi hộ. Chẳng hạn khi thí sinh A được bố trí thi hộ cho thí sinh B, chúng sẽ “trộn” ảnh thí sinh A và thí sinh B với nhau để tạo nên một bức ảnh chân dung trông vừa nhang nhác giống A, vừa nhang nhác giống B, nếu giám thị quan sát không tinh sẽ rất dễ bị đánh lừa.

Có 22.000 thanh niên, sinh viên tình nguyện tham gia hướng dẫn thí sinh nơi ăn, chốn ở, hỗ trợ thí sinh, người nhà thí sinh đến địa điểm thi; Các tổ chức xã hội hỗ trợ được: 38.292 chỗ ở miễn phí và 30.200 suất ăn miễn phí cho các thí sinh.  H.T

Còn GS TS Vũ Văn Hóa, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH KD&CN cũng cho biết, cán bộ giảng viên trường này cũng đã có nhiều kinh nghiệm trong việc phát hiện các trường hợp thi hộ. Chẳng hạn, gần đây, trong một kỳ thi hết môn, các giám thị đã phát hiện có 4 trường hợp dán ảnh của mình chồng lên thẻ sinh viên của sinh viên thật để được vào phòng thi. Thủ đoạn này đã lọt lưới cán bộ giám sát vòng ngoài. Tuy nhiên, khi vào phòng thi, giám thị phát hiện ảnh trên thẻ sinh viên khác với ảnh được lưu trong máy tính của trường. 

“Thí sinh có nhiều thủ đoạn khi sử dụng thiết bị công nghệ cao trong khi thiết bị ngày càng tinh vi. Giám thị phải tăng cường giám sát khi coi thi và lưu ý các loại vật dụng như đồng hồ, bút, chìa khóa xe máy để ngay trước bài thi. Đó là những đặc điểm khác lạ đầu tiên. Nhìn chung, muốn phát hiện ra sự gian lận, giám thị cần tăng cường trách nhiệm và giám sát thật chặt chẽ!”.
Trung tá Lê Hùng, đội trưởng PA83, CA TP Hà Nội

H.T

MỚI - NÓNG