Liên quan đến công tác thanh tra việc tăng giá điện lần này tại EVN theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, có nhiều ý kiến cho rằng thanh tra giá điện là lĩnh vực đặc thủ nên cần các chuyên gia có chuyên môn vào cuộc để xem xét đúng, sai.
Trước những ý kiến này, Phó Tổng thanh tra Chính phủ Bùi Ngọc Lam cho biết, cơ quan này có đầy đủ đội ngũ để có thể đảm nhận nhiệm vụ này. Ông Lam cũng cho hay nếu cần thiết cũng sẽ tham khảo ý kiến của các chuyên gia độc lập.
Cũng theo Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Bùi Ngọc Lam, Thanh tra Chính phủ sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương và Bộ Tài chính để thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng.
"Thanh tra Chính phủ và các bộ sẽ triển khai ngay việc kiểm tra. Tinh thần là bảo đảm kết luận chính xác, khách quan, làm rõ đúng sai đối với nội dung điều chỉnh giá bán điện, phương pháp tính giá bán điện và tính tiền sử dụng điện sau khi có điều chỉnh giá. Khi có kết luận, Thanh tra Chính phủ sẽ công khai theo quy định", Phó Tổng Thanh tra Chính phủ khẳng định.
Kể từ ngày 20/3/2019, giá điện sẽ tăng 8,36%, từ mức 1.720,65 đồng/kWh lên mức 1.864,04 đồng/kWh.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) giải thích việc tăng giá điện là do nguyên nhân "kép" như lượng tiêu thụ điện tăng cao, tăng giá bán lẻ điện bình quân và số ngày ghi chỉ số côngtơ tăng thêm.
Theo EVN, tỉ trọng khách hàng sinh hoạt trên cả nước theo mức sử dụng điện tháng 4-2019 với lượng điện tiêu thụ từ 100 - 200 kWh chiếm tới 36,47% và khách hàng sử dụng dưới 100 kWh chiếm 31,68%. Như vậy, đa phần khách hàng sử dụng điện đều ở mức dưới 200 kWh (chiếm 68,15%), tức là tương đương với bậc 3 trong biểu giá điện lũy tiến.
Trong khi đó, lượng khách hàng sử dụng ở bậc thang từ 200 - 300 kWh cũng chiếm ở mức khá cao với 15,65%; từ 300 - 400 kWh chiếm 6,6%. Các bậc thang còn lại (từ 400 kWh trở lên) chiếm khoảng hơn 7%, là tỉ lệ không có nhiều thay đổi so với trước đây./.