Hôm nay, Anh có thể có thủ tướng mới

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Ông Rishi Sunak nhiều khả năng sẽ trở thành thủ tướng tiếp theo của Anh sau khi đối thủ – cựu Thủ tướng Boris Johnson từ bỏ cuộc đua vì thừa nhận rằng ông không còn đủ khả năng giữ đoàn kết đảng Bảo thủ sau một trong những giai đoạn hỗn loạn nhất trong lịch sử chính trị Anh.
Hôm nay, Anh có thể có thủ tướng mới ảnh 1

Ông Rishi Sunak rời khỏi nhà ngày 24/10. Ảnh: Reuters

Cựu Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak (42 tuổi) có thể sẽ trở thành Thủ tướng Anh sớm nhất vào hôm nay, 24/10, để thay thế bà Liz Truss và trở thành thủ tướng thứ ba của Anh trong vòng chưa đầy hai tháng. Bà Liz Truss tuyên bố từ chức chỉ 45 ngày sau khi nhậm chức, là thủ tướng có thời gian tại nhiệm ngắn nhất trong lịch sử Anh.

Ông Sunak có khả năng sẽ phải đối mặt với một trong những thách thức “khó nhằn” nhất khi nước Anh rơi vào suy thoái, giá năng lượng và nhu yếu phẩm tăng cao.

Ông cũng sẽ phải lãnh đạo một chính đảng vừa trải qua hàng loạt khủng hoảng trong những tháng gần đây, bị chia rẽ nặng nề theo các đường lối tư tưởng khác nhau.

“Anh là một đất nước tuyệt vời nhưng chúng tôi phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng kinh tế sâu sắc”, ông Sunak nói trong tuyên bố tranh cử hôm 23/10.

Thách thức đầu tiên của ông Sunak là phải đánh bại ứng viên cuối cùng trong cuộc đua – bà Penny Mordaunt, cựu Bộ trưởng Quốc phòng, người đang cố gắng giành được sự ủng hộ của 100 nhà lập pháp trước hạn chót 24/10 để lọt vào danh sách ứng viên cuối cùng. Bà Mordaunt hiện đã nhận được sự ủng hộ của khoảng 25 chính trị gia, trong khi ông Sunak được hơn 150 người ủng hộ.

Nếu bà Mordaunt không đạt mốc 100 phiếu, ông Sunak sẽ gần như chắc chắn trở thành thủ tướng. Nếu bà Mordaunt đạt 100 phiếu và lọt vào danh sách ứng viên cuối cùng, các thành viên đảng Bảo thủ sẽ bỏ phiếu để bầu chọn giữa bà và ông Sunak vào thứ Sáu, 28/10.

Sự đoàn kết trong đảng Bảo thủ

Cuối tuần trước, cựu Thủ tướng Boris Johnson đã trở về nhà sau kỳ nghỉ ở Caribe để tìm kiếm cơ hội giành lại ghế Thủ tướng.

Phát biểu tối 23/10, ông Johnson cho biết dù đã nhận đủ số phiếu ủng hộ nhưng ông nhận ra rằng mình không thể lãnh đạo đất nước một cách hiệu quả “trừ khi bạn có một đảng thống nhất trong Quốc hội”. Trên thực tế, chỉ có hơn 50 nghị sĩ tuyên bố công khai rằng họ sẽ bỏ phiếu cho ông Johnson, theo Reuters.

Ông Johnson đã giữ vị trí quan trọng trong chính trường Anh suốt nhiều năm. Ông đã lãnh đạo đảng của mình giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2019 nhưng bị buộc phải rời khỏi Phố Downing chưa đầy ba năm sau đó sau một loạt vụ bê bối.

Nhiều người ủng hộ ông Johnson đã chỉ trích ông Sunak, khi việc ông từ chức Bộ trưởng Tài chính hồi tháng 7 đã phần nào khiến chính phủ của ông Johnson sụp đổ.

Ông Sunak bắt đầu thu hút sự chú ý ở tuổi 39 khi ông trở thành Bộ trưởng Tài chính dưới thời ông Johnson ngay khi đại dịch COVID-19 đến Anh. Ông đã phát triển kế hoạch hỗ trợ hàng triệu người trong những đợt phong tỏa.

Nếu được chọn, ông Sunak sẽ là thủ tướng gốc Ấn Độ đầu tiên của Anh.

Gia đình ông di cư đến Anh vào những năm 1960, thời kỳ mà nhiều người từ các thuộc địa cũ của Anh đến để giúp tái thiết đất nước sau Chiến tranh thế giới thứ hai.

Sau khi tốt nghiệp Đại học Oxford, ông Sunak tiếp tục theo học tại Đại học Stanford và gặp người mà sau này ông cưới làm vợ - bà Akshata Murthy, con gái của tỷ phú Ấn Độ N. R. Narayana Murthy. Ông Sunak cũng từng làm việc tại Goldman Sachs với tư cách là một nhà phân tích.

Theo Reuters
MỚI - NÓNG
Chưa có tiền lệ
Chưa có tiền lệ
TP - Chưa từng có nguyên thủ quốc gia nước ngoài nào tham dự lễ nhậm chức của tổng thống Mỹ, khiến lời mời của ông Donald Trump dành cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trở thành chưa từng có tiền lệ. Lời mời này nhấn mạnh khuynh hướng của ông Trump về những cử chỉ gây ấn tượng mạnh nhằm tái định hình mối quan hệ hoặc thu hút sự chú ý toàn cầu.