Hồi ức: Phi đội bay đánh đêm

Hồi ức: Phi đội bay đánh đêm
Đại tá phi công Nguyễn Công Huy nhớ lại những kỷ niệm không quên về chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, trong đó, bộ đội không quân đã góp công bắn rơi hai máy bay B-52.

Hồi ức: Phi đội bay đánh đêm

> Phát hiện đầu tên lửa nặng gần một tấn dưới ruộng lúa

Đại tá phi công Nguyễn Công Huy nhớ lại những kỷ niệm không quên về chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, trong đó, bộ đội không quân đã góp công bắn rơi hai máy bay B-52.

Nụ cười sau một chuyến xuất kích của Đại đội bay đánh đêm
Nụ cười sau một chuyến xuất kích của Đại đội bay đánh đêm. Ảnh: Tư liệu

Nhà thơ, Đại tá phi công Nguyễn Công Huy sinh năm 1947(quê huyện Thường Tín, Hà Nội), hiện ở Khu tập thể Quân đội, quận Thanh Xuân, Hà Nội.

Ông nguyên là Phó sư đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Sư đoàn Không quân 371, cựu phi công Đại đội bay đánh đêm (sau này là Phi đội 5) trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Ngày 26-6-1972, Nguyễn Công Huy đã lập công bắn rơi một chiếc F4 trên bầu trời tỉnh Hòa Bình, được tặng huy hiệu khen thưởng. 

Nhớ lại những kỷ niệm không quên về chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, trong đó, bộ đội không quân đã góp công bắn rơi 2 máy bay B-52.

Ông xúc động kể:

- Tháng 7-1968, cấp trên quyết định thành lập Đại đội bay đánh đêm. Đây là cái nôi nuôi dưỡng, trưởng thành của nhiều phi công xuất sắc như: Phạm Tuân, Vũ Đăng Kính, Vũ Xuân Thiều, Đinh Tôn, Hoàng Biểu, Đặng Xây...

Năm 1970, đội ngũ phi công của Đại đội bay đánh đêm đã nhận nhiệm vụ chính, cơ động vào Khu 4, ém quân ở sân bay dã chiến Thọ Xuân (Thanh Hóa) và Đồng Hới (Quảng Bình), tham gia chiến đấu bảo vệ tuyến đường vận tải chiến lược 559, tìm đánh B-52 trên vùng trời Bình Trị Thiên và Đường 9-Nam Lào.

Tháng 8-1970, Đại đội trưởng Đinh Tôn, Đại đội phó Hoàng Biểu, phi công Đặng Xây và Vũ Đình Rạng đã tham gia vào đoàn nghiên cứu cách đánh B-52 trên vùng trời thuộc địa bàn Khu 4.

Sau nhiều ngày nghiên cứu, bộ đội không quân ta tìm ra cách đánh máy bay B-52, rồi xây dựng phương án và tổ chức luyện tập.

Theo phương án được xây dựng, đội ngũ phi công Đại đội bay đánh đêm say mê tập luyện từng giai đoạn: Từ việc phát hiện B-52 thế nào, có cần mở ra-đa hay không, mở ở cự ly bao nhiêu, bay tránh lực lượng tiêm kích yểm hộ ra làm sao, tiếp cận thế nào và phóng tên lửa ở cự ly nào thì hiệu quả nhất, phóng mấy quả? Máy bay mình thoát ly ra khỏi trận địa về hạ cánh thế nào?... Các tình huống huấn luyện rất chi tiết, tỉ mỉ và chính xác.

Đêm 20-11-1971, máy bay do Vũ Đình Rạng điều khiển cất cánh từ sân bay Anh Sơn đã bắn bị thương một chiếc B-52 của giặc. Trận đánh này là chiến công đầu tiên của không quân ta đánh B-52. Trận đánh khẳng định: Không quân ta có thể tiêu diệt được pháo đài bay B-52 của giặc Mỹ.

Sau đó, nhiều phi công thuộc Đại đội bay đánh đêm đã liên tục mai phục, xuất kích chiến đấu nhưng chưa lần nào gặp được B-52.

Những phi công cơ động làm nhiệm vụ săn B-52 nhiều nhất gồm: Nguyễn Đăng Kính, Vũ Đình Rạng, Đặng Xây, Trần Thông Hào, Trần Cung và Vũ Xuân Thiều. Sau này có Phạm Tuân, Nguyễn Ngọc Thiên, Bùi Doãn Đô, Nguyễn Khánh Duy, Nguyễn Đức Chiến, Đặng Vân Đình… Các phi công bay đánh đêm của ta khi đó không nhiều, chỉ khoảng 10 đồng chí.

Từ những ngày đầu năm 1972, Đại đội bay đánh đêm cùng với Trung đoàn cơ động vào sân bay Thọ Xuân đóng quân, làm nhiệm vụ tác chiến ở vùng trời Khu 4, đồng thời sẵn sàng chi viện cho Trung đoàn Không quân 927 ở sân bay Đa Phúc.

Phi công Vũ Xuân Thiều và Nguyễn Ngọc Thiện được chuyển biên chế về Trung đoàn 927. Các phi công bay đánh đêm đã trực chiến và nhiều lần xuất kích, nhưng chưa ai bắn rơi được chiếc máy bay nào của địch.

Vì thế, nhiều người có tư tưởng muốn được chuyển sang bay ngày, để được đánh ban ngày, để lập chiến công. Nhưng lực lượng bay đêm vẫn phải giữ nhiệm vụ quan trọng là đánh máy bay B-52.

Tháng 12-1972, trực chiến báo động chuyển cấp xuất kích chiến đấu. Tranh thủ những lúc rảnh rỗi xen kẽ giữa các lần báo động, phi công ta vẫn ngồi ghi nhật ký, viết thư gửi về gia đình và người thân. Rất nhiều dòng nhật ký đã phải bỏ dở; nhiều bức thư phải ngắt quãng dừng lại giữa chừng vì có lệnh báo động, vì người viết phải bay xuất kích.

Vũ Xuân Thiều cũng có lần viết dở lá thư như vậy. Lá thư anh viết ngày 21-12-1972: “Bố mẹ thân yêu! Trải qua hai đêm nặng nề, cái nặng nề của mọi người vì phải đứng nhìn lửa đạn, hết đợt này đến đợt khác máy bay địch rải xuống Hà Nội. Con nghĩ bây giờ không phải là lúc lo lắng cho ngôi nhà mình…”.

Đang viết dở lá thư thì Vũ Xuân Thiều nhận lệnh báo động vào cấp, cất cánh và bức thư ấy mãi mãi chỉ viết đến đấy rồi dừng lại...

Đêm 27-12-1972, từ sân bay Yên Bái, Phạm Tuân nhận lệnh cất cánh, bay về hướng Tây Nam. Khi đến độ cao 7000m, anh bay với tốc độ vượt tiếng động và phát hiện B-52 của địch. Đến cự ly phóng tên lửa, Phạm Tuân phóng liền hai quả vào mục tiêu, rồi kéo máy bay mình vọt lên thoát ly và trở về căn cứ hạ cánh.

Những ngày đó, phi công Hoàng Biểu và Thông Hào nhận nhiệm vụ cơ động vào trực chiến ở sân bay Cẩm Thủy. Trong cùng đội bay đêm, Xuân Thiều và Thông Hào thường để chung quần áo và đồ đạc vào chiếc thùng gỗ đựng đầu tên lửa, vì không có đủ thùng cho mỗi người một chiếc.

Thỉnh thoảng Xuân Thiều lại soạn thư từ và ảnh của người yêu, đưa cho Thông Hào xem rồi lại cất vào hộp riêng, với nỗi nhớ thương ào đến xao xuyến và bâng khuâng.

Đêm 28-12-1972, Vũ Xuân Thiều trực chiến và xuất kích chiến đấu từ sân bay Cẩm Thủy. Máy bay anh được dẫn đường đến hướng Mộc Châu, Sơn La. Xuân Thiều báo về đã phát hiện được mục tiêu.

Nghe anh báo về, mọi người ở nhà hồi hộp chờ đợi, nhưng rồi sau đó là cả một sự im lặng vĩnh viễn.

Vũ Xuân Thiều đã bắn rơi B-52 ở cự ly rất gần, do tốc độ bay quá lớn nên không kịp thoát ly, máy bay anh lao thẳng vào đội hình B-52 và anh đã dũng cảm hy sinh. Công Huy nghẹn ngào kể lại hôm ông nhận tin đồng đội mình hy sinh:

- Sáng hôm sau, tôi bay từ sân bay cơ động chuyển về hạ cánh ở sân bay Đa Phúc, thì nhận được tin Vũ Xuân Thiều hy sinh. Đứng ở ngoài sân bay, tay giữ phong thư của Thiều mà nước mắt của mình cứ trào ra đầm đìa. Vậy là bức thư sẽ không bao giờ đến tay người nhận nữa.

Mới đây thôi, hai anh em còn ở cùng trung đội bay đêm, rồi tôi chuyển sang đại đội đánh ngày, Thiều ở lại đại đội đánh đêm. Mới hôm rồi Thiều còn gửi trả lại chiếc áo len cho tôi. Thiều cũng mới viết thư cho tôi. Vậy mà...

Các phi công Đại đội bay đánh đêm đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đánh máy bay B-52, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ bầu trời Tổ quốc, trở thành một bộ phận huyền thoại trong Chiến dịch “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không”.

Theo Hoàng Nam
Quân Đội Nhân Dân

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
Vang mãi khúc quân hành
Vang mãi khúc quân hành
TPO - Ngày 14/12, Học viện Kỹ thuật Quân sự tổ chức Ngày hội văn hóa và chương trình nghệ thuật “Vang mãi khúc quân hành” thiết thực hướng tới chào mừng kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân.