Hồi ức của phi công Liên Xô lái chuyên cơ chở Bác Hồ

Phi hành đoàn của Khusainov ở trong sân Đại sứ quán Liên Xô tại Hà Nội (Khusainov - người thứ 4 từ phải qua). Theo ghi chú của tác giả bài viết thì ảnh này do đồng chí Đong chụp.
Phi hành đoàn của Khusainov ở trong sân Đại sứ quán Liên Xô tại Hà Nội (Khusainov - người thứ 4 từ phải qua). Theo ghi chú của tác giả bài viết thì ảnh này do đồng chí Đong chụp.
Tuy thời gian trôi đi đã gần nửa thế kỷ, song những hình ảnh về Bác Hồ, về con người và đất nước Việt Nam vẫn in đậm trong tâm trí cựu binh Vladimir Khusainnov.

Tổng Giám đốc Chi nhánh Vận tải hàng không nước Cộng hòa Tatar Vladimir Khusainnov, nguyên là phi công ưu tú lái máy bay vận tải Liên Xô, là thiếu tá dự bị. Tháng 6/1968, ông được cử sang Việt Nam làm phi công riêng cho Bác Hồ.

Tuy thời gian trôi đi đã gần nửa thế kỷ, song những hình ảnh về Bác Hồ, về con người và đất nước Việt Nam vẫn in đậm trong tâm trí ông. Vừa qua, trên báo điện tử của Hội Cựu chiến binh (CCB) Xôviết tại Việt Nam đã đăng bài "Những hồi ức của phi công Bác Hồ".

Nhân dịp kỷ niệm 124 năm Ngày sinh của Bác, xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc một số nội dung chính trong bài viết của ông Vladimir Khusainov.

Về món quà Liên Xô tặng Bác Hồ

Tháng 6/1968, đoàn chuyên gia Liên Xô gồm 18 người được cử sang Việt Nam với nhiệm vụ là huấn luyện các phi công Việt Nam biết lái các loại máy bay vận tải.

Tôi được giao làm Trưởng đoàn và thực thi một nhiệm vụ trọng đại - đưa sang Hà Nội chiếc máy bay đặc biệt IL-18 là quà của Tổng bí thư Breznhev và Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nếu theo đúng nghi thức lễ tân thì quà tặng này sẽ được trao vào dịp kỷ niệm lần thứ 80, Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 19/5/1970.

Song, các bạn Việt Nam đang cần gấp một chiếc máy bay có hình thức đàng hoàng, có khả năng thực hiện các chuyến bay đường dài để đưa các đoàn ngoại giao, các nhà hoạt động chính trị đến Helsinki nơi có Ủy ban Quốc tế điều phối cuộc chiến tranh ở Việt Nam hoặc đưa các đồng chí Lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam sang Trung Quốc.

Vì vậy, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô quyết định trao tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh món quà này trước ngày sinh nhật lần thứ 80 của Người.

Máy bay được chế tạo một cách đặc biệt: nội thất được làm lại hết sức sang trọng, ở sống đuôi máy bay có biểu tượng Quốc kỳ Việt Nam và ở phần boong mũi máy bay có tập hợp chữ và số BH -195. Tập hợp chữ và số này cũng được ghi ở phía dưới của cánh máy bay.

Theo giải thích của các bạn Việt Nam, tập hợp chữ và số có ý nghĩa như sau: BH là chữ viết tắt 2 chữ Bác Hồ. Đó là tên gọi rất thân yêu và kính trọng mà nhân dân Việt Nam vẫn gọi vị Lãnh tụ của mình; còn 3 chữ số là ngày tháng sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Mặc dù tôi được coi là phi công riêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, song tôi chỉ được bay với Người có 2 lần. Chủ tịch Hồ Chí Minh khi đó đã cao tuổi, bị bệnh và hay bị chóng mặt khi ngồi trên máy bay. Hơn nữa, Việt Nam - một đất nước nhỏ bé, và máy bay chiến đấu của Mỹ xuất hiện bất cứ lúc nào trên bầu trời miền Bắc, được coi là hậu phương của miền Nam Việt Nam.

Mặc dù máy bay IL-18 của Chính phủ chỉ bay vào ban ngày và bao giờ cũng được đội máy bay MiG-21 bảo vệ, nhưng các bạn Việt Nam đã cố gắng không để xảy ra nguy hiểm cho Lãnh tụ của mình. Phương tiện đi lại của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở trong nước, chủ yếu là các phương tiện đi bằng đường bộ. Và ở thời điểm này, người sử dụng máy bay IL-18 chủ yếu là ông Phạm Văn Đồng và ông Lê Duẩn. Đó là những phụ tá thân cận nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Hồi ức về Bác và các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước

Chủ tịch Hồ Chí Minh và những người cộng sự của ông là những người hòa đồng, niềm nở, không quan cách. Khi tiếp xúc với chúng tôi, các đồng chí ấy đều niềm nở, hỏi thăm sức khỏe, tìm hiểu tâm tư của các thành viên trong phi hành đoàn. Rất tiếc là ngôn ngữ đã trở thành rào cản gây khó khăn trong giao tiếp, nếu không có phiên dịch thì mọi việc đều không thể trôi chảy được.

Tuy ngôn ngữ là rào cản như thế, nhưng có một lần trong buổi chiêu đãi trọng thể ở Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến nâng cốc chúc phi hành đoàn chúng tôi. Bác nói tiếng Nga, đề nghị tất cả mọi người đang có mặt "hãy nâng cốc chúc sức khỏe các đồng chí phi công kính mến của chúng ta!". Thực sự là Chủ tịch Hồ Chí Minh không uống được rượu vì sức khỏe của Người không cho phép. Tháng 9/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, chúng tôi không được chúc mừng sinh nhật lần thứ 80 của Người!

Về những nhiệm vụ ở Việt Nam mà đoàn của ông Khusainov được giao, mãi gần đây các thành viên trong đoàn mới được phép tiết lộ bí mật. Ông Khusainov nhớ lại:

Chúng tôi được giao nhiệm vụ thực hiện những chuyến bay vào miền Nam Việt Nam. Nhiệm vụ này rất đặc biệt và chỉ có thể thực hiện vào ban đêm trên các máy bay AN-24, IL-14 Li-2 hoặc các phương tiện vận chuyển nhỏ hơn. Để hoàn thành những nhiệm vụ đó, đòi hỏi người phi công phải có trình độ chuyên môn cao. Các đồng chí phi công Việt Nam ở thời điểm này chưa có được trình độ chuyên môn như thế, nên những nhiệm vụ mang tính chiến dịch đều được giao cho các chuyên gia Liên Xô thực hiện.

Những nhiệm vụ đó là: Thả quân nhảy dù, tiếp viện hàng hóa cho các chiến sĩ Quân Giải phóng. Trong quá trình thực thi nhiệm vụ, máy bay chúng tôi thường bị pháo cao xạ của địch bắn vào cánh. Nhưng cũng có khi do trời tối, không nhìn rõ, pháo cao xạ từ các trận địa trên miền Bắc cũng đã có những lúc bắn nhầm vào máy bay của mình. Tôi lái máy bay IL-14 và 2 lần bị pháo cao xạ từ trận địa miền Bắc bắn nhầm và có lần bị cháy. Nhờ trời, phi hành đoàn không ai bị thiệt mạng.

Về công tác an ninh ở Việt Nam

Phải khẳng định rằng, công tác đảm bảo an ninh ở miền Bắc Việt Nam lúc bấy giờ được triển khai thường xuyên ở khắp mọi nơi. Tôi cảm thấy rất thoải mái và an tâm vì đã có bản quy chế làm việc của phi công lái máy bay cho Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Nhờ đó, không có một trở ngại nào khi chúng tôi đi công tác đến các miền của đất nước và tiếp xúc với nhân dân. Ở Biên đội bay chúng tôi có một đồng chí phụ trách công tác an ninh, đó là đồng chí Đại úy ĐONG (Đông hay Đồng, vì trong tiếng Nga không có dấu - NCK). Đồng chí ĐONG luôn theo sát chúng tôi. Nhân đây tôi cũng muốn nói với các bạn một chuyện rất thú vị đã xảy ra giữa tôi với KGB.

Năm 1973, tại sân bay Moskva tôi bỗng nhận ra chiếc máy bay quà tặng IL-18. Hóa ra, máy bay IL-18 bay qua Moskva sang Helsinki đưa đoàn đại diện Việt Nam "tố cáo" người Mỹ đã sử dụng các loại vũ khí bị cấm để chống lại du kích và nhân dân yêu chuộng hòa bình. Tất nhiên là tôi đã đi đến tận máy bay và gặp được các học trò Việt Nam của tôi. Một cuộc hội ngộ bất ngờ tràn đầy niềm vui, chuyện trò không dứt được.

Về tình cảm của nhân dân Việt Nam với nhân dân Liên Xô

Tôi có dịp được đi nhiều nơi trên miền Bắc Việt Nam, nhìn thấy cuộc sống của các tầng lớp nhân dân. Qua tiếp xúc, chúng tôi thấy nhân dân Việt Nam rất tin tưởng vào Liên Xô, coi Liên Xô là một người bạn chân thành và một người hậu vệ mạnh mẽ. Trong cuộc chiến tranh chống Mỹ, các lực lượng vũ trang ở cả miền Bắc và miền Nam đều dùng vũ khí của Liên Xô.

Nhân dân Việt Nam rất tự hào về lực lượng phòng không của quân đội mình đang có sự giúp đỡ vô cùng to lớn và có hiệu quả của lực lượng phòng không Liên Xô. Ở những miền quê, nơi mà chúng tôi đã đi qua, các cháu thiếu nhi chạy theo xe chúng tôi và reo hò: "Phi công Liên Xô, phi công của Bác Hồ". Một điều thấy rõ là các cháu rất vui khi chúng tôi đến quê hương họ. Các cháu rất hồn nhiên và chân phương, không thể có một phương tiện tuyên truyền nào lừa dối được các cháu.

Với sự cố gắng của bản thân tôi khi thực thi nhiệm vụ, khi về nước tôi được Chính phủ Liên Xô tặng thưởng Huân chương "Hữu nghị các dân tộc". Ở Việt Nam, tôi được Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp gắn Huân chương "Chiến công", Thủ tướng Phạm Văn Đồng trao Huy chương "Đoàn kết chiến đấu trong cuộc đấu tranh chống đế quốc Mỹ". Và còn một vật kỷ niệm nữa, đó là chiếc lược làm bằng mảnh máy bay "thần sấm", chiếc máy bay thứ 3.300 của Mỹ đã bị lực lượng phòng không trên miền Bắc bắn rơi

Theo Theo An ninh thế giới
MỚI - NÓNG