Đây là hội thảo chính thức đầu tiên của Tiểu ban quản lý loài thuộc Hiệp hội vườn thú Đông Nam Á, thu hút chuyên gia của các trường đại học, các tổ chức và những vườn thú uy tín từ Nhật Bản, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Myanmar, Philippines, Singapore, Đài Loan và Việt Nam. Tại hội thảo, các chuyên gia đã báo cáo cụ thể về số lượng, tình hình sinh trưởng, mức độ nguy cấp của từng loài tại các quốc gia, cùng những đề xuất thiết thực cho kế hoạch phát triển số lượng cá thể trong tương lai.
Trong đó, đười ươi Borneo và Heo vòi châu Á được xếp vào phụ lục I (danh sách các loại động, thực vật hoang dã nguy cấp) của Công ước CITES. Đây là hai loài động vật quý hiếm đang trên đà sụt giảm số lượng nghiêm trọng và cần có những chương trình bảo tồn cấp bách ở quy mô toàn cầu. Cụ thể, số lượng của loài Đười ươi Borneo nói chung giảm đi 50% trong hơn 60 năm trở lại đây, đồng thời môi trường sống của chúng bị thu hẹp đến 55% trong vòng 20 năm qua. Hiện Việt Nam cũng đang bảo tồn 6 cá thể này.
Tương tự, số lượng cá thể của Heo vòi châu Á cũng đang giảm mạnh dẫn đến nguy cơ tuyệt chủng. Đây là một trong 5 loài heo vòi lớn nhất thế giới và cũng là loài heo vòi duy nhất xuất xứ từ châu Á.
Tiến sĩ Kanako Tomisawa, Phó chủ tịch của Tiểu ban quản lý loài chia sẻ, “Tiểu ban quản lý loài sẽ tiến hành thêm những khóa huấn luyện về công tác quản lý số lượng loài cho các thành viên trong Hiệp hội vườn thú Đông Nam Á.”
Được đánh giá cao về quy mô, cơ sở vật chất và tính chuyên nghiệp, Công viên Chăm sóc và Bảo tồn động vật hoang dã Vinpearl Safari Phú Quốc đã được chọn làm địa điểm đăng cai Hội thảo. Các thành viên Hiệp hội vườn thú Đông Nam Á đã khảo sát thực tế Vinpearl Safari và làm việc với đội ngũ chuyên viên của đơn vị. Hiện Vinpearl Safari đang có kế hoạch từng bước tiếp nhận và bảo tồn Đười ươi Borneo và Heo vòi châu Á.
Cũng trong tháng 4 vừa qua, Vinpearl Safari đã đăng cai tổ chức Cuộc họp lần thứ I của Hiệp hội vườn thú Việt Nam (Vietnam Zoos Association - VZA) và Khóa tập huấn với các chuyên gia của SEAZA với chủ đề “Nâng cao phúc lợi động vật” cho tất cả các cán bộ nhân viên chăm sóc động vật đang làm việc tại Vinpearl Safari. Đây là những hoạt động thiết thực trong chuỗi đào tạo nhân sự, nâng cấp chất lượng công việc, củng cố năng lực của các thành viên SEAZA và VZA trong công tác bảo tồn động vật hoang dã.
Mới đi vào hoạt động từ tháng 12/2015, Vinpearl Safari đã không ngừng nỗ lực để nâng cao chất lượng chăm sóc và bảo tồn động vật, đồng thời đóng góp vào những mục tiêu chung của Hiệp hội vườn thú Đông Nam Á với vai trò là một thành viên chính thức và tích cực.