Du khách tới Văn Miếu-Quốc Tử Giám bây giờ không còn gặp cảnh bốn bề dựng tường bao kín mít quanh giếng Thiên Quang. Sau cả quy trình báo cáo, xin thủ tục, đơn vị thi công bắt tay thực hiện công tác tu bổ từ 12/10 để khắc phục tình trạng sụt lún nghiêm trọng trước đó.
“Quá trình thi công tuân thủ đúng thiết kế được phê duyệt, đúng tiến độ và đảm bảo các yếu tố về an toàn lao động, vệ sinh công trường, quan trọng nhất hạn chế tác động tới khách tham quan”, ông Kiêu nói. Do thời tiết khắc nghiệt nên hiện tượng sụt lún xảy ra trầm trọng hơn, gây không ít khó khăn cho công tác sửa chữa tu bổ, đẩy thời gian kéo dài gần ba tháng.
Trước đó ngày 27/3, cả mảng móng tường lan can giếng Thiên Quang bị trôi ra hồ, sau đó xung quanh giếng có hiện tượng sụt lún khác. Trung tâm và Sở VHTT Hà Nội nhanh chóng báo cáo Bộ VHTT&DL, UBND thành phố Hà Nội đề xuất phương pháp xử lý.
Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa (Bộ VHTT&DL) xuống kiểm tra quá trình thi công cũng đề nghị Sở VHTT Hà Nội xem xét, chỉ đạo đơn vị liên quan điều chỉnh phương án gia cố móng, đặc biệt giải pháp chống lún nền nhằm đảm bảo sự bền vững của hạng mục.
Các nhà khoa học thống nhất nguyên tắc bảo tồn nguyên trạng giếng, nhất là phần lan can phía trên, muốn vậy phải gia cố móng vững chắc. Giếng Thiên Quang là một trong những hạng mục quan trọng của di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu-Quốc Tử Giám.
Trong khi chờ Chính phủ phê duyệt đề án quy hoạch tổng thể Văn Miếu-Quốc Tử Giám, ông Lê Xuân Kiêu cũng cho hay một số hạng mục khác của di tích đang trong tình trạng xuống cấp cần tu bổ: Khuê Văn Các, điện Đại Thành, nhà Tả vu, Hữu vu, hệ thống tường gạch vồ bao quanh di tích, hệ thống bia tiến sỹ. “Chúng tôi đề nghị ưu tiên sớm tu bổ hạng mục điện Đại Thành và Khuê Văn Các”, ông Kiêu cho biết.