Hà Nội báo cáo về sai phạm tu bổ di tích quốc gia Khúc Thuỷ

Nhiều sai phạm tại di tích quốc gia chùa Khúc Thuỷ Ảnh: Kỳ Sơn
Nhiều sai phạm tại di tích quốc gia chùa Khúc Thuỷ Ảnh: Kỳ Sơn
TPO - Chiều 3/11, Giám đốc Sở VHTT Hà Nội Tô Văn Động ký công văn số 4141/SVH&TT-QLDT gửi Bộ VHTTDL, UBND thành phố Hà Nội làm rõ những sai phạm trong quá trình tu bổ di tích quốc gia chùa Khúc Thuỷ (Thanh Oai). 

Làm rõ sai phạm

Trong công văn báo cáo, lãnh đạo Sở VHTT nhắc lại hồ sơ xếp hạng di tích cấp quốc gia của chùa Khúc Thủy năm 1991 gồm Tam quan, tiền đường, tam bảo, nhà điện, tháp bia. Phần hiện vật gồm 28 pho tượng trong đó có 16 pho tượng Mẫu, nhiều pho tượng mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XVIII, và chùa còn lưu giữ 6 tấm bia đá. Tuy nhiên, đến nay những công trình Tam quan, tiền đường, tam bảo, nhà điện tháp bia nằm trong khu vực khoanh vùng bảo vệ chùa chỉ còn nền đất.

Tháng 10/2016 đại diện Sở kiểm tra và ghi nhận tại khuôn viên chùa đang xây dựng 3 tòa nhà đã xong tầng 1, đang xây tầng 2. Đến 25/10/2016, trong báo cáo Sở xác định nhà chùa tự ý xây mới hạng mục nhà tăng trong khuôn viên di tích. Phòng VH&TT huyện Thanh Oai đã yêu cầu UBND xã Cự Khê kiểm tra và yêu cầu nhà chùa dừng xây dựng.

Tuy nhiên, bất chấp những yêu cầu của cơ quan chắc năng, 3 tòa nhà đến nay đã xong phần thô, nhà tăng hoàn thiện và đưa vào sử dụng. Tại khối nhà giữa còn thêm các hiện vật như 1 pho tượng Phật bằng đá lớn trên trần, 1 pho tượng phật nằm và khối đá trang trí ở phía trước cũng kịp thời được bổ sung trong giai đoạn 2016 – 2017. Ngoài ra, nhà chùa cũng kịp đưa mới 100 pho tượng ngồi trên bệ sen, các pho tượng kích cỡ lớn được sơn thiếp màu sắc giả cổ, phía nhà Tổ treo các mảng rèm trang trí sặc sỡ.

Hà Nội báo cáo về sai phạm tu bổ di tích quốc gia Khúc Thuỷ ảnh 1 Công trình xây dựng xong phần thô. Ảnh: Kỳ Sơn
Sở VHTT có văn bản số 3015 hôm 15/8 yêu cầu UBND huyện Thanh Oai thực hiện một số nội dung trước 15/9. Ngày 21/9, UBND huyện Thanh Oai có báo cáo số 520 về việc khắc phục hậu quả tự ý tu bổ tôn tạo di tích lịch sử chùa Khúc Thuỷ, trong đó xác định: Tại thửa đất có diện tích 3780m2 là toàn bộ khu chùa cũ nằm trong hồ sơ di tích: Tam bảo, Tam quan, khu nhà Tổ và Tả vu, hữu vu chỉ còn lại nền móng.

Phần diện tích đất xây dựng các công trình gồm hai dãy nhà Tăng, nhà Ni, tượng đài Phật, bếp ăn của các sư và phật tử đều nằm ngoài khu vực hồ sơ di tích được công nhận. Phần đất này đều do gia đình chị em bà Đặng Thị Minh, Đặng Minh Hồng ở thôn Khúc Thuỷ cung tiến.

Huyện cũng nhắc lại thực trạng năm 2009 nhân dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội nhân dân và phật tử đã cung tiến 100 tượng Phật ngồi trên bệ sen đặt sân chùa và 1 tượng Phật đặt phía trước Tam Bảo. Phía bên phải chùa có nhiều tháp đá do nhân dân và phật tử công đức xây dựng để thờ cúng các vị sư tổ trụ trì chùa gồm 51 tháp.

Cắm mốc giới bảo vệ di tích

Lãnh đạo Sở VHTT Hà Nội cho biết, sau khi nhận phản ánh của báo chí về việc xây dựng tại chùa Khúc Thuỷ, ngày 31/10, đại diện Sở VHTT tiếp tục phối hợp UBND huyện Thanh Oai và các phòng ban chức năng thuộc huyện kiểm tra đối chiếu hồ sơ xếp hạng di tích.

Theo đó, trong khu vực khoanh vùng bảo vệ di tích chùa Khúc Thuỷ bao gồm các hạng mục công trình: Tam quan, Chùa chính gồm Tiền đường và Thượng điện, nhà Tổ, bia, tháp mộ. Tại nhà Tiền đường có trang trí các bức tranh màu lớn. Các nội dung xây dựng khác chưa thay đổi so với hiện trạng tại lần kiểm tra ngày 28/7/2017, chỉ khác là hai khối nhà đã xây 3 tầng, hiện đã xong phần thô và đã di chuyển một số tượng đặt sân chùa về phía trước khối nhà.

Hà Nội báo cáo về sai phạm tu bổ di tích quốc gia Khúc Thuỷ ảnh 2 Những bức tượng được đặt mới trong khuôn viên chùa. Ảnh: Kỳ Sơn
Ngày 2/11 ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở VHTT Hà Nội, đại diện Cục Di sản văn hoá, Ban Quản lý di tích danh thắng và đại diện xã Cự Khê kiểm tra tại hiện trường chùa Khúc Thuỷ. Trên cơ sở đó, Sở VHTT Hà Nội đề nghị UBND huyện Thanh Oai sớm: Tổ chức cắm mốc giới khu vực bảo vệ di tích, tổ chức quản lý mặt bằng và không gian di tích chùa Khúc Thuỷ theo quy định tại Điều 6 Quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hoá và danh lam thắng cảnh trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Đồng thời, địa phương tăng cường tuyên truyền giải thích vận động nhà chùa, nhân dân và những người công đức bỏ thảm trải nền nhà Tiền đường, các tranh trang trí không phù hợp, các mảng rèm trang trí tại nhà Tổ đôi sư tử đá trước nhà Tam bảo, xong trong tháng 11/2017.

Huyện cũng phải có kế hoạch thực hiện di dời những pho tượng Phật vật kiến trúc không có tại thời điểm xếp hạng di tích ra ngoài khuôn viên di tích, xử lý các vi phạm trật tự xây dựng, không để xảy ra vi phạm mới tại di tích. Có báo cáo làm rõ nguồn gốc phần diện tích đất “cúng tiến” cho nhà chùa sử dụng. Tổ chức kiểm kê, lập hồ sơ khoa học hiện vật có trong di tích theo nội dung đã nêu tại công văn số 3015 ngày 15/8/2017 của Sở VHTT, sắp xếp bài trí tượng trên Tam bảo.


MỚI - NÓNG
Tin mới vụ cô gái trẻ lái ô tô lao xuống sông Đồng Nai
Tin mới vụ cô gái trẻ lái ô tô lao xuống sông Đồng Nai
TPO - Cơ quan chức năng cho biết trên xe ô tô lao xuống sông Đồng Nai chỉ có một nạn nhân nữ. Vị trí tìm thấy ô tô và nạn nhân thuộc địa bàn tỉnh Bình Dương, do đó địa phương này tiến hành thụ lý việc khám nghiệm. Sau khi hoàn tất sẽ làm thủ tục bàn giao thi thể nạn nhân cho gia đình lo hậu sự.