Sáng 19/5, T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp với Ban Tuyên giáo T.Ư, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo khoa học Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau theo Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Chia sẻ tại hội thảo, GS.TS Mạch Quang Thắng nhấn mạnh, quan điểm của Bác về thanh niên, vai trò vị trí của thanh niên, sức mạnh của thanh niên, nếu so với các bậc tiền bối, thời kỳ trước đó thì không có gì khác. Tuy nhiên, Bác đã nâng lên một cấp độ rất mới, đánh giá thanh niên là “rường cột của quốc gia”.
“Xưa nay, rường cột quốc gia thường là các bô lão, bậc nguyên lão chứ sao lại là thanh niên. Vậy mà Bác coi thanh niên là rường cột của quốc gia, nâng lên tầm rất cao như vậy”, ông Thắng nói.
Theo ông Thắng, trong Di chúc, Bác nhấn mạnh, trách nhiệm của Đảng, mà ở đây là Đảng cầm quyền, phải đào tạo, bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau. Đảng phải làm thế này, thế kia.
“Chúng tôi nghiên cứu bút tích của Bác cẩn thận từng câu từng chữ. Bác viết “thanh niên chúng ta nói chung là tốt”. Nói chung là vậy, còn nói riêng là có cái chưa tốt. Biện chứng vấn đề là ở chỗ đó. Vậy kiểm điểm công tác của Đảng và công tác Đoàn phải nhìn ở cả hai điểm, mặt ưu và nhược điểm. Thường chúng ta thích nghe thành tích, thích nghe êm tai mà không thích nghe những lời nghịch nhĩ, phê phán khuyết điểm. Theo Di chúc của Bác là không nên như vậy”, ông Thắng nói thêm.
Ông Thắng cho rằng, nhìn lại 50 năm thực hiện Di chúc của Bác, bây giờ phải đánh giá thanh niên như thế nào trong giai đoạn hiện nay. Đánh giá đúng để có giải pháp đúng. Như bây giờ, đánh giá về thanh niên có người nói tốt, có người nói có tốt, có xấu. Nhưng cũng có thể thấy trên mạng hiện nay, bao nhiêu chuyện tiêu cực đưa lên, thấy bức tranh đen kịt, xấu lắm. Án mạng thế này, tội phạm thế kia. Rồi con trai, con gái xinh xắn, đẹp trai, vậy mà đi ngoài đường thấy nói tục, chửi bậy...
“Người ta có nhiều cách nhìn nhận ở các khía cạnh như thế nên theo tôi phải có cách nhìn đúng. T.Ư Đoàn cũng phải tiếp tục nghiên cứu để phong trào thanh niên tốt hơn”, ông Thắng nói.
Theo ông Thắng, việc thực hiện Di chúc của Bác trong công tác thanh niên, rèn luyện đạo đức, lý tưởng, phong cách, lối sống cho thanh niên thì trước hết phải từ bản thân Đảng. “Nói về thanh niên thì trước hết là từ Đảng. Cái này theo đúng biện chứng vì Đảng cầm quyền, Đảng lãnh đạo. Hãy bắt đầu từ bản thân Đảng. Trong thời đại hiện nay, cách mạng công nghiệp 4.0 thì phương thức lãnh đạo của Đảng phải phù hợp với thanh niên, chứ không phải đơn nhất một hình thức được nữa”, ông Thắng nói.
Ông Thắng cũng nhấn mạnh đến việc nêu gương. “Hãy làm gương, hỡi các người lớn, hãy làm gương cho lớp trẻ. Gương ở đây là gương tốt, không mờ. Cái này chúng ta đang thiếu lắm. Mà gương ở đây là gương một chiều từ trên xuống dưới, người già làm gương cho người trẻ. Người trong Đảng làm gương cho người ngoài Đảng. Cấp trên làm gương cho cấp dưới. T.Ư làm gương cho địa phương. Vấn đề là cấp cao hơn và người lớn phải làm gương”, ông Thắng chia sẻ.
Ông Thắng cho rằng, ngay trong nội bộ Đoàn cũng phải như vậy, cán bộ Đoàn phải làm gương cho thanh niên. “Điều này Bác Hồ là một điển hình. Bác không phải gượng gạo hay ta đây làm cho có, mà xuất phát từ việc làm bình thường, như cơm ăn, nước uống hàng ngày. Có người nói cụ Hồ về lội ruộng, tát nước là đóng kịch, nhưng không phải. Đó là nếp sống hàng ngày của Bác”, ông Thắng phân tích.
Ông Thắng cũng nhấn mạnh đến công tác giáo dục, đào tạo, theo lời căn dặn của Bác, là học để làm việc, học để làm người, làm cán bộ, học để phụng sự đoàn thể, phụng sự giai cấp và nhân dân, phụng sự Tổ quốc và nhân loại...