Nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên cho biết:
Trước khi Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đến Hà Nội dự Hội nghị thượng đỉnh, nhìn chung dư luận thế giới, ngay cả Triều Tiên và Mỹ đều thể hiện thái độ lạc quan và tin rằng tại hội nghị lần thứ 2 này sẽ có những bước tiến cụ thể, nếu như không muốn nói là thành công. Cuộc gặp lần này xử lý một vấn đề tồn tại lâu nhất, gay gắt nhất của thế giới kể từ khi kết thúc cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai năm 1945 đến nay đó là vấn đề giải trừ vũ khí hạt nhân.
Tuy nhiên chúng ta đi sâu vào phân tích cũng thấy đây là cuộc đàm phán cực kỳ khó và hai bên cần phải làm việc nhiều hơn nữa tại nhiều cấp độ. Thái độ và động thái của hai bên cho thấy Mỹ-Triều sẽ sớm thúc đẩy việc đàm phán trở lại vấn đề này vì họ vẫn luôn “giữ cầu” với nhau.
Độc đáo Việt Nam
Theo ông, một câu hỏi mà nhiều người quan tâm đó là vì sao Việt Nam được chọn là nơi tổ chức Hội nghị thượng đỉnh lần này?
Chúng ta có thể thấy trên thế giới hiện nay có lẽ hai quốc gia “găng” nhau nhất chính là Mỹ và Triều Tiên xoay quanh vấn đề phát triển vũ khí hạt nhân. Vấn đề giải trừ vũ khí hạt nhân cũng là vấn đề dai dẳng nhất mà quốc tế đang phải đối mặt.
Việt Nam được lựa chọn nơi tổ chức Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 2, tức là khi cuộc đàm phán hai bên đã bước qua màn “dạo đầu” tại Singapore và bước vào những vấn đề cụ thể và phức tạp hơn. Theo tôi ý nghĩa việc Việt Nam được lựa chọn để tổ chức thượng đỉnh khác nhiều với Singapore.
Hiện nay rất nhiều quốc gia ngay trong khu vực có đủ tiềm lực, điều kiện vật chất để tổ chức các hội nghị tầm quốc tế như Indonesia, Malaysia, Thái Lan…Tại sao chọn Việt Nam? Phải nói đây là sự độc đáo. Tôi chưa muốn nói đến vị thế ngoại giao của Việt Nam với bạn bè quốc tế mà tôi muốn nhấn mạnh vị thế lịch sử của Việt Nam. Quan hệ Việt Nam với Mỹ trước đây là quan hệ thù địch. Tuy nhiên qua mấy chục năm từ thù địch đã chuyển sang thành đối tác toàn diện và được xây dựng trên những cơ sở vững chắc. Đó là tôn trọng độc lập, chủ quyền của nhau. Chúng ta cũng thấy rõ quan hệ Việt - Mỹ hiện nay đang rất có triển vọng, thể hiện rõ qua hợp tác thương mại, kinh tế giữa Việt Nam với Mỹ liên tục tăng trưởng, nhiều vấn đề trong quan hệ hai bên đã thực sự được giải quyết.
Mặc dù vết thương chiến tranh với Mỹ trong người dân Việt Nam vẫn còn nhiều nhưng dần dần những cựu binh Mỹ cũng quay lại Việt Nam và đều nhận ra rằng chính họ khi còn là một người lính cũng không hiểu vì sao lại tham chiến tại Việt Nam. Phần nhiều trong số họ đều tham chiến theo mệnh lệnh. Nhiều câu chuyện rất đáng nhớ giữa người lính từng ở hai bên chiến tuyến. Lãnh đạo hai nước đã qua lại rất thân mật và trọng thị. Bản thân Mỹ rất tôn trọng sự phát triển của Việt Nam mặc dù hai quốc gia có chế độ chính trị khác nhau…Tôi muốn nói đây là nguyên nhân mà không quốc gia nào có.
Bản thân Việt Nam và Mỹ cũng đã từng trải qua nhiều cuộc đàm phán trong chiến tranh và trong quá trình bình thường hóa quan hệ. Hai bên hiểu rất rõ những vấn đề đã phải trải qua.
“Báo chí nói nhiều về đẩy mạnh du lịch nhưng tôi cho rằng lớn nhất vẫn là nâng tầm vị thế của đất nước ta qua sự kiện. Cả thế giới hướng về Việt Nam, một đất nước hòa bình, tươi đẹp và mến khách. Đó là điều vô cùng tuyệt vời!”.
Nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên
Ông có thể phân tích cụ thể hơn yếu tố lịch sử trong quan hệ Việt - Mỹ gắn với thượng đỉnh Mỹ -Triều?
Tôi nghĩ rằng Mỹ chọn Việt Nam lần này như là một khuôn mẫu để cho người khác có thể tham khảo, người khác ở đây tôi muốn nói là Triều Tiên. Bản thân Việt Nam với Triều Tiên cũng có mối quan hệ đặc biệt. Hai bên đã có quan hệ ngoại giao gần 70 năm qua. Lãnh tụ hai bên đã qua lại thăm nhau, sau đó vì Triều Tiên khó khăn nên việc phát triển quan hệ cũng gặp khó.
Triều Tiên là một dân tộc có ý chí rất mạnh mẽ và nếu họ giải quyết được những vướng mắc hiện nay thì họ cũng phát triển rất nhanh. Và lần đến Việt Nam này, Triều Tiên như một người bạn cũ gặp lại, trao đổi và hợp tác phát triển. Chỉ trong vài ngày, tôi thấy đoàn đại biểu Triều Tiên dành nhiều thời gian đi thăm các mô hình phát triển kinh tế, công nghệ của Việt Nam. Về mặt chính trị, rõ ràng Triều Tiên cũng thấy tại Việt Nam chế độ chính trị vững mạnh, Đảng lãnh đạo đạt nhiều thành công và điều đó cũng cho thấy sự tin tưởng lẫn nhau giữa hai nước.
Điều tiếp theo tôi muốn nói là tại sao chọn Hà Nội vì Hà Nội là thành phố được UNESCO trao danh hiệu “thành phố vì Hòa bình”. Hà Nội có Hồ Gươm là hiện thân của ý chí độc lập, hòa bình. Vừa qua nhiều hãng thông tấn quốc tế lớn đều đã lấy hình ảnh Hồ Gươm làm nền cho nhiều phóng sự, tin tức về Hà Nội. Tôi rất tâm đắc với một bài viết của ông Martin Rama-một chuyên gia từng làm cho Ngân hàng thế giới ngay trước Hội nghị thượng đỉnh về truyền thuyết trả gươm. Trong đoạn cuối, ông viết: “Nếu truyền thuyết cụ rùa xảy ra trong những ngày này, thanh gươm sẽ phải được thay bằng vũ khí hạt nhân. Và nếu chúng có thể biến mất như thanh kiếm của Vua Lê năm xưa thì cụ rùa hẳn rất tự hào khi biết Hà Nội trở thành một thành phố thực sự vì hòa bình”.
Tôi làm ngoại giao nhiều năm và thấy khách nước ngoài rất ấn tượng với Hồ Gươm, đây là hồ có một không hai, rất đẹp và rất độc đáo. Nhiều thủ đô có hồ nhưng không đâu giống Hồ Gươm, một hồ nước gắn với truyền thuyết, lịch sử. Giả sử hội nghị đặt tại thành phố khác thì tôi nghĩ không thể giàu ý nghĩa như Hà Nội.
Tôi cho rằng hiểu được điều này sẽ thấy thấm thía rất nhiều. Cuộc họp này tuy Việt Nam chỉ là nơi diễn ra hội nghị nhưng cũng làm chúng ta thấy tự hào về dân tộc mình, về Hà Nội khi được lựa chọn, được gắn với một sự kiện lịch sử của thế giới.
Thế giới hướng về
Là người từng dự nhiều hội nghị quốc tế lớn, theo ông công tác tổ chức của Việt Nam vừa qua đâu là điểm thành công nhất?
Thực tế chúng ta đã triển khai công tác tổ chức rất tuyệt vời mặc dù khối lượng công việc rất lớn và gấp gáp. Phải nói đây là ý Đảng lòng dân. Bên trên có Đảng chỉ đạo và người dân thấy đây là việc đáng làm. Nhiều nhà hàng phải đóng cửa phục vụ công tác an ninh và hội nghị, nhiều tuyến đường phải hạn chế đi lại nhưng người dân rất vui vẻ và hợp tác. Nhiều người dân nói bao nhiêu phiền hà chúng tôi chấp nhận hết .
Tôi chưa từng thấy tại đâu hội nghị lớn có mấy nghìn phóng viên đến mà được mời ăn đặc sản. Số tiền không nhiều nhưng các phóng viên quốc tế đều cảm nhận được sự mến khách của Việt Nam, tấm lòng của người Việt Nam. Nhiều phóng viên nước ngoài đổ xô về Tràng An ngắm cảnh và viết rất nhiều bài báo về đất nước ta.
Báo chí nói nhiều về đẩy mạnh du lịch nhưng tôi cho rằng lớn nhất vẫn là nâng tầm vị thế của đất nước ta qua sự kiện. Cả thế giới đã hướng về Việt Nam, một đất nước hòa bình, tươi đẹp và mến khách. Đó là điều vô cùng tuyệt vời!
Sắp tới Việt Nam sẽ tham gia vào nhiều hoạt động giữ gìn hòa bình thế giới. Ngay trong năm 2020, Việt Nam sẽ được bầu vào thành viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc… Đây là tiền đề, động lực để chính người dân mình nhìn nhận lại ý thức trong bảo vệ môi trường, tham gia giao thông, giữ gìn trật tự, phát triển kinh tế. Thật là một cơ hội tuyệt vời!
Cảm ơn ông.