Người Hàn nghĩ gì về thượng đỉnh Mỹ - Triều?

TP - Tương lai tươi đẹp của Triều Tiên là điều mà người Hàn Quốc rất muốn thấy. Tuy nhiên, mọi việc không chỉ phụ thuộc vào ý muốn của người Triều Tiên hay Hàn Quốc.

Bên ngoài Đại sứ quán Triều Tiên tại Hà Nội, tủ kính trưng bày nhiều hình ảnh yêu nước có vẻ đã được sắp xếp lại ngay trước khi Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un đến thăm. Chân dung vị chủ tịch vẫn được giữ nguyên trên vị trí đầu, nhưng những bức ảnh vườn cây ăn quả hay tàu đánh cá được thay bằng ảnh các nhà máy và ăng-ten vệ tinh. Đứng ngoài đại sứ quán, một phóng viên Hàn Quốc nhận định rằng những bức ảnh mới dường như được chọn để “hợp với chủ để đổi mới và mở cửa kiểu Việt Nam”.

Người Hàn nghĩ gì về thượng đỉnh Mỹ - Triều? ảnh 1 Đối với người Hàn, các dàn pháo của Triều Tiên ở biên giới đáng sợ hơn vũ khí hạt nhân. Ảnh: National Interest

Thế nhưng, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên cắt ngắn lịch trình, kết thúc cuộc gặp thượng đỉnh mà không nhất trí được thỏa thuận nào. Theo Tổng thống Mỹ, Triều Tiên đòi dỡ tất cả các biện pháp trừng phạt nhưng Washington không thể đồng ý. Trong khi Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên nói rằng Bình Nhưỡng chỉ yêu cầu dỡ bỏ một số lệnh trừng phạt.

Sau sự kiện, nhiều người Hàn Quốc cảm thấy mất tinh thần.Ông Trump không phải một chính khách kiểu mẫu và hồ sơ làm tổng thống của ông trong thời gian qua phần lớn thể hiện sự khó đoán và lạnh lùng. Nhưng trong vấn đề Triều Tiên, việc ông ấy không đi theo chính sách đối ngoại truyền thống của nước Mỹ ít nhất đã kéo Triều Tiên vào đấu trường toàn cầu.

Đối với Hàn Quốc, kho vũ khí hạt nhân của Triều Tiên không nguy hiểm bằng lượng vũ khí truyền thống rất lớn đang được đặt ngay gần đường phân định giữa hai miền. Nhiều người Hàn trông mong một thoả thuận có thể giúp Triều Tiên mở cửa. Một học giả ở Seoul nói rằng bà lo ngại việc thượng đỉnh kết thúc không có thỏa thuận sẽ khiến tổng thống Moon hứng chịu những cuộc tấn công của phe cánh tả.

Nhiều nhà quan sát khác nhìn nhận hội nghị thượng đỉnh này bằng sự thận trọng. GS Park Sun-song, một nhà nghiên cứu về Triều Tiên tại ĐH Dongguk ở Seoul, chờ đợi một kết quả thực tế khiêm tốn từ cuộc gặp này, nhưng ngay cả điều đó cũng không thành hiện thực. Trước đó, nhiều người Hàn Quốc háo hức với triển vọng khởi động lại các dự án chung giữa hai miền: du lịch ở khu vực đỉnh núi Kumgang và khôi phục hoạt động ở khu công nghiệp chung Kaesong.

Hội nghị thượng đỉnh ở Hà Nội kết thúc ngay trước lễ kỷ niệm quan trọng của người Hàn Quốc.Ngày 1/3/1919, khoảng 5.000 trí thức, nhà họat động, sinh viên, công nhân… tụ tập ở Seoul để đòi độc lập cho đất nước. Nhưng bán đảo Triều Tiên phải đợi đến tận sau Thế chiến 2 mới giành được độc lập, rồi nhanh chóng phải chứng kiến đất nước bị chia đôi.

Tổng thống Moon đã cố dùng ngày kỷ niệm này để kêu gọi hợp tác hai miền, giống như trong Thế vận hội Pyeongchang năm ngoái. Ông mời nhà lãnh đạo Triều Tiên và đoàn tháp tùng đến thẳng Seoul sau khi rời Hà Nội, để dự lễ kỷ niệm 1/3.Nhưng đoàn Triều Tiên còn có chuyến thăm song phương tại Việt Nam.

Bài phát biểu ông Moon chuẩn bị trước cho ngày 1/3 đã phải sửa để phù hợp với kết quả ở Hà Nội.Không có tuyên bố hoà bình nào để ca ngợi, vì thế Tổng thống Hàn Quốc phải nói bớt đi về sự thống nhất và đoàn kết xuyên biên giới. Ông hứa sẽ tiếp tục cố gắng vì “một chế độ mới trên bán đảo Triều Tiên”, nhưng không có thông tin cụ thể nào ngoài kế hoạch lập ra một ủy ban liên Triều vì phát triển kinh tế. Tại Việt Nam, các bộ trưởng Triều Tiên được mời đi thăm Vịnh Hạ Long và một nhà máy ô-tô ở Hải Phòng, những nơi gợi ý cho tương lai của Triều Tiên mà Hàn Quốc rất muốn thấy. Tuy nhiên, mọi việc không chỉ phụ thuộc vào ý muốn của người Triều Tiên hay Hàn Quốc.

Theo Theo New York Times
MỚI - NÓNG