Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh: Đẩy mạnh cải cách để đón các cơ hội lớn

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam 2017. Ảnh: TTXVN.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam 2017. Ảnh: TTXVN.
TP - Tại Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam ngày 7/11 tại Đà Nẵng, trước đại diện 2.000 doanh nghiệp trong và ngoài nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu, Việt Nam sẽ tiếp tục cải cách thể chế, thúc đẩy khởi nghiệp, giảm thuế, đồng thời chú trọng tạo việc làm, cải thiện thu nhập cho người dân. Theo các đại biểu, Việt Nam cần đẩy mạnh hơn nữa hợp tác công - tư trong lĩnh vực đầu tư cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho hay, nhiều tập đoàn kinh tế hàng đầu của các nền kinh tế APEC đã lựa chọn Việt Nam để phát triển trung tâm sản xuất khu vực và kết nối trong chuỗi giá trị toàn cầu. Tiêu dùng trong nước đã trở thành một động lực quan trọng của tăng trưởng kinh tế Việt Nam bên cạnh xuất khẩu.

Thu nhập tăng làm cho Việt Nam ngày càng hấp dẫn hơn đối với các nhà sản xuất hàng tiêu dùng, đặc biệt là các nhãn hàng nổi tiếng nước ngoài. Dự báo đến năm 2020, Việt Nam sẽ là quốc gia trong nhóm đứng đầu khu vực về số người sử dụng điện thoại di động. Đây vừa là một nền tảng quan trọng vừa là cơ hội lớn để giúp các nhà đầu tư tiềm năng dễ dàng kết nối các sản phẩm, dịch vụ của mình đến lượng khách hàng tiềm năng lớn của Việt Nam.

Người đứng đầu Chính phủ nói rằng, những kết quả mà Việt Nam đã đạt được chính là nguồn động lực quan trọng để Việt Nam tự tin vững bước phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới. Việt Nam quyết tâm xây dựng chính phủ kiến tạo phát triển, hành động, phục vụ người dân, doanh nghiệp; đẩy mạnh hội nhập quốc tế; tiếp tục thực hiện mục tiêu duy trì ổn định vĩ mô vững chắc, chú trọng tạo việc làm, cải thiện thu nhập cho người dân. Bên cạnh đó, Chính phủ sẽ chú trọng tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng giúp kết nối thành thị với nông thôn, miền núi, vùng xa khó khăn, nỗ lực giảm chênh lệch về thu nhập dân cư, đồng thời cải thiện mạng lưới an sinh xã hội.

“Việt Nam cam kết bảo hộ các ý tưởng sáng tạo, phát kiến mới trong khởi nghiệp và thực thi các quyền sở hữu trí tuệ trong khuôn khổ Luật Sở hữu trí tuệ cũng như trong khuôn khổ các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Cải cách thuế theo hướng gia tăng cạnh tranh cho nền kinh tế, hướng đến các chuẩn mực minh bạch, công bằng và hiệu quả theo tiêu chuẩn cao của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cũng là một trong những cam kết được Thủ tướng Chính phủ đưa ra. Hiện tại, thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp của Việt Nam chỉ 20% và dự kiến giảm còn 15-17% theo lộ trình cải cách thuế sắp tới.

Xây dựng chính sách phát triển bền vững

Tại hội nghị, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, ôngVũ Tiến Lộc, cho rằng, với một nền kinh tế đi sau, mức độ phát triển chưa cao, Việt Nam kỳ vọng các tổng giám đốc điều hành (CEO) hàng đầu thế giới chia sẻ với Việt Nam kinh nghiệm trong điều hành doanh nghiệp, phát triển công nghệ cao, xây dựng chuỗi sản xuất. “Với việc những người khổng lồ thế giới đến đây, chúng tôi tin rằng sẽ có những cơ hội khổng lồ cho Việt Nam. Chính phủ và người dân Việt Nam cam kết luôn đồng hành, sát cánh cùng các doanh nghiệp”, ông Lộc nói.

Để Việt Nam có thể trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn của cộng đồng các nhà đầu tư, bên cạnh những nỗ lực về cải cách thể chế, môi trường kinh doanh, Việt Nam cần chú trọng hàng loạt vấn đề mà Ngân hàng Thế giới cũng như cộng đồng doanh nghiệp đã khuyến nghị, bà Victoria Kwakwa, Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới phụ trách khu vực Đông Á Thái Bình Dương, nói.

Theo đó, việc nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực, giải quyết những vấn đề về môi trường đầu tư, kinh doanh, xây dựng các chính sách phát triển bền vững… là những vấn đề cần lưu ý. “Việt Nam cần mở cửa hơn nữa trong lĩnh vực thuế, tài chính để các doanh nghiệp tư nhân có thể tham gia. Để có sức cạnh tranh hơn, Việt Nam cần hướng tới nền kinh tế xanh, thúc đẩy sự hợp tác giữa khu vực công và khu vực tư trong lĩnh vực đầu tư”, bà Kwakwa nói.

Chia sẻ tại hội nghị, nguyên Phó Thủ tướng Cộng hòa Liên Bang Đức và hiện là Giám đốc điều hành Diễn đàn Kinh tế thế giới, ông Philipp Rosler, cho rằng, tài sản lớn nhất của Việt Nam không phải dầu khí, công nghệ, cơ sở hạ tầng mà chính là người dân, mà ở đây chính là giới trẻ. “Khu vực tư nhân cần phối hợp với khu vực công để nâng cao năng lực cạnh tranh và đây là thông điệp của Việt Nam ngày hôm nay”, ông Rosler nói. 

Thủ tướng tiếp các đối tác bên lề Thượng đỉnh kinh doanh

Trong khuôn khổ các hoạt động của Tuần lễ Cấp cao APEC 2017, bên lề Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam, ngày 7/11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Bộ trưởng Tái thiết kinh tế Nhật Bản Motegi Toshimitsu, Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Victoria Kwakwa, Giám đốc Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) Philips Rosler, lãnh đạo tập đoàn Abbott, tập đoàn PWC, tập đoàn Exxon Mobil, đoàn doanh nghiệp của Uỷ ban Xúc tiến thương mại quốc tế Trung Quốc (CCPIT) và đoàn doanh nghiệp Hoa Kỳ do Trung tâm quốc gia về APEC của Hoa Kỳ (NCAPEC) tổ chức.

Việt Nam đã cho thấy sự năng động của mình thông qua việc tích cực, chủ động hội nhập quốc tế và ủng hộ mạnh mẽ tự do thương mại toàn cầu. Việt Nam đã ký kết, tham gia 12 hiệp định thương mại tự do (FTA) và đang đàm phán 4 FTA mới, trong đó có 18 đối tác thuộc các nền kinh tế APEC.

MỚI - NÓNG