Hội nghị thượng đỉnh G20 năm nay có gì mới?

Ảnh: RIA Novosti
Ảnh: RIA Novosti
TPO - Cuộc họp năm nay của các nhà lãnh đạo thế giới diễn ra tại Hamburg, Đức trong bối cảnh căng thẳng địa-chính trị thế giới gia tăng và hàng loạt những bất đồng từ Hội nghị thượng đỉnh G20 năm ngoái tại Hàng Châu (Trung Quốc) chưa được giải quyết. 

Một mình ông Trump chống lại thế giới

 Nếu hội nghị thượng đỉnh Hàng Châu năm 2016 khẳng định quyết tâm theo đuổi một trật tự kinh tế quốc tế có khả năng tăng trưởng toàn diện trước tình trạng suy thoái, thì tại Hamburg năm nay, chủ nghĩa bảo hộ chống lại toàn cầu hóa, hay nói cách khác Tổng thống Mỹ Donald Trump và chính sách “Nước Mỹ đầu tiên”, đang chống lại phần còn lại của thế giới.

Ông Trump đã gây sốc khi thông báo ra khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định khí hậu Paris, hai di sản của người tiền nhiệm Barack Obama.

Cựu tổng thống Mỹ Obama  đã chính thức phê chuẩn Hiệp định khí hậu Paris với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc họp thượng đỉnh Hàng Châu.

Tuy nhiên, vẫn chưa rõ những vấn đề này sẽ được theo đuổi như thế nào ở Hamburg, nhưng các nhà lãnh đạo ở châu Âu đã cảnh báo rằng thỏa thuận về khí hậu không được đem ra thương lượng tại đây.

Mặc dù vậy, Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Hamburg sẽ là một cuộc kiểm tra về khoảng cách lớn giữa các nước về Hiệp định khí hậu Paris đã được rút ngắn như thế nào.

Vai trò của Trung Quốc

Năm ngoái, Trung Quốc chủ trì Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Hàng Châu, được đánh giá là chu đáo và gần như hoàn hảo nếu không có sự cố ẩu đả giữa quan chức Mỹ và nước chủ nhà trong thời điểm ông Obama bước xuống sân bay.

Mặc dù Trung Quốc được mong đợi sẽ tiếp tục theo đuổi vai trò của mình như là một người ủng hộ hàng đầu về thương mại tự do và toàn cầu hóa, Hội nghị Thượng đỉnh Hamburg vẫn sẽ là một thử thách khó khăn cho ông Tập Cận Bình.

Các mối quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ đã căng thẳng trong những tuần gần đây về vấn đề Triều Tiên, với việc chính quyền Tổng thống Trump có cách tiếp cận cứng rắn với Bắc Kinh và thông qua thỏa thuận bán vũ khí trị giá nhiều tỉ đô la cho Đài Loan (Trung Quốc)...

Trong khi đó, sự chần chừ của Trung Quốc trong việc cắt giảm sản lượng thép dư thừa đã tạo cơ sở cho các nhà lãnh đạo châu Âu và Mỹ gây sức ép với ông Tập Cận Bình.

Trung Quốc hiện sản xuất sản lượng thép bằng một nửa lượng thép thế giới, nhưng đang phải đối mặt với những lời chỉ trích từ các nước khác rằng thép rẻ của họ đang làm tràn ngập thị trường và kéo giá xuống.

Nhà Trắng cho biết,  ôngTrump sẽ yêu cầu các nhà lãnh đạo G20 hành động để giảm sự dư thừa thép trên thị trường thép toàn cầu.

Vấn đề Triều Tiên

Vấn đề Triều Tiên sẽ được đưa lên vị trí hàng đầu trong chương trình nghị sự tại Hamburg sau khi nước này vừa thử thành công tên lửa đạn đạo xuyên lục địa ( ICBM).

Năm nay, do không còn đặc quyền chủ nhà, Trung Quốc chắc chắn sẽ phải đối mặt với những áp lực lớn từ Mỹ và các thành viên G20 khác. Nhiều người trong số họ nói rằng, Bắc Kinh, đồng minh chính của Bình Nhưỡng, không làm đủ để hạn chế tham vọng hạt nhân của Triều Tiên.

Mặc dù chính sách với Triều Tiên của chính quyền ông Trump không rõ ràng, nhưng ông Trump vẫn có cách tiếp cận khác với người tiền nhiệm Obama, người đã thực hành cái gọi là chính sách “kiên nhẫn chiến lược”. Chính quyền của ông Trump cho rằng chính sách đó đã chấm dứt và cho biết lực lượng quân đội có thể là một lựa chọn để ngăn chặn chương trình vũ khí của Bình Nhưỡng.

Các căng thẳng khu vực khác

Mối quan hệ giữa Nga và Mỹ đang trong thời kỳ xấu nhất từ trước đến nay sau khi Nga đe doạ nhắm mục tiêu vào các máy bay liên minh do Mỹ dẫn đầu ở Syria.

Trong khi đó, căng thẳng giữa Trung Quốc và Ấn Độ, cả hai thành viên G20, đang leo thang dọc biên giới hai nước và có nguy cơ nổ ra chiến tranh.

Bắc Kinh cho biết, Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi sẽ không có một cuộc họp song phương bên lề G20. Những người lần đầu tham dự G20
Hội nghị thượng đỉnh G20 năm nay có gì mới? ảnh 1 Tổng thống Pháp Emmanuel Macron lần đầu tham dự G20 và đây là dịp ông trổ tài thuyết phục Tổng thống Mỹ Donald Trump xem xét lại Hiệp định khí hậu Paris. Ảnh: The Guardian.
Hamburg sẽ là hội nghị thượng đỉnh G20 đầu tiên của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, người giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vào đầu tháng 5 vừa qua.

Thế giới đang theo dõi  xem liệu chính trị gia 39 tuổi của nước Pháp, nước đề xướng Hiệp định khí hậu Paris sử dụng “cây đũa thần” thế nào trong việc thuyết phục ông Trump cân nhắc lại quyết định rút khỏi hiệp định này.
 
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, người vừa trúng cử hồi vào tháng 5, sẽ  lần đầu tiên ra mắt tại hội nghị thượng đỉnh. Hội nghị G20 cũng sẽ là cuộc họp đầu tiên của thủ tướng Ý Paolo Silveri, người đã nhậm chức vào tháng 12.

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc, nước chủ nhà của Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) năm nay, cũng có trong danh sách khách mời của Hội nghị G20.

Theo SCMP
MỚI - NÓNG