Hội nghị Bộ trưởng đặc biệt ASEAN - Trung Quốc: Sẽ bàn 5 vấn đề 'nóng'

0:00 / 0:00
0:00
Trung Quốc tập trận bắn đạn thật trên Biển Đông Ảnh: PLA Daily
Trung Quốc tập trận bắn đạn thật trên Biển Đông Ảnh: PLA Daily
TP - Có ba động lực khiến Bắc Kinh muốn đăng cai tổ chức Hội nghị Bộ trưởng đặc biệt ASEAN - Trung Quốc dự kiến diễn ra vào đầu tháng 6 tới, và có 5 vấn đề có khả năng bao trùm sự kiện này.

Động lực đầu tiên là sự tái tham gia của chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden với ASEAN. Vào ngày 27-28/1/2021, ngay sau khi được Thượng viện Mỹ xác nhận làm Ngoại trưởng, ông Anthony Blinken đã gọi điện cho hai người đồng cấp Philippines và Thái Lan, ông Teodoro Locsin và ông Don Pramudwinai, để đề xuất đối thoại cấp bộ trưởng Mỹ-ASEAN. Ông Blinken cũng nói chuyện với Bộ trưởng Ngoại giao Singapore Ballakrishnan ngày 9/2. Đề xuất của ông Blinken về một cuộc họp cấp bộ trưởng Mỹ-ASEAN đã không thể diễn ra bởi cuộc đảo chính quân sự ngày 1/2 ở Myanmar.

Ngày 12/2, Tổng thống Joe Biden tổ chức hội nghị thượng đỉnh trực tuyến đầu tiên của nhóm Bộ tứ (Mỹ, Úc, Ấn Độ, Nhật Bản). Một tuyên bố chung được đưa ra sau cuộc họp kêu gọi “hợp tác, bao gồm cả an ninh hàng hải, để ứng phó những thách thức đối với trật tự hàng hải dựa trên luật lệ ở Biển Hoa Đông và Biển Đông”.

Ngày 20/3, Philippines chính thức thông báo rằng, Trung Quốc đã triển khai 220 tàu dân quân biển và tàu cá tại đá Ba Đầu, cụm Sinh Tồn (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam). Sự phát triển này làm gia tăng tính cấp bách cho các nỗ lực ngoại giao của Mỹ. Ngày 31/3, Bộ trưởng Blinken nói chuyện với Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia Hishammuddin Hussein. Ngày 8/4, ông Blinken và ông Locsin nói chuyện lần thứ hai. Ngày 3/5, Bộ trưởng Blinken hội đàm không chính thức với Bộ trưởng Ngoại giao Brunei II Dato Erywan Yusof bên lề cuộc họp của Nhóm G7 tại London.

Động lực thứ hai được tạo ra bởi cuộc đảo chính quân sự ở Myanmar và phản ứng của ASEAN. Ngày 24/4, các nhà lãnh đạo ASEAN gặp nhau tại Jakarta để thảo luận về cuộc khủng hoảng. Brunei, với tư cách là Chủ tịch ASEAN, yêu cầu các bộ trưởng ngoại giao ASEAN tổ chức các cuộc họp đặc biệt với Mỹ và Trung Quốc (họp riêng với từng nước) để tăng cường vai trò trung tâm của ASEAN về vấn đề này.

Sau đó, có thông tin cho rằng, một cuộc họp cấp bộ trưởng của các ngoại trưởng Mỹ và ASEAN được lên kế hoạch vào ngày 25/5. Cuộc họp này đã bị hoãn vào phút cuối do những khó khăn kỹ thuật về thông tin liên lạc khi Bộ trưởng Blinken đang bay đến Trung Đông.

Động lực thứ ba là Trung Quốc thông báo ngày 7/5 rằng, họ đã đề xuất một cuộc họp với các bộ trưởng ngoại giao ASEAN từ ngày 6-8/6. Lý do của cuộc gặp này bề ngoài là để thảo luận về tình hình ở Myanmar. Rõ ràng, Trung Quốc đã phản ứng với các sáng kiến của chính quyền Biden cũng như ASEAN.

Các vấn đề bao trùm

Sẽ có năm vấn đề có khả năng bao trùm cuộc họp Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - Trung Quốc sắp tới. Đó là phối hợp đối phó với COVID-19, bao gồm vắc-xin; các bước tiếp theo trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng ở Myanmar; phục hồi kinh tế sau COVID-19, bao gồm phục hồi các dự án cơ sở hạ tầng thuộc sáng kiến Vành đai - Con đường của Trung Quốc; thảo luận nâng quan hệ ASEAN - Trung Quốc lên tầm đối tác chiến lược toàn diện; và các kế hoạch kỷ niệm 30 năm quan hệ đối thoại ASEAN-Trung Quốc.

Tuy nhiên, gần đây nổi lên các vấn đề “nóng” liên quan Biển Đông, như Chính phủ Philippines đang có kế hoạch biến đảo Thị Tứ (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam) thành một căn cứ hậu cần và tiếp tế mới, Bắc Kinh vẫn có các động thái đơn phương làm thay đổi hiện trạng ở Biển Đông, bắt nạt, đe dọa nhiều nước láng giềng… Trung Quốc gia tăng sử dụng chiến thuật vùng xám (dùng 3 lực lượng hải cảnh, dân quân biển và tàu cá để đe dọa, bắt nạt láng giềng nhưng ở dưới ngưỡng chiến tranh).

Mới đây, Trung Quốc tận dụng chiến tranh pháp lý (thực thi luật trong nước để củng cố yêu sách “đường lưỡi bò”). Cụ thể, Trung Quốc thực thi Luật Hải cảnh từ ngày 1/2, cho phép sử dụng vũ lực và phá hủy công trình xây dựng của các nước láng giềng trong những hoàn cảnh cụ thể. Ngoài chiến tranh pháp lý, Trung Quốc sử dụng chiến tranh tâm lý để gây nhiễu việc ra quyết định của các nước láng giềng, và chiến tranh công luận (dùng báo chí-truyền thông để thúc đẩy chiến tranh pháp lý và chiến tranh tâm lý).

Trong các cuộc họp liên quan như Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN, Hội nghị Cấp cao ASEAN, ASEAN nên ra tuyên bố chung với 3 nội dung chính. Một là, tuyên bố, thậm chí lên án chiến thuật vùng xám của Trung Quốc nhằm vào Việt Nam, Philippines, Malaysia và Indonesia, đe dọa một Cộng đồng ASEAN hòa bình, ổn định và thịnh vượng. Hai là, yêu cầu Trung Quốc làm rõ nội dung Luật Hải cảnh, vùng biển thuộc quyền tài phán của Trung Quốc. Ba là, tuyên bố rằng, bất kỳ hành động nào của Trung Quốc thực hiện theo Luật Hải cảnh của Trung Quốc cũng vi phạm luật pháp quốc tế nếu diễn ra trong vùng biển của Việt Nam, Philippines, Malaysia hoặc Indonesia.

Hội nghị Bộ trưởng đặc biệt ASEAN - Trung Quốc: Sẽ bàn 5 vấn đề 'nóng' ảnh 1

GS. Carlyle Thayer

MỚI - NÓNG
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
TPO - Sau khi xuất hiện bằng chứng mới, Hội đồng xét xử quyết định tạm dừng phiên tòa  tranh chấp Hợp đồng quảng bá thương hiệu giữa Ban tổ chức cuộc thi Miss Grand Vietnam 2023 (BTC) và Công ty Cổ phần Bệnh viện Phẫu thuật thẩm mỹ Nam An (Bệnh viện Nam An), trong đó Hoa hậu Lê Hoàng Phương tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.