Thông báo này được đưa ra chỉ vài ngày sau khi tàu chiến Mỹ tiến gần quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam mà Trung Quốc đang chiếm đóng trái phép.
Một lữ đoàn thuộc lực lượng không quân của Chiến khu Nam bộ thuộc quân đội Trung Quốc đã điều các máy bay ném bom JH-7 ra thực hiện đợt tập trận bắn đạn thật nhằm vào hàng loạt mục tiêu trên Biển Đông, với trọng tâm là tấn công chính xác và tấn công bão hoà, CCTV (Đài truyền hình trung ương Trung Quốc) đưa tin ngày 24/5.
Theo bản tin này, vài chục máy bay chiến đấu tham gia cuộc tập trận để xuyên thủng các tuyến phòng thủ bằng cách bay trên biển ở độ cao thấp, bắn rốc-két và đạn pháo, thả bom xuống các mục tiêu trên biển. CCTV nhấn mạnh rằng vài ngàn đạn dược đã được thả xuống.
Báo Trung Quốc Global Times dẫn lời ông Song Zhongping, một nhà bình luận quân sự Trung Quốc, nói rằng, dù cuộc tập trận sử dụng nhiều máy bay và đạn dược, nhưng đây là hoạt động diễn tập quân sự thông thường của Trung Quốc.
Tại cuộc họp báo thường kỳ chiều 27/5, trả lời câu hỏi về cuộc tập trận của Trung Quốc, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng tái khẳng định, Việt Nam có đầy đủ cơ sở bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa phù hợp với luật pháp quốc tế.
“Duy trì hoà bình, ổn định, trật tự, an ninh, an toàn, tự do hàng không và hàng hải, thượng tôn pháp luật, tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của các quốc gia ở Biển Đông là mục tiêu, lợi ích, trách nhiệm và nguyện vọng chung của các quốc gia ven Biển Đông và cộng đồng quốc tế. Việt Nam mong rằng các bên nỗ lực đóng góp một cách có trách nhiệm vào vấn đề này”, bà Hằng nói.
Hôm 20/5, để khẳng định quyền tự do hàng hải, tàu khu trục tên lửa Mỹ USS Curtis Wilbur đi vào vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam mà Trung Quốc đang chiếm đóng trái phép. Trung Quốc tuyên bố đã điều lực lượng trên biển và trên không ra giám sát và cảnh báo, xua đuổi tàu Mỹ.
Về việc này, Việt Nam cho rằng, mọi hoạt động của các quốc gia trong và ngoài khu vực cần đóng góp tích cực cho việc duy trì hoà bình, ổn định, an ninh, an toàn, trật tự trên Biển Đông, tôn trọng chủ quyền quyền chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia ven Biển Đông, tuân thủ luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, bà Hằng nói.