Tàu khu trục USS Curtis Wilbur (DDG-54), hôm thứ Năm “đã khẳng định các quyền và tự do hàng hải trong vùng lân cận của quần đảo Hoàng Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế,” theo một tuyên bố từ Hạm đội 7 của Mỹ.
Bộ Chỉ huy quân khu Phương Nam của Giải phóng Quân Nhân dân Trung Quốc (PLA) sau đó đã đưa ra một tuyên bố nói rằng PLA đã “trục xuất” con tàu chiến Mỹ vốn thường xuyên trú đóng tại Nhật Bản ra khỏi khu vực. Các tàu chiến và máy bay của Trung Quốc đã theo dõi quá trình tàu Mỹ quá cảnh.
"Hành vi của Mỹ vi phạm luật pháp quốc tế và các chuẩn mực cơ bản trong quan hệ quốc tế, làm tăng rủi ro an ninh khu vực và dễ bị hiểu lầm, đánh giá sai và dẫn đến tai nạn trên biển", Quân khu Phương Nam của PLA nói trong một tuyên bố, theo USNI.
Hạm đội 7 của Mỹ phủ nhận việc tàu khu trục của họ buộc phải rời khỏi khu vực quần đảo Hoàng Sa.
"Tuyên bố của PLA về sứ mệnh này là sai sự thật. USS Curtis Wilbur đã tiến hành tuần tra hàng hải theo luật pháp quốc tế và sau đó tiếp tục tiến hành các hoạt động bình thường trong vùng biển quốc tế", một tuyên bố từ Hạm đội 7 có trụ sở tại Nhật Bản viết.
"Tuyên bố của PLA là tuyên bố mới nhất trong một chuỗi dài các hành động của CHND Trung Hoa nhằm xuyên tạc các hoạt động hàng hải hợp pháp của Mỹ và khẳng định các yêu sách hàng hải quá mức và bất hợp pháp của mình với cái giá phải trả là sự thiệt hại của các nước láng giềng Đông Nam Á ở Biển Đông. Hành vi của CHND Trung Hoa đối nghịch với việc Mỹ tuân thủ luật pháp quốc tế và tầm nhìn của chúng tôi về một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Tất cả các quốc gia, lớn và nhỏ, phải được bảo đảm về chủ quyền của mình, không bị ép buộc và có thể theo đuổi tăng trưởng kinh tế phù hợp với các quy tắc và chuẩn mực quốc tế được chấp nhận”.
Hôm thứ Ba, tàu Curtis Wilbur đã quá cảnh qua eo biển Đài Loan. Bắc Kinh nói chuyến quá cảnh này là hành động “gửi tín hiệu sai cho lực lượng ở Đài Loan (Trung Quốc) cố tình gây rối và phá hoại tình hình khu vực, đồng thời gây nguy hiểm cho hòa bình và ổn định trên eo biển Đài Loan”.
Hoạt động hôm thứ Năm diễn ra sau bài phát biểu của Tổng thống Joe Biden tại Học viện Cảnh sát biển, trong đó ông nói Nga và Trung Quốc phá bỏ các quy tắc quốc tế.
"Các nguyên tắc hàng hải cơ bản, lâu đời như tự do hàng hải là nền tảng của nền kinh tế toàn cầu và an ninh toàn cầu. Khi các quốc gia cố gắng vận dụng hệ thống hoặc áp dụng các quy tắc có lợi cho họ mọi thứ sẽ rơi vào thế mất cân bằng", ông Biden nói.
"Điều quan trọng đối với chính sách đối ngoại của Mỹ là đảm bảo dòng chảy thương mại toàn cầu không bị cản trở. Và điều đó sẽ không xảy ra nếu chúng tôi đóng vai trò tích cực trong việc thiết lập các chuẩn mực ứng xử, để định hình chúng dựa trên các giá trị dân chủ, không phải theo ý muốn của những kẻ chuyên quyền”.