Đất hiếm và âm mưu Trung Quốc độc chiếm Biển Đông

0:00 / 0:00
0:00
Tàu khảo sát Haiyang Dizhi 8 của Trung Quốc từng xâm phạm vùng biển Việt Nam Ảnh: SCMP
Tàu khảo sát Haiyang Dizhi 8 của Trung Quốc từng xâm phạm vùng biển Việt Nam Ảnh: SCMP
TP - Trung Quốc đang cố tình thôn tính Biển Đông vì nhiều lý do, trong đó có tham vọng khai thác đất hiếm dưới đáy biển vì loại khoáng sản này thiết yếu đối với tương lai kinh tế của nước này, truyền hình Úc Nine Network đưa tin ngày 20/5. Trong khi đó, Nhật Bản và Úc phản đối các nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng ở Biển Đông.

Đất hiếm là một thành tố quan trọng trong đồ điện tử tân tiến, bao gồm vệ tinh, thiết bị hàng không-vũ trụ và robot - những công nghệ mà Trung Quốc có tham vọng dẫn đầu thế giới. Kể từ năm 2016, Bắc Kinh liên tục quân sự hóa Biển Đông, biến nhiều bãi đá ngầm thành đảo nhân tạo, xây dựng cơ sở hạ tầng quân sự trên đó. Hải quân Mỹ và một số nước khác, trong đó có Úc, đã tập trận ở Biển Đông, tham gia tuần tra tự do hàng hải để thách thức yêu sách “đường chín đoạn” phi lý của Trung Quốc.

Nhưng nguồn đất hiếm ở Biển Đông cũng thúc đẩy chính sách của Trung Quốc, hai học giả Mỹ Mark Crescenzi và Stephen Gent nhận định. “Chúng tôi đã nghiên cứu và nhận thấy rằng, một mục tiêu chiến lược cốt lõi của Trung Quốc là duy trì sức mạnh thị trường của họ trên thị trường đất hiếm. Ba thập kỷ qua, Trung Quốc thống trị thị trường sản xuất và xuất khẩu đất hiếm”, GS Crescenzi và GS Gent viết trên tạp chí The Diplomat (trụ sở ở Mỹ).

Trước nay, Trung Quốc khai thác đất hiếm trong lòng đất, nhưng việc này gây tổn hại tới môi trường, trong khi các nguồn khác trên thế giới như Trung Phi lại không ổn định và khó tiếp cận. Vì thế, giờ đây, Trung Quốc nhắm tới ngoài khơi xa trên Biển Đông - nơi có nhiều khoáng sản được gọi là nốt đa kim hoặc nốt mangan. “Trung Quốc đã phát triển công nghệ khai thác biển sâu tân tiến nhất trên thế giới; khả năng thu gom nốt đa kim và đất hiếm trong đó là vô đối”, hai giáo sư Mỹ nhận định. Theo họ, đất hiếm là báu vật biển sâu đối với các nước châu Á-Thái Bình Dương và Trung Quốc đang muốn khai thác đất hiếm ở Biển Đông, kiểm soát nguồn cung và giá đất hiếm trong những năm tới.

Mỹ, Nhật, Úc phản đối

Mỹ cùng nhiều nước đồng minh, đối tác ở châu Á-Thái Bình Dương đang có nhiều hành động để phản đối các hành động đơn phương của Trung Quốc nhằm thay đổi hiện trạng ở Biển Đông. Tại Học viện Tuần duyên Mỹ ngày 20/5, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố, Mỹ phải bảo vệ các tuyến hàng hải rộng mở và an toàn ở Biển Đông và Bắc Cực vì một số nước như Trung Quốc đang tìm cách kiểm soát các khu vực biển, hãng tin Mỹ Bloomberg đưa tin. Cùng ngày, Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ thông báo, tàu khu trục USS Curtis Wilbur vừa thực hiện chuyến tuần tra tự do hàng hải ở Biển Đông để thách thức yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc.

Ngày 19/5, hai bộ trưởng quốc phòng Nhật Bản và Úc khẳng định cam kết hợp tác chặt chẽ hơn để phản đối các nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng ở Biển Đông và biển Hoa Đông trong bối cảnh Trung Quốc gia tăng yêu sách chủ quyền trong khu vực, hãng tin Nhật Bản Kyodo đưa tin. Tại cuộc điện đàm, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi và người đồng cấp Úc Peter Dutton cũng cam kết đẩy mạnh hợp tác quốc phòng ba bên với Mỹ nhằm thực hiện sáng kiến vì một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do, rộng mở.

MỚI - NÓNG