Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Bộ VHTTDL) giao báo Văn hóa chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức bình chọn 10 sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch tiêu biểu năm 2023. Buổi bình chọn trực tiếp diễn ra sáng 5/12 tại trụ sở Bộ VHTTDL.
Ông Nguyễn Anh Vũ - Tổng Biên tập báo Văn hóa, Trưởng BTC - cho biết đã gửi công văn đến các đơn vị thuộc Bộ, các đơn vị quản lý văn hóa, thể thao và du lịch trên toàn quốc, các hiệp hội chuyên ngành đề nghị đề cử các sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình tiêu biểu trong năm 2023.
Họp báo bình chọn 10 sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch tiêu biểu năm 2023. |
Hoạt động bình chọn được tổ chức trực tiếp và trực tuyến. Buổi bình chọn trực tiếp được tổ chức vào ngày 5/12 tại trụ sở Bộ VHTTDL. Hình thức bình chọn trực tuyến kéo dài từ nay đến 17h ngày 7/12.
"Kết thúc thời gian đề cử theo quy định BTC đã nhận được gần 100 đề cử của 50 đơn vị.
Trên cơ sở đó, tổ giúp việc đã họp, bỏ phiếu chọn 30 sự kiện trình lên BTC nhằm tiếp tục lựa chọn 15 sự kiện báo cáo Lãnh đạo Bộ để tổ chức họp báo bình chọn 10 sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch tiêu biểu năm 2023", ông Nguyễn Anh Vũ nêu.
Trong danh sách đề cử của BTC, sự kiện ấn vàng Hoàng đế chi bảo hồi hương tiếp tục có tên. Đây là lần thứ hai sự kiện liên quan đến ấn vàng lọt vào danh sách đề cử 10 sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch tiêu biểu. Trước đó, sự kiện này là một trong 10 sự kiện văn VHTTDL tiêu biểu năm 2022.
Sự kiện liên quan đến hồi hương ấn vàng Hoàng đế chi bảo tiếp tục vào đề cử 10 sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch tiêu biểu. |
Ông Phạm Định Phong - Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa - cho biết có sự khác nhau của hai đề cử. Theo đó sự kiện lọt vào Top 10 sự kiện VHTTDL tiêu biểu năm 2022 là đàm phán thành công việc hồi hương kim ấn Hoàng đế chi bảo. Năm 2023, ấn vàng Hoàng đế chi bảo mới chính thức được đưa về nước.
Chiều ngày 16/11, tại Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng, Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng, Trưởng Phái đoàn Việt Nam bên cạnh UNESCO Lê Thị Hồng Vân, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa Lê Thị Thu Hiền, đại diện Bộ Công an (Việt Nam) và Đại diện Bộ Ngoại giao Pháp, đại diện UNESCO đã chứng kiến buổi lễ chuyển giao ấn vàng Hoàng đế chi bảo cho Việt Nam.
Ấn vàng Hoàng đế chi bảo được lưu giữ, bảo quản tại bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng, TP. Từ Sơn (Bắc Ninh). |
Sự kiện này là kết quả của hơn một năm đàm phán, thương thảo và thực hiện các thủ tục pháp lý liên quan về việc dừng đấu giá công khai ấn vàng tại Paris, (Pháp) tháng 11/2022, thỏa thuận thống nhất các yêu cầu cho việc chuyển giao ấn vàng cho phía Việt Nam theo đề nghị của Đoàn công tác liên ngành do Bộ VHTTDL chủ trì cùng các Bộ Ngoại giao, Tư Pháp, Tài chính, Công an và sự hỗ trợ đặc biệt của Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp.
Bên cạnh giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật… ấn vàng Hoàng đế chi bảo là di sản văn hóa có ý nghĩa hết sức quan trọng với dân tộc, là biểu trưng quyền lực chính trị trong một giai đoạn lịch sử nhất định của tiến trình lịch sử Việt Nam, đánh dấu mốc quan trọng cho sự chuyển giao từ chế độ quân chủ hơn nghìn năm sang nền dân chủ của nhân dân Việt Nam - nhà nước Việt Nam mới Dân chủ cộng hòa, tiền thân của nước CHXHCN Việt Nam, thời đại Hồ Chí Minh.