Theo TTXVN, sau 48 giờ kể từ khi đoàn đại biểu Việt Nam do Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc làm trưởng đoàn trình bày Báo cáo quốc gia trong khuôn khổ cơ chế Rà soát Định kỳ Phổ quát (UPR) chu kỳ II tại Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, Nhóm làm việc về UPR của Hội đồng Nhân quyền LHQ tại Geneva chiều ngày 7/2 đã thông qua báo cáo của Việt Nam với sự nhất trí cao. Báo cáo này sẽ được trình Hội đồng nhân quyền xem xét thông qua tại khóa họp thường kỳ tại phiên toàn thể của Hội đồng nhân quyền sau phiên UPR khoảng 5 tháng.
Nhiều thành tựu tích cực của Việt Nam đã được ghi nhận trong phiên họp lần thứ này như: Những tiến bộ đạt được trong lĩnh vực kinh tế xã hội; Từng bước giảm tỷ lệ các hộ nghèo; Tỷ lệ nhập học các trường tiểu học và trung học cao; Các kế hoạch hành động quốc gia cho trẻ em (2012-2020) và bảo vệ trẻ em (2011-2015); Ký kết Công ước chống tra tấn; Tham gia Công ước về quyền của người khuyết tật; Đạt được nhiều tiến bộ trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho những nhóm yếu thế như dân tộc thiểu số, phụ nữ và trẻ em ...
Trên tinh thần thẳng thắn, xây dựng, các nước tiếp tục khuyến nghị Việt Nam nỗ lực hơn nữa trong việc cải cách tư pháp, pháp luật, thúc đẩy quyền tự do ngôn luận, báo chí, tôn giáo, mời thêm các Thủ tục Đặc biệt của Hội đồng Nhân quyền…
Nhiều nước cũng khuyến nghị Việt Nam tăng cường chia sẻ kinh nghiệm đổi mới, đảm bảo quyền của các nhóm yếu thế, đảm bảo an sinh xã hội, tạo việc làm…trong điều kiện kinh tế khó khăn, khuyến nghị Việt Nam tăng cường hợp tác với các cơ chế nhân quyền của Liên hợp quốc và các Cơ quan Công ước. Tuy nhiên, nhận thức về nhân quyền ở mỗi nước, đặc biệt các nước đang phát triển và phát triển khác nhau, nên khó tránh được sự khác biệt về đánh giá giá trị nhân quyền.
Phiên họp thứ 18 của Nhóm làm việc về UPR của Hội đồng Nhân quyền LHQ đã diễn ra từ ngày 27/1 đến 7/2/2014 với 14 quốc gia thành viên LHQ, trong đó có Việt Nam, đến kỳ trình bày báo cáo quốc gia và đối thoại về quyền con người. Với sự tham gia của đại diện từ 11 Bộ ngành, Đoàn Việt Nam đã đối thoại trực tiếp với 107 nước về các vấn đề các nước quan tâm trong lĩnh vực này.
Trên nguyên tắc đối thoại, hợp tác, đối xử bình đẳng, khách quan, minh bạch, xây dựng, không đối đầu, không chọn lọc và chính trị hóa, UPR được đánh giá là cơ chế tiến bộ và tích cực. Tất cả các nước dù được coi là mạnh nhất, dù lớn tiếng nhất về nhân quyền thì vẫn phải chịu sự xem xét đánh giá, góp ý của những nước rất nhỏ. Việt Nam đã, đang và sẽ tham gia đóng góp vào những cơ chế đó với tư cách là thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2014-2016.