Biểu tượng của ngoại giao văn hóa
Sau 15 năm, đến nay, chính quyền Hội An đã tu bổ, tôn tạo 425 di tích với tổng kinh phí 188 tỷ đồng. Ngoài ra, số lượt di tích tư nhân do chủ sở hữu tự đầu tư tu bổ lên đến hơn 1.100 lượt di tích với kinh phí đầu tư 229 tỷ đồng. Với Mỹ Sơn, bằng những nỗ lực không ngừng của các cấp quản lý, các nhà chuyên môn và các tổ chức, chuyên gia quốc tế đã từng bước cứu vãn, tôn tạo, trùng tu, đảm bảo sự bền vững và ổn định lâu dài cho di tích. Tổng kinh phí trùng tu di sản Mỹ Sơn 15 năm qua hơn 85 tỷ đồng. Tổng lượt khách đến với Hội An và Mỹ Sơn trong 15 năm qua gần 17 triệu lượt người…
Theo ông Đinh Hài - Giám đốc sở TTVH&DL Quảng Nam, hiện có hơn 82% di tích trong khu phố cổ Hội An thuộc sở hữu tư nhân nên nhận thức và lợi ích các chủ di tích không phải bao giờ cũng đồng thuận với các nguyên tắc bảo tồn. Mặc dù đã thoát khỏi nguy cơ báo động về tình trạng xuống cấp di tích nhưng hiện nhu cầu nguồn vốn đầu tư tu bổ, cứu nguy khẩn cấp cho hàng loạt ngôi nhà trong khu phố cổ và nhiều ngôi tháp trong khu đền tháp Mỹ Sơn là rất lớn và cấp thiết song ngân sách các cấp, nhất là đối với tỉnh nghèo như Quảng Nam chỉ đáp ứng được một phần nhỏ. Cũng vì thiếu vốn, nên 2 quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di sản thế giới Hội An và Mỹ Sơn được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đến nay vẫn còn nhiều khó khăn và nhiều hạng mục chưa thực hiện.
Bà Irina Bokova, Tổng Giám đốc UNESCO, từng ngợi khen Hội An: “Các bạn đã giúp UNESCO phát triển các ý tưởng và công cụ, cũng như cụ thể hóa các ý tưởng và công cụ đó cho phù hợp với bối cảnh của địa phương”. Bà Trần Thị Hoàng Mai, Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa đối ngoại và UNESCO (Bộ Ngoại giao), khẳng định: Hội An và Mỹ Sơn là điển hình cho hội nhập, giao lưu văn hóa thông qua di sản với các nền văn hóa trên thế giới.
Du khách tham quan thánh địa Mỹ Sơn. Ảnh: Nguyễn Thành.
Cần ứng xử với di sản dưới góc độ kinh tế học
Tại hội thảo do UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức nhân kỷ niệm 15 năm ngày di sản mới đây, PGS.TS Đặng Văn Bài, nguyên Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, cho rằng cơ chế cho Hội An và Mỹ Sơn cần tính đến yếu tố kinh tế học trong di sản văn hóa. Cần nhìn nhận di sản văn hóa có khả năng thay đổi kinh tế xã hội địa phương, mang lại lợi ích cho người dân địa phương mà Hội An và Mỹ Sơn là một ví dụ.
Theo ông Bài, 15 năm nhưng đến nay đầu tư cho Hội An chỉ mới dừng lại ở con số 188 tỷ đồng, trong khi tổng thu du lịch từ năm 1999 đến nay là hơn 3.000 tỷ đồng. Hội An từ chỗ chỉ đón khoảng 200.000 du khách (năm 1999) lên mức 2,1 triệu lượt du khách (năm 2014); GDP toàn TP Hội An từ 345 tỷ đồng (năm 1999) tăng lên 3.037 tỷ đồng (năm 2013), nguồn thu từ bán vé tham quan từ năm 1999 đến tháng 6/2014 đạt 405 tỷ đồng.
“Di sản đã góp phần phát triển cho địa phương nhưng sự đầu tư trở lại là quá chênh lệch. Do đó cần tăng ngân sách đầu tư cho công tác bảo tồn, trùng tu di sản. Hãy ứng xử với di sản bằng góc độ văn hóa và công bằng dưới góc độ kinh tế học”, ông Bài nhấn mạnh. Theo đó, trách nhiệm ở đây thuộc về Sở KH&ĐT. Sở này cần chứng tỏ cho Chính phủ, bộ ngành thấy được hiệu quả từ việc đầu tư vào công tác bảo tồn di sản.
PGS.TS Trương Quốc Bình, ủy viên Hội đồng di sản văn hóa quốc gia cho biết: Sẽ kiến nghị, đưa cơ chế đặc thù cho Hội An và Mỹ Sơn trong chương trình nghị sự của Hội đồng di sản văn hóa quốc gia sắp tới. Đồng thời, cũng cần tính đến cơ chế quản lý cho hai di sản này sao cho phù hợp và hữu hiệu.
Ông Nguyễn Thế Hùng, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa cho rằng trong tình hình ngân sách trung ương dành cho chương trình mục tiêu quốc gia cho di tích giảm từ 60 – 70 %, các địa phương cần tính toán tự tăng ngân sách đầu tư từ ngân sách địa phương cho di sản. “Cơ chế đặc biệt không phải là đôi đũa thần. Quảng Nam cần nghiên cứu các bài học từ Cố đô Huế để cân nhắc những cơ chế đặc biệt cho Hội An và Mỹ Sơn, để có báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt”, ông Hùng
cho biết.
Hãy để người dân làm
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Nguyễn Đức Hải, cho rằng: thời gian tới cần lập một cơ chế quản lý đặc thù đối với hai khu di sản, tranh thủ mọi nguồn lực để bảo tồn và phát huy. Những gì Hội An làm được thì phải để người Hội An làm. Chính người dân ở đô thị cổ quyết định sự tồn tại, phát triển của đô thị. Riêng với Mỹ Sơn, liệu “chiếc áo” cho Ban quản lý di tích Mỹ Sơn có quá chật? Bởi lẽ ứng xử với Mỹ Sơn – nơi có tất cả những giá trị văn hóa, tâm linh vượt khỏi giới hạn của một địa phương không phải chuyện dễ.