Lời hứa ngọt ngào
Ngày 29/9/2009, Đoàn ca múa kịch Nghệ An (nay là Đoàn ca múa nhạc dân tộc Nghệ An) có tờ trình số 93 về việc chuẩn bị nguồn nhân lực bổ sung cho năm 2015 và những năm tiếp theo, Đoàn đã đề nghị cho tuyển và gửi đi đào tạo từ 10 đến 15 em tại trường Cao đẳng múa Việt Nam.
Ngày 10/2/2010, Tỉnh ủy Nghệ An có quyết định 1809 về việc phê duyệt kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức. Tiếp đó, ngày 1/4/2010, Sở VH-TT&DL có công văn 591 giao cho Đoàn ca múa kịch Nghệ An tổ chức sơ tuyển, lựa chọn học sinh gửi đào tạo diễn viên ca múa.
Thực hiện kế hoạch này, Đoàn ca múa kịch Nghệ An đã tổ chức thông báo rộng rãi, sơ tuyển ưu tiên con em các dân tộc miền núi trong tỉnh Nghệ An, thu hút nhân tài bằng cách nhấn mạnh việc kinh phí học tập do UBND tỉnh cấp, gửi học tại các trường nghệ thuật tại Hà Nội và sau khi đào tạo xong sẽ về công tác tại Đoàn.
Quá trình tuyển chọn diễn ra công khai đã chọn được 15 em là con em đồng bào các dân tộc thiểu số ở các huyện miền núi và được gửi đi đào tạo tại Trường Cao đẳng múa Việt Nam, bậc trung học, chuyên ngành múa, hệ đào tạo 4 năm. Kinh phí UBND tỉnh Nghệ An cấp trọn gói cho khóa học này là 255 triệu đồng.
Sau thời gian học tập và đặc biệt là giai đoạn 2 năm thực hành tại Đoàn ca múa nhạc dân tộc Nghệ An, các em đã tham gia biểu diễn đóng góp nhiều chương trình, là xương sống của đoàn trong chương trình biểu diễn phục vụ đồng bào các dân tộc miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo và biên giới. Mỗi em, hằng tháng được địa phương hỗ trợ 1 triệu đồng để trang trải cuộc sống. Đến tháng 6/2014, các em đã hoàn thành khóa học 4 năm và nhận bằng tốt nghiệp.
Ngày về bơ vơ
Theo chủ trương ban đầu, toàn bộ 15 em này sẽ được nhận vào Đoàn ca múa nhạc dân tộc công tác. Tuy nhiên, số lượng biên chế của đoàn hiện nay đã đủ với 45 người. Nguồn cấp 1 triệu đồng hỗ trợ hằng tháng của UBND tỉnh Nghệ An cũng đã hết.
Nguồn thu tích lũy của Đoàn không đủ chi phí trang trải, không đủ khả năng chi hỗ trợ cho các em trong thời gian chờ đợi buộc đơn vị chủ quản phải trình xin UBND tỉnh Nghệ An tiếp tục hỗ trợ cho các em trong 6 tháng cuối năm với số tiền 90 triệu đồng. Số tiền này cũng sẽ bị cắt vào đầu năm 2015 nếu Đoàn không tiếp tục xin hỗ trợ.
Hiện cuộc sống của các em rất khó khăn, hầu hết được cho ở miễn phí trong khu tập thể của đoàn. Em Lô Thị Niệm(quê huyện miền núi Con Cuông) tâm sự: Ngày mới tốt nghiệp cấp 3, nhận được thông tin thi tuyển diễn viên múa được cho đi học với lời hứa hấp dẫn, sau khi tốt nghiệp sẽ có công ăn việc làm nên em quyết định đi theo nghiệp múa.
Lô Thị Đ. (người dân tộc Thái) quê ở huyện miền núi Quế Phong cho biết, khi còn học lớp 9, chuẩn bị tham gia lớp thiếu sinh quân thì có thông tin về lớp đào tạo diễn viên múa nên em đi thi tuyển và được đi học. Tuy nhiên, không như viễn cảnh được thông báo như ban đầu.
Em Lô Thị Châu (quê ở xã Châu Kim, huyện Quế Phong) cho biết, hằng tháng bố mẹ em đều phải chu cấp thêm nguồn kinh phí để toan lo cuộc sống. Được biết, hầu hết 15 em đều có hoàn cảnh gia đình cực kỳ khó khăn. Để giúp các em hoàn thành 2 năm học tại Hà Nội các em phải vay thêm vốn sinh viên để trang trải học hành, và đến thời điểm này chưa có em nào trả được khoản nợ ngân hàng.
Ông Đặng Đình Mười, Phó trưởng Đoàn ca múa kịch dân tộc Nghệ An cho biết, Đoàn đang tham mưu cho UBND và Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An tìm cách giải quyết.
Ông Phạm Tiến Dũng, Phó giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết: Để giải quyết vấn đề này, Sở VH-TT&DL đã có tờ trình và đã được UBND tỉnh Nghệ An thông qua và sẽ trình HĐND tỉnh vào kỳ họp đầu năm 2015 sắp tới.
Ông Đinh Xuân Lâm - Phó giám đốc Sở Nội vụ cho biết, Sở này cũng đồng ý với giải pháp của Sở VH-TT&DL Nghệ An đưa ra, đồng thời giao cho Đoàn ca múa kịch dân tộc rà soát lại danh sách biên chế chính thức để có hướng giải quyết thấu đáo.