Cựu HLV Thái Lan Wittaya Laohakul hiện đang chịu trách nhiệm đánh giá cơ cấu phát triển cầu thủ ở châu Á cho LĐBĐ châu Á (AFC). Mới đây trên trang Matichon, ông tiết lộ Việt Nam được coi là một trong những mô hình phát triển học viện tốt nhất trên thế giới. Một trong điểm nổi bật là các trung tâm đào tạo bóng đá trẻ của Việt Nam xây dựng nền tảng với một phong cách, triết lý bóng đá riêng. Ngoài ra còn được hỗ trợ bởi đội ngũ HLV, chuyên gia nước ngoài có tư duy hiện đại.
Ông Laohakul, người từng là Giám đốc kỹ thuật của LĐBĐ Thái cũng cho biết, theo kết quả đánh giá mới nhất, hệ thống Học viện của Việt Nam được xếp loại chất lượng 3 sao, tương đương lò đào tạo của Bayern, Dortmund ở châu Âu hay Học viện Aspire của Qatar. Điểm của Việt Nam thậm chí cao hơn cả Nhật Bản, chỉ được xếp loại 2 sao.
Ông Wittaya Laohakul, chuyên gia của AFC trong việc đánh giá các Học viện ở châu Á. |
Đây là sự ghi nhận từ AFC, đồng thời cho thấy bóng đá Việt Nam đang phát triển bền vững. Những thành công của ĐT Việt Nam thời gian gần đây không phải hiện tượng. Các thế hệ tài năng mới tiếp tục được sản sinh trên khắp dải đất hình chữ S, và những chiến tích của U23 hay U19 Việt Nam ở giải đấu cấp khu vực hoặc châu Á là minh chứng sống động. Đồng thời, được sự thừa nhận của bạn bè quốc tế.
Vào hôm qua, truyền thông Trung Quốc cũng đưa tin về việc U19 Việt Nam lọt vào bán kết U19 Đông Nam Á. Theo kiểu “nhìn người mà ngẫm đến ta”, trang 163 viết rằng “Trung Quốc có lý do để lo lắng trước sự lớn mạnh của những nền bóng đá vẫn bị coi là yếu hơn”, và coi lứa U19 Việt Nam sẽ là “đối thủ đáng gờm của Trung Quốc trong tương lai”.
Trở lại với Thái Lan, những năm qua họ đang theo đuổi kế hoạch “Con đường Thái Lan” trong việc đào tạo cầu thủ trẻ. Mặc dù vậy sự phát triển bị cho là thiếu nhất quán và không có một hệ thống được tiêu chuẩn hóa. Ông Laohakul sợ rằng thế hệ sắp tới của Thái Lan sẽ kém hơn nhiều so với Việt Nam.