Học trò phố núi và những sáng chế độc đáo

Ba em Luân, Thông, Khang (từ trái sang phải).
Ba em Luân, Thông, Khang (từ trái sang phải).
TP - Có chung niềm đam mê sáng tạo, 3 cậu học trò Thông, Khang, Luân (cùng SN 1997, học lớp 12A2, Trường THPT Lê Hữu Trác, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk) bắt tay nghiên cứu, cho ra đời nhiều sản phẩm độc đáo, vừa đoạt giải Ba tại Cuộc thi khoa học-kỹ thuật cấp quốc gia 2015.

Xe xử lý rác thải…

Chứng kiến lượng rác thải mỗi ngày tuồn ra đường quá nhiều, cách thu gom thủ công mất nhiều thời gian mà hiệu quả không cao, nhóm bạn Lê Đức Thông, Tô Hoàng Khang và Nguyễn Thành Luân nảy ra ý tưởng chế tạo “Mô hình xe môi trường đô thị đa năng”.

Nguyễn Thành Luân cho biết: Mong muốn của nhóm là tạo bằng được chiếc ôtô tích hợp nhiều chức năng vượt trội như: Xe phải có hệ thống tự động quét rác, đưa rác lên - xuống xe, ép rác. Ngoài ra xe còn có bộ phận phun sương chống bụi và tưới nước cho cây xanh. Theo đó, khối lượng rác sẽ được giải quyết mau gọn, sạch sẽ mà không cần nhiều công nhân.

Nói là làm, cả ba bắt tay vạch mô hình, tìm tòi vật liệu lắp đặt. Khó khăn lớn nhất chính là khâu săn tìm thiết bị mô tơ, nhông, răng dĩa… cho phù hợp với bánh xe khi chuyển động. “Tụi em vào các tiệm cơ khí, bãi phế liệu tìm mua, sau đó về nhờ thầy giáo Trương Trung Thành (dạy vật lý trong trường) chỉ cách cắt gọt để các thiệt bị ăn khớp với nhau. Sau 2 tháng trầy trật tiến hành, sản phẩm của tụi em đã ra lò”, Nguyễn Thành Luân hào hứng kể về lần đầu chạy thử nghiệm mô hình. Mang sản phẩm tham gia cuộc thi sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng tỉnh Đắk Lắk lần thứ II năm 2014 (do Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật tỉnh phối hợp với Tỉnh Đoàn, Sở GD&ĐT, Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức), sản phẩm độc đáo “Mô hình xe môi trường đô thị đa năng” của 3 em được Ban tổ chức đánh giá cao, có khả năng ứng dụng, phục vụ cộng đồng, đoạt giải Nhất.

Máy chưng cất rượu hương cà phê

Nhắc đến Đắk Lắk, người ta nghĩ ngay đến thủ phủ nổi tiếng cà phê và đặc sản rượu cần của đồng bào bản địa. Hai thứ đặc sản này trái ngược nhau, cà phê tăng sự tỉnh táo năng động, trong khi rượu cần lại đưa con người ta chìm vào cơn say. Với tình yêu khoa học, đam mê sáng tạo, Lê Đức Thông đã tìm ra điểm cộng hưởng chính là hương thơm nồng vị, cho ra đời ý tưởng mới lạ chế tạo máy chưng cất rượu hương cà phê.

Thông tiếp tục cùng Luân, Khang miệt mài nghiên cứu, triển khai suốt 3 tháng liền. Chiếc máy chưng cất gồm 2 bộ phận: bộ phận nấu (1 chiếc nồi cơm điện) và bộ phận ngưng tụ có ống dẫn. Gạo nấu thành cơm, ủ men 7-8 ngày rồi trộn đều với bã cà phê. Đổ hỗn hợp này vào nồi nấu khoảng 1 giờ đồng hồ, hơi nước thoát ra ngoài qua ống dẫn tới hệ thống làm lạnh là rượu, thơm hương cà phê nồng nàn. Hèm rượu kết hợp với vôi, men vi sinh, phế thải nông nghiệp như vỏ đậu, cà phê, sơ dừa,… đem ủ 20-30 ngày tạo thành phân vi sinh hữu cơ rất tốt cho cây trồng.

Trưởng nhóm Lê Đức Thông chia sẻ: Mô hình này rất dễ triển khai, chỉ hơn 1 triệu đồng người mua sở hữu được chiếc máy vừa có rượu ngon uống, lại có phân hữu cơ tốt cho cây trồng. Mô hình “Chưng cất rượu hương cà phê” đã giành giải Nhì lĩnh vực hóa học và giải Ba Cuộc thi khoa học - kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học năm 2015.

“Dù được nhiều người đánh giá có tính ứng dụng cao nhưng đến nay sản phẩm vẫn chưa được phổ biến rộng. Nhóm đang ấp ủ nhiều ý tưởng sáng tạo mới, hy vọng có nhà đầu tư giúp chúng em biến ước mơ thành hiện thực”, Thông tâm sự.

Cô Nguyễn Thị Tây Thi, Phó Hiệu trưởng trường THPT Lê Hữu Trác nhận xét: Thông, Khang và Luân là 3 học sinh chuyên cần, thông minh. Vừa rồi, Thông và Luân được Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh và Đại học FPT tuyển thẳng. Luân ước mơ trở thành công an nên quyết tâm thi vào Đại học Cảnh sát Nhân dân, còn Khang muốn trở thành kỹ sư công nghệ thông tin.

MỚI - NÓNG