Học sử để có thể làm nên lịch sử

Thí sinh tham gia vòng thi trực tuyến cá nhân trong ngày đầu khai mạc cuộc thi “Tự hào Việt Nam”.
Thí sinh tham gia vòng thi trực tuyến cá nhân trong ngày đầu khai mạc cuộc thi “Tự hào Việt Nam”.
TP - Sáng 8/11, tại Hà Nội diễn ra Lễ khai mạc cuộc thi tìm hiểu lịch sử, văn hóa dân tộc với chủ đề “Tự hào Việt Nam”. Đây là lần đầu tiên môn Lịch sử được T.Ư Đoàn, Bộ GD&ĐT phối hợp tổ chức thi cho học sinh THPT, trung tâm giáo dục thường xuyên trên cả nước bằng hình thức thi trực tuyến và sáng tác video clip.

Nội dung cuộc thi gồm những kiến thức về lịch sử, văn hóa Việt Nam; các anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa, anh hùng liệt sĩ, những người Việt Nam tiêu biểu xuất sắc trên các lĩnh vực; các thành tựu của đất nước trong thời kỳ đổi mới. Tất cả những kiến thức này được ban tổ chức cuộc thi thể hiện bằng ngân hàng câu hỏi phong phú, đa dạng qua hình thức thi trực tuyến. Phần thi gồm 4 phần: Theo dòng lịch sử; hành trình đến địa chỉ đỏ; danh nhân đất Việt; tự hào Việt Nam. Cuộc thi được thiết kế thời gian linh động phù hợp với điều kiện của học sinh trên mọi vùng miền đất nước. Theo đó, mỗi tuần, mỗi thí sinh được tham gia tối đa 2 lần thi.

Học sử để có thể làm nên lịch sử

Phát biểu tại lễ khai mạc, anh Lê Quốc Phong, Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội SVVN, nhấn mạnh: “Lịch sử, văn hóa dân tộc có vai trò đặc biệt quan trọng, là nền tảng tinh thần của xã hội, điểm tựa của dân tộc và là động lực phát triển của mỗi quốc gia. Quốc gia nào biết giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, biết tìm hiểu và tôn trọng quá khứ thì quốc gia đó sẽ tìm được con đường phát triển bền vững ở hiện tại và tương lai. Với thế hệ trẻ, đặc biệt là các bạn học sinh, hiểu lịch sử, văn hóa dân tộc, giúp chúng ta hiểu biết về quá khứ, cội nguồn, qua đó nuôi dưỡng, vun đắp lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc, ý thức bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa, ý thức trách nhiệm với quê hương, đất nước” .

Anh Phong cho hay, Ban tổ chức đã sáng tạo, thiết kế cuộc thi bằng hình thức hiện đại, phù hợp với lứa tuổi học sinh, giúp các em tiếp cận với môn Lịch sử (môn học vốn bị cho là khô khan, khó học) một cách nhẹ nhàng, thoải mái, hấp dẫn nhất. “Học sử không phải là học thuộc lòng các sự kiện diễn ra; lịch sử không chỉ là những sự kiện, con số, mà còn là những câu chuyện, những con người và biết bao bài học quý báu chứa đựng tinh hoa trí tuệ của cha ông trong suốt chiều dài dựng nước và giữ nước. Thanh niên học sử để có thể làm nên lịch sử dân tộc”, anh Phong nhấn mạnh.

Thế giới coi trọng môn Lịch sử

PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ, nguyên Phó trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư, cố vấn cuộc thi, cho rằng, thực tế hiện nay, đa số học sinh không mấy mặn mà, thậm chí là e ngại học bộ môn Lịch sử. Điều đó cũng đặt ra vấn đề nhức nhối cho những người quản lý, những người làm công tác giáo dục phải đổi mới, tìm ra phương pháp dạy và học bộ môn này sao cho gần gũi, hấp dẫn các em. Cuộc thi tìm hiểu lịch sử, văn hóa dân tộc “Tự hào Việt Nam” có thể xem là một tín hiệu, một sự khởi đầu cho sự đổi mới, sáng tạo trong việc học và thi Lịch sử thu hút học sinh tham gia một cách tự nguyện đầy hào hứng.

“Học và hiểu lịch sử dân tộc là điều hết sức quan trọng. Các nước phát triển trên thế giới rất coi trọng điều này, 20/25 nước châu Âu đưa môn Lịch sử trở thành môn học bắt buộc trong nhà trường. Ở những nước như Hàn Quốc, chính phủ đứng ra chủ trì biên soạn, xuất bản sách Lịch sử, trong đó lịch sử dân tộc là môn học bắt buộc cho tất cả học sinh Hàn Quốc, còn lịch sử thế giới là môn học tự chọn. Việt Nam có bề dày lịch sử hàng ngàn năm càng cần phải đưa bộ môn Lịch sử trở thành môn học bắt buộc trong nhà trường”, PGS.TS Vỳ nói.

Theo PGS.TS Vỳ, thế hệ trẻ Việt Nam là thế hệ công dân toàn cầu. Trong quá trình hội nhập, những công dân toàn cầu phải luôn luôn biết tự hào về lịch sử truyền thống oai hùng của dân tộc và biết quảng bá tinh hoa dân tộc ra toàn thế giới.

Dẫn 250 học sinh của trường tham gia cuộc thi “Tự hào Việt Nam”, cô giáo Trịnh Thanh Thúy, giáo viên bộ môn Lịch sử Trường THPT Trần Phú (Hà Nội), chia sẻ, những học sinh được lựa chọn tham gia cuộc thi đều là những em học khá môn Lịch sử, nhiều em là cán bộ đoàn, lớp. “Việc lựa chọn những học sinh này đi thi, ngoài việc tranh tài tại cuộc thi, tôi mong mỗi em sẽ là một tuyên truyền viên về truyền đạt, truyền cảm hứng đam mê học sử cho các bạn còn lại trong trường”, cô Thúy nói.

Tham dự vòng thi trực tuyến ngay sau buổi lễ khai mạc, Trần Bảo Anh, học sinh 10D6, trường THPT Trần Phú (Hà Nội) hào hứng kể, từ khi biết đến cuộc thi, Bảo Anh và nhóm bạn rủ nhau cùng tham gia. Ngoài học các kiến thức sách giáo khoa, Bảo Anh lên mạng tìm kiếm thêm thông tin, đồng thời lập nhóm trên Facebook để thường xuyên trao đổi, chia sẻ kiến thức với các bạn nhằm đạt kết quả tốt nhất tại cuộc thi.

Sáng 8/11, 63/63 tỉnh, thành trên cả nước cùng đồng loạt tổ chức lễ khai mạc cuộc thi tìm hiểu lịch sử, văn hóa dân tộc “Tự hào Việt Nam”. Cuộc thi diễn ra với 2 phần thi: Trực tuyến cá nhân và sáng tác video clip. Trong đó, phần thi sáng tác video clip là phần thi đầy sáng tạo, các em học sinh thoải mái thể hiện sự hiểu biết, tình cảm của mình về lịch sử văn hóa dân tộc bằng những hình ảnh sinh động. Cuộc thi dự kiến kết thúc ngày 17/1/2016. Học sinh truy cập www.tuhaovietnam.com.vn để theo dõi và tham gia cuộc thi.

MỚI - NÓNG