Học sinh bảo vệ môi trường, gây quỹ từ ‘Nhà tái chế’

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Vỏ hộp sữa, chai nhựa, giấy vụn được học sinh một trường trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk gom lại, sau mỗi giờ học mang đến Nhà tái chế của trường. Nguồn kinh phí thu được từ phế liệu này dùng thực hiện phong trào và các hoạt động đội, thiện nguyện.

Mô hình “Nhà tái chế” đã giúp học sinh Trường TH và THCS Nguyễn Khuyến (thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) hình thành thói quen, ý thức bảo vệ môi trường xanh.

Học sinh bảo vệ môi trường, gây quỹ từ ‘Nhà tái chế’ ảnh 1
Học sinh làm các mô hình, vật dụng hữu ích từ vật liệu tái chế

"Ngôi nhà tái chế” được làm bằng khung thép không gỉ, lợp mái tôn, xung quanh bọc lưới chắc chắn, được trang trí đẹp mắt và chia làm 3 ngăn, phía trước mỗi ngăn có khe hở với dòng chữ hướng dẫn: vỏ lon, giấy vụn, chai nhựa để học sinh dễ dàng phân loại rác thải.

Ngôi nhà này được đặt tại một góc phía trước sân trường, thuận tiện cho học sinh dễ dàng bỏ rác.

Học sinh bảo vệ môi trường, gây quỹ từ ‘Nhà tái chế’ ảnh 2

Mô hình nhà tái chế hình thành cho học sinh ý thức bảo vệ môi trường xanh

"Ngôi nhà tái chế" được triển khai đầu năm học 2022, qua mô hình hình thành cho các em học sinh của trường thói quen tự giác. Mỗi giờ ra chơi, hay tan trường, khi đi trong trường bắt gặp bất kì loại rác nào các em đều nhặt để vào đúng khu vực quy định.

Tại mỗi lớp học, nhà trường bố trí các thùng đựng rác mang thông điệp tuyên truyền thiết thực và ý nghĩa. Giúp học sinh bỏ rác, đồng thời phân loại từng loại rác thải. Sau mỗi buổi học, các lớp sẽ đưa rác đến “Nhà tái chế” của trường.

Học sinh bảo vệ môi trường, gây quỹ từ ‘Nhà tái chế’ ảnh 3

Các phế liệu được tận dụng làm các mô hình, vật dụng hữu ích

Nhà trường tổ chức hướng dẫn học sinh phân loại rác thải bao gồm: rác thải nhựa, rác thải giấy vụn, rác thải hữu cơ.... giúp các em học sinh biết phân loại rác thải, hạn chế rác thải nhựa, vứt rác đúng nơi quy định.Từ đó, các em sẽ có ý thức tự giác hơn trong việc bảo vệ môi trường.

Học sinh bảo vệ môi trường, gây quỹ từ ‘Nhà tái chế’ ảnh 4

Thùng rác đặt tại lớp học

Ngoài ra, các loại phế liệu này còn được tận dụng ở tiết học công nghệ, ngoại khoá. Học sinh sẽ được các giáo viên hướng dẫn làm mô hình, vật dụng trang trí dễ thương.

Qua bàn tay khéo léo của học sinh, bìa cát tông, ống hút hộp sữa biến thành các mô hình ngôi nhà thân thiện hiện ra với các thiết kế sinh động, đẹp mắt. Chai nhựa được các em làm thành lồng đèn, chậu cây xinh xắn.

Học sinh bảo vệ môi trường, gây quỹ từ ‘Nhà tái chế’ ảnh 5

Thông điệp tuyên truyền bên ngoài thùng đựng rác tại lớp học

Cô Phan Thị Thùy Trang, Tổng phụ trách Đội trường TH và THCS Nguyễn Khuyến cho biết, “Ngôi nhà tái chế” là hình thức khuyến khích học sinh phân loại và thu gom rác thải hiệu quả. Sau khi triển khai mô hình các em học sinh trong nhà trường đón nhận rất tích cực, qua đó đã hình thành cho các em thói quen tự giác.

Học sinh bảo vệ môi trường, gây quỹ từ ‘Nhà tái chế’ ảnh 6

Cuối giờ học sinh sẽ mang rác ra nhà tái chế phân loại

Theo cô Trang, từ việc thu gom rác thải hằng ngày, Liên đội tổng hợp thành quả theo kỳ, bán gây quỹ thực hiện phong trào và các hoạt động Đội. “Ngôi nhà tái chế” là hình thức khuyến khích học sinh phân loại và thu gom rác thải rất hiệu quả, góp phần giáo dục học sinh ý thức tiết kiệm, tình yêu lao động, trách nhiệm đối với cộng đồng về bảo vệ môi trường. Mô hình đang có sức lan tỏa khắp liên đội, góp phần xây dựng trường lớp xanh-sạch-đẹp-văn minh.

Học sinh bảo vệ môi trường, gây quỹ từ ‘Nhà tái chế’ ảnh 7

Mô hình ngôi nhà từ vỏ thùng sữa

Sau hơn 1 năm triển khai, mô hình mang lại ý nghĩa rất tích cực, qua đó giáo dục học sinh về hành vi, thái độ, thói quen giữ gìn bảo vệ môi trường. Từ đó hình thành nhân cách tốt đẹp và lối sống văn minh, văn hóa cho thế hệ trẻ ngay từ cấp học, bậc học nhỏ nhất.

MỚI - NÓNG