Học phí trường chất lượng cao sẽ tăng ngất ngưởng

Học phí cao, chất lượng có cao? Ảnh minh họa.
Học phí cao, chất lượng có cao? Ảnh minh họa.
Tới đây, năm học 2018-2019, mức trần học phí cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao (CLC) sẽ cao gấp 100 lần so với các trường công lập bình thường.

Tăng… ngất ngưởng

Theo nghị quyết đã được thông qua, mức trần học phí mầm non, tiểu học CLC năm 2016 - 2017 là 3,9 triệu đồng, năm 2017 - 2018 là 4,3 triệu đồng; năm 2018 - 2019 là 4,7 triệu đồng và năm 2019 - 2020 là 5,1 triệu đồng/tháng. Học phí trần THCS, THPT theo các năm lần lượt là 4,1 triệu đồng, 4,5 triệu đồng, 4,9 triệu đồng; 5,3 triệu đồng/tháng. Được biết, hiện tại học phí trường công CLC ở bậc mầm non trung bình 2,4 triệu đồng/tháng; tiểu học là 2,17 triệu đồng/tháng; THCS ở mức 2,4 triệu đồng/tháng; THPT ở mức 3,4 triệu đồng/tháng.

Theo Sở GD-ĐT Hà Nội, mô hình trường CLC đã đáp ứng nhu cầu đa dạng của xã hội trên cơ sở kết hợp hài hòa giữa nguồn lực đầu tư trọng điểm ban đầu của Nhà nước và nguồn xã hội hóa. Hà Nội phấn đấu giai đoạn 2016 - 2020 đầu tư xây dựng thêm 20 trường công lập CLC, tiếp cận với chuẩn khu vực và quốc tế. Để đạt mục tiêu này, liên Sở GD-ĐT và Sở Tài chính đề xuất mức trần học phí và cơ chế tài chính đối với cơ sở giáo dục công lập CLC.

Hiện Hà Nội đã có 8 trường công lập được công nhận CLC và 4 trường khác đang trong quá trình thí điểm. 5 tiêu chí các trường CLC bao gồm: cơ sở vật chất; đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên; chương trình giảng dạy; phương pháp giảng dạy; các dịch vụ CLC.

Trên thực tế, sau một thời gian triển khai, kết quả giám sát của HĐND thành phố Hà Nội đợt tháng 4/2015 cho thấy, đề án phát triển CLC của một số trường còn hạn chế, không đầy đủ, chưa chỉ ra được lộ trình và cơ chế tài chính dẫn đến tính khả thi chưa cao; Sở GD-ĐT, Sở Tài chính chậm trễ trong việc thực hiện nghị quyết của HĐND thành phố, dẫn đến các trường còn lúng túng...

Theo ông Nguyễn Hữu Độ, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, đề xuất tăng học phí nhằm tạo điều kiện cho các đơn vị trong những năm đầu khi được công nhận CLC có mức thu học phí phù hợp không đột biến với phụ huynh. Ông Độ lý giải, tăng học phí cũng tạo điều kiện cho các trường có thời gian chuẩn bị tâm thế và nguồn lực tài chính tiến tới tự đảm bảo hoạt động chi thường xuyên.

CLC không chỉ là thuê thầy “Tây”?

Thế nhưng, ở góc độ cơ sở đào tạo, PGS. Văn Như Cương - Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh bày tỏ: “Tôi chưa hiểu CLC là cao về cái gì nhưng xem ra thì cao về học phí là chắc chắn. Trường Lương Thế Vinh của tôi là trường tư thục, cũng chỉ thu học phí  từ 1,5-1,6 triệu đồng/tháng. Nhưng với trường công lập CLC, Nhà nước đã đầu tư hết cơ sở vật chất, thiết bị giảng dạy... mà sắp tới thu tới hơn 5 triệu đồng/tháng thì “tiêu” gì cho hết?”.

Theo PGS Văn Như Cương, nếu so với mức học phí các trường công lập bình thường trung bình chỉ khoảng 40-50 nghìn đồng/tháng (học sinh tiểu học được miễn phí), thì mức thu của trường công lập CLC đang cao gấp khoảng 100 lần: “Tôi đọc con số này và rất ngạc nhiên khi thu nhập của đa phần người dân vẫn còn khó khăn, ngay cả có nhu cầu thực sự làm sao đủ điều kiện cho con mình theo học? Đó là chưa kể chủ trương của nền giáo dục nước ta đặt cao về chất lượng chứ không phải vì kinh doanh thu lợi nhuận”.

Đồng thời, PGS. Văn Như Cương cũng thẳng thắn đặt câu hỏi: Thu phí cao gấp 100 lần vậy chất lượng giảng dạy tại trường CLC có gấp 100 lần, khi vẫn áp dụng cùng bộ sách giáo khoa, cùng tiêu chuẩn? Tiêu chí CLC phải rõ ràng, cụ thể theo chương trình học, nếu không thì trường nào cũng có thể tự xưng CLC để tăng nguồn thu, PGS Văn Như Cương kiến nghị.

Đồng quan điểm, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT nhấn mạnh, cần phải minh bạch cả về thu - chi lẫn chất lượng giảng dạy tại các trường CLC. Các tiêu chí phải đảm bảo sáng tỏ thế nào là CLC? Liệu có phải chỉ thuê vài ông “Tây” về dạy ngoại ngữ  đã trở thành CLC? Về mức thu học phí, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho rằng: Khi đã lập ra mô hình đào tạo CLC thì cũng phải xét phù hợp với hoàn cảnh xã hội, để bất kể gia đình, học sinh nào có nhu cầu cũng có thể tham gia chứ không thể chỉ dành cho một số ít đối tượng con nhà có điều kiện mới được theo học. 

Thực tế, ở tất cả các nước trên thế giới, thị phần dịch vụ giáo dục chất lượng cao là của các trường tư. Còn trường công về cơ bản đảm bảo chất lượng đại trà, đáp ứng chỗ học của đông đảo nhân dân thuộc tất cả các tầng lớp. Trường công vốn sử dụng ngân sách nhà nước, từ tiền thuế đóng góp của toàn dân, dành cho toàn dân, nay một số trường công chuyển thành CLC, học phí cho một em bằng 30-50% lương trung bình của một công chức thành phố bình thường (gia đình thường có 2 con đi học). 

Chỉ cần đặt phép tính, cả thành phố Hà Nội có bao nhiêu học sinh cần đi học, mà có 25 trường CLC thì dạy được bao nhiêu em, hay chỉ là dạy cho người giàu có. Chưa kể, nếu đã là gia đình có điều kiện, họ sẽ tính toán, cân nhắc việc đưa con ra nước ngoài học thay vì chọn giải pháp học trong nước.  

Trước đây, khi Hà Nội đưa ra chủ trương xây dựng 35 trường công CLC ở các cấp với mức học phí lên đến 2,9 - 3 triệu đồng/tháng, nhận được khá nhiều sự phản đối của dư luận. Nhiều ý kiến cho rằng chủ trương này đã vi phạm quyền bình đẳng tiếp cận với hệ thống giáo dục công của học sinh Hà Nội, dịch vụ này chỉ phục vụ cho học sinh nhà giàu. Điều này đồng thời vi phạm Điều 10 Luật Giáo dục Việt Nam, đã là trường công là đã được Nhà nước bao cấp bằng tiền đóng thuế của nhân dân. Thế nhưng, các ý kiến phản biện này dường như không được lắng nghe, Hà Nội lại tiếp tục tăng thêm học phí của trường công CLC? 

Đành rằng, trường CLC là nhu cầu chính đáng trong phát triển giáo dục Hà Nội. Tuy nhiên, các chuyên gia, nhà quản lý giáo dục đều cho rằng, Hà Nội cần có đánh giá chi tiết những trường đã được công nhận, với những trường thí điểm không đạt chất lượng cần chỉ rõ trách nhiệm đối với những hạn chế trong quá trình triển khai. Bên cạnh đó, ngoài việc thu học phí cao, cần tập trung nâng chất lượng giáo dục đáp ứng đúng với bản chất mô hình CLC. Còn TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội nhấn mạnh, bên cạnh việc thu học phí cao, Hà Nội cần phải có chương trình phù hợp để quan tâm các em học sinh khó khăn, học sinh khuyết tật...

Theo Theo Pháp luật Việt Nam
MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.