Nghị định số 86/2015/ngày 2/10 của Chính phủ quy định đối với các trường tự chủ tài chính, mức trần học phí sẽ được phân theo nhóm ngành nghề.
Đồng loạt tăng mạnh
Theo đó, mức học phí bình quân tối đa chương trình đại trà trình độ ĐH hệ chính quy được phép thu từ 11,5-16 triệu đồng trong năm học 2015-2016. Các nhóm ngành nghề khác cao hơn, riêng nhóm ngành y - dược được đề xuất tối đa tới 45 triệu đồng/năm.
Trường ĐH Hà Nội vừa thông báo mức học phí mới khá cao, tăng từ 7,8 triệu đồng/sinh viên (SV) trong năm học 2014-2015 lên 12 triệu đồng năm học 2015-2016 và đến năm học 2016-2017 là 14 triệu đồng. Trường ĐH Ngoại thương có mức thu học phí năm 2015-2016 là 14,5 triệu đồng/SV, năm 2016-2017 tăng lên 16 triệu đồng.
Tại TP HCM, Trường ĐH Kinh tế TP có mức học phí bình quân đối với các chương trình đại trà là 14,5 triệu đồng năm học 2015-2016 và năm học 2016-2017 sẽ lên tới 16,5 triệu đồng. Tại Trường ĐH Tài chính - Marketing, mức thu học phí bình quân tối đa đối với ĐH chính quy năm học 2015-2016 là 14,5 triệu đồng/SV, năm học 2016-2017 là 16,5 triệu đồng...
Mức trần học phí trình độ đào tạo ĐH tại trường công lập đại trà (không tự chủ tài chính) được tính theo 3 nhóm ngành nghề đào tạo là khoa học xã hội, kinh tế, luật, nông - lâm - thủy sản; khoa học tự nhiên, kỹ thuật, công nghệ, thể dục thể thao, nghệ thuật, khách sạn, du lịch; y - dược.
Mức tăng học phí giai đoạn mới của tất cả các nhóm ngành nghề đều 10%/năm tính từ mức trần học phí năm học 2014-2015. Cụ thể, học phí trình độ ĐH tại trường công lập năm học 2015-2016 sẽ dao động từ 605.000-880.000 đồng/tháng tùy nhóm ngành nghề. Với mỗi năm học kéo dài 10 tháng, mỗi SV sẽ đóng từ trên 6-8,8 triệu đồng.
Không tác động lớn
Nhận định về chính sách học phí mới, ông Bùi Hồng Quang, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính - Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), cho rằng không tác động lớn đến người học. Theo ông, việc xây dựng học phí lần này chưa tính đến tăng đồng loạt để bù đắp chi phí. Do hiện nay, kinh tế khó khăn, việc làm và thu nhập của người dân còn thấp nên không thể tăng đại trà học phí.
Đối với các trường ĐH tự chủ tài chính, học phí được xây dựng theo lộ trình như sau: Năm 2016 tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp; năm 2018 tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp và chi phí quản lý. Đến năm 2020, tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý và chi phí khấu hao tài sản cố định.
Đối với các trường ĐH chưa tự chủ, mức thu học phí tăng dần hằng năm khoảng 10%. Đến năm học 2019-2020, mức học phí mới đáp ứng được một phần chi phí đào tạo, phần còn lại do ngân sách nhà nước cấp phát.
GS Nguyễn Minh Thuyết - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội - cho rằng đây là việc không thể không làm nếu muốn cải thiện điều kiện đào tạo, nâng cao chất lượng đào tạo. Cộng cả học phí theo quy định hiện hành và ngân sách nhà nước cấp thì mức chi để đào tạo 1 SV chỉ đạt 200 USD/năm.
Liệu có tiền nào của nấy?
Vấn đề khiến nhiều chuyên gia giáo dục lo lắng là khi học phí tăng, chất lượng giáo dục có tăng tương ứng? Theo GS Nguyễn Minh Thuyết, mục đích tăng học phí là nhằm cải thiện điều kiện học tập, giảng dạy, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo. Nếu tăng học phí mà chất lượng đào tạo không được cải thiện thì cũng vô nghĩa.
Để kiểm soát được hiệu quả tăng học phí, GS Thuyết cho rằng trước hết, các trường phải công khai, minh bạch việc thu và sử dụng học phí của mình, đồng thời cải thiện rõ rệt điều kiện cơ sở vật chất. Đặc biệt, thầy cô phải có trách nhiệm hơn với mỗi giờ lên lớp.
Bên cạnh đó, cần có kiểm định chất lượng đào tạo; dựa vào chất lượng ấy, SV sẽ chọn trường. Trường nào học phí tăng mà chất lượng không cải thiện thì thí sinh sẽ không học. Trên thực tế, hiện không ít trường ra sức mời chào nhưng thí sinh cũng không đến.
Trong khi đó, PGS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cho rằng không phải thực tế lúc nào cũng là tiền nào của nấy, học phí nhiều thì chất lượng đào tạo tăng. Chính vì thế, khi tăng học phí phải minh bạch về tài chính, không được để xảy ra tình trạng trường lợi dụng “tự chủ” để lạm thu.
Theo chuyên gia này, cơ quan quản lý phải yêu cầu các trường làm rõ cơ sở của mức tăng học phí mới, đặc biệt đối với các trường tự chủ tài chính. Ví dụ, trước đây học phí cũ thế nào, trường được nhà nước cấp định mức trên đầu SV bao nhiêu; nay khi tự chủ, học phí mới gồm những khoản chi gì… Vấn đề này cũng phải công khai trên mạng để người học nắm được.
Điều chỉnh học phí theo chỉ số giá tiêu dùng
Theo Nghị định 86, học phí đối với các chương trình giáo dục đại trà cấp học mầm non và giáo dục phổ thông công lập năm học 2015-2016 từ 60.000-300.000 đồng/tháng/học sinh khu vực thành thị; 30.000-120.000 đồng/tháng/học sinh khu vực nông thôn và 8.000-60.000 đồng/tháng/học sinh miền núi.
Từ năm học 2016-2017 trở đi, học phí được điều chỉnh theo chỉ số giá tiêu dùng tăng bình quân hằng năm do Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông báo.