Dỡ gánh nặng học phí cho sinh viên nghèo

Ảnh: Phong Điền. Đồ họa: TQ.
Ảnh: Phong Điền. Đồ họa: TQ.
Bộ GD&ĐT đang cùng các bộ, ngành liên quan trình Chính phủ nâng mức cho vay tín dụng sinh viên.

“Em quyết định xin bảo lưu kết quả học tập, đi làm kiếm tiền sang năm đi học lại” - NHNK, sinh viên (SV) Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, chia sẻ.

Bỗng nhiên tai họa ập đến

K. là thành viên năng nổ, tích cực của đội công tác xã hội trường với nhiều hoạt động ý nghĩa như chương trình Áo trắng chắp cánh ước mơ, Tủ sách sẻ chia… Bởi vậy việc em nghỉ học giữa chừng khi vừa hết năm ba ĐH khiến bạn bè không khỏi bất ngờ. Tìm hiểu mới biết một năm qua nhiều tai họa liên tục đổ xuống gia đình cô SV này. Năm rồi vụ mùa thất bát, ngoại em bị ung thư, cha em nằm bệnh viện do bệnh hiểm nghèo. Hai chị em K. còn đi học, thuê nhà trọ thêm gánh nặng cho gia đình…

Năm đầu học ĐH, K. đăng ký 36 tín chỉ, học phí 140.000 đồng/tín chỉ. Năm nay, học phí đã tăng lên gần gấp đôi: 230.000 đồng/tín chỉ. Với hoàn cảnh gia đình em hiện tại, để có số tiền đó cho em đi học là cả vấn đề. Đó là chưa kể tiền nhà, ăn ở, sinh hoạt phí… Để có tiền trang trải học tập, những năm qua K. đi làm thêm, từ bưng bê, phát tờ rơi đến đánh máy, phụ quán cơm… “Năm nay gia đình em gặp nhiều tai họa, em đi làm kiếm đủ tiền sẽ đi học lại” - K. tâm sự.

Không chỉ K., học phí tăng cũng đã tác động đến việc học của nhiều SV khác. Em PVT, SV năm nhất khoa Thương mại quốc tế Trường ĐH Ngoại thương (Hà Nội), cho biết đầu khóa học em đã đóng 7,5 triệu đồng học phí cho học kỳ I. “Khi đăng ký vào trường, em không nắm được thông tin học phí sẽ tăng gấp đôi. Nếu biết học phí cao như thế này có lẽ gia đình em phải cân nhắc có nên vào trường này không vì tăng học phí nữa sẽ tăng gánh nặng cho cha mẹ” - T. nói.

Nhiều nguồn học bổng

Trao đổi với PV, ông Bùi Quang Hùng, Trưởng phòng Tài chính Kế toán ĐH Kinh tế TP.HCM, cho biết những SV gặp khó khăn trong học tập hãy mạnh dạn trình bày để được giúp đỡ. Trường hợp của em K. có thể đến gặp ông trực tiếp.

Theo ông Hùng, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM đang thực hiện thí điểm đề án tự chủ ĐH. Theo đó, mức học phí dành cho SV khóa mới là 13 triệu đồng/SV/năm. SV các khóa cũ chỉ đóng tăng thêm chưa đến 30% so với mức học phí cũ (5,5 triệu đồng/SV/năm). Học phí được đóng thành hai đợt theo học kỳ. Ngoài ra, có thêm học kỳ hè dành cho những SV có nhu cầu học vượt hoặc trả nợ, cải thiện điểm…

Để hỗ trợ những SV có hoàn cảnh khó khăn nhưng không thuộc diện hộ đói, nghèo, cận nghèo, năm học 2014-2015 trường dành 300 suất học bổng toàn phần (mỗi suất tương đương học phí SV phải đóng trong một học kỳ) và 302 suất học bổng bán phần (bằng 50% học bổng toàn phần). Năm 2015-2016, số suất học bổng này tiếp tục tăng lên.

Ngoài ra, mới đây trường còn liên kết với một ngân hàng thương mại để cho SV vay vốn học tập (không nhất thiết phải có chứng nhận hộ nghèo) với lãi suất tương đương với Ngân hàng Chính sách xã hội. Số tiền được vay bằng mức học phí SV phải đóng, sau mỗi kỳ học sẽ thanh toán trả lại. “Làm hồ sơ nhập học xong, các em chỉ cần mất khoảng 30 phút để hoàn thành thủ tục vay vốn. Trường bảo lãnh phần nợ gốc cho SV” - ông Hùng nói.

Theo đại diện phòng Đào tạo Trường ĐH Ngoại thương Hà Nội, trường vừa được Chính phủ cho thí điểm tự chủ tài chính. Theo đó, bắt đầu từ đợt tuyển sinh năm nay (khóa 54 của trường), học phí sẽ tăng hơn gấp đôi. Cụ thể, SV khóa 53 đóng 180.000 đồng/tín chỉ (học phí khoảng 7 triệu đồng/năm học) thì khóa 54 đóng 370.000 đồng/tín chỉ (tổng học phí khoảng 14,5 triệu đồng/năm học). Dự kiến năm học 2016-2017, học phí của trường sẽ tăng lên 16 triệu đồng/năm học.

Vị đại diện này cho biết bên cạnh việc miễn, giảm học phí cho các đối tượng theo quy định, nhà trường có chương trình học bổng dành cho SV có kết quả học tập tốt. Theo đó, mỗi năm nhà trường sẽ cấp học bổng cho khoảng 8% tổng số SV toàn trường.

Chưa SV nào phải nghỉ vì học phí

Tuy nhiên, mức học bổng của hầu hết các trường mới chỉ bằng mức học phí nên chưa thể bù đắp những chi phí sinh hoạt khác của SV. Do vậy, hầu hết SV nghèo đều tìm đến chương trình tín dụng SV.

Hiện nay, mức vay tín dụng SV tối đa là 1,1 triệu đồng/SV/tháng. Theo các phụ huynh và SV, mức vay này mới chỉ trang trải được 20%-30% chi phí học tập và sinh hoạt của SV nên SV nghèo vẫn gặp nhiều khó khăn trong học tập. Nay với Nghị định 86/2015 của Chính phủ về điều chỉnh mức học phí ở các trường công lập từ năm học 2015-2016, rõ ràng khó khăn của SV nghèo càng thêm chồng chất nếu không tăng mức vay.

Trao đổi với PV, ông Trần Văn Tiên, Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh TP.HCM, cho biết thời gian qua, tất cả hộ gia đình học sinh, SV có nhu cầu và đủ điều kiện vay vốn đều được chi nhánh ngân hàng giải quyết. “Trong suốt tám năm qua (từ 2007, năm chương trình tín dụng SV ra đời - PV), chưa phát hiện có trường hợp học sinh, SV nào vì không có tiền đóng học phí mà phải nghỉ học” - ông Tiên khẳng định.

Ông Tiên đồng tình với đề xuất nâng mức cho vay để đáp ứng một phần nhu cầu thiết yếu của học sinh, SV. “Tôi được biết các bộ, ngành liên quan đang khẩn trương soạn thảo trình Chính phủ đề nghị nâng mức cho vay tín dụng SV, có khả năng mức cho vay mới sẽ được thực hiện từ năm học 2015-2016 này” - ông Tiên cho biết.

Sẽ nâng mức vay tín dụng sinh viên

Ngày 20/10, trả lời câu hỏi của PV về việc sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 86 về điều chỉnh mức học phí, Bộ GD&ĐT có đề xuất nâng mức vay vốn cho học sinh, SV vì mức vay hiện nay không còn phù hợp (tối đa 1,1 triệu đồng/SV/tháng), ông Bùi Hồng Quang, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ GD&ĐT), cho biết: “Bộ GD&ĐT đang xây dựng thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 86 để sớm ký ban hành trong thời gian sớm nhất. Trong đó có việc điều chỉnh mức cho SV vay do Bộ Tài chính sẽ chủ trì. Hiện tại mức cho vay còn thấp nên sẽ được điều chỉnh”.

60.000 là số lượt học sinh, SV được vay vốn học tập tại Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh TP.HCM từ năm 2007 (năm thực hiện Quyết định 157 của Chính phủ về tín dụng cho học sinh, SV) đến nay với tổng vốn vay 1.028,2 tỉ đồng.

Theo Theo Pháp Luật TPHCM
MỚI - NÓNG