Bất ngờ khan hiếm SGK - kỳ 3

Học liệu ngoài sách giáo khoa, miếng bánh béo bở

NXBGDVN quy định SGK không được trả lại, bán hết thì lãi, bán ế thì lỗ, các nhà sách phải chịu. Ảnh:Như Ý.
NXBGDVN quy định SGK không được trả lại, bán hết thì lãi, bán ế thì lỗ, các nhà sách phải chịu. Ảnh:Như Ý.
TP - 'SGK đi kèm sách bài tập như hiện nay là không phù hợp. Cách làm như vậy là người viết sách, in sách đã thiên về kinh doanh mà xem thường yếu tố giáo dục', GS.TS Phạm Hồng Tung, chủ biên môn Lịch sử, Chương trình GDPT tổng thể nhấn mạnh.

GS.TS Phạm Hồng Tung, chủ biên môn Lịch sử, Chương trình GDPT tổng thể cho rằng: “Việc in sách bài tập đi kèm SGK chỉ dùng một lần là không phù hợp. Thay vào đó, giáo viên cần sáng tạo giao bài tập phù hợp cho từng đối tượng học sinh thay vì một cuốn sách chung như hiện nay”. Cách làm như vậy là người viết sách, in sách đã thiên về yếu tố kinh doanh, GS Tung nhận định.

Chương trình của Bộ GD&ĐT, một bộ SGK lớp 3 như hiện nay gồm 14 môn học trong đó gồm SGK và vở bài tập môn học đi kèm lên tới 25 cuốn. Ví dụ, môn Tiếng Việt gồm 2 cuốn là: Tiếng việt 3/1; Tiếng Việt 3/2 thì sẽ gồm hai cuốn vở tài tập Tiếng Việt 3/1 và Vở bài tập Tiếng Việt 3/2; Vở tập viết chữ đẹp 3/1; Vở tập viết chữ đẹp 3/2; Vở luyện tập cơ bản và nâng cao Tiếng Việt 3/1… Trọn bộ sách 25 cuốn có giá 299.000 đồng, trong khi đó nếu chỉ tính riêng SGK cơ bản như: Toán, Tiếng Việt, SGK Tự nhiên và Xã hội, Thực hành thủ công… chỉ có giá chưa đến 60.000 đồng.

Một giáo viên Trường tiểu học Nam Trung Yên (Hà Nội) cho biết, ở lớp mình, dù không yêu cầu nhưng những gia đình có điều kiện một học sinh có tới 2 bộ SGK. Trong đó, một bộ để ngay ngăn bàn của lớp và một bộ để ở nhà cho học sinh khỏi phải mang đi mang về.

Bà Lê Thị Thúy Nga, Hiệu trưởng Trường THCS Dịch Vọng, quận Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết, cuối mỗi năm học, trường cho học sinh đăng ký mua sách. Đa số học sinh ở trường đều được trang bị bộ SGK mới, trong đó mỗi môn học có một cuốn SGK cơ bản và đi kèm là sách bài tập.

Bà Nga cũng cho rằng: “Không nên in kèm SGK là sách bài tập và cho học sinh viết vào đó là rất lãng phí. Những năm trước, sách cũ của học sinh có thể đem đi từ thiện thì nay cũng không làm được vì học sinh đã viết, vẽ vào đó. Phải tính toán làm sao,chứ mỗi năm có hàng triệu bộ sách đi vào hàng đồng nát là rất lãng phí”, bà Nga nói.

Cần quản lý chặt học liệu, tránh kẽ hở để trục lợi

GS Phạm Hồng Tung cho biết, để chuẩn bị biên soạn chương trình, SGK mới, ông từng làm việc với đội ngũ chuyên gia làm SGK của các nước trên thế giới. Theo đó, hiện nay có hai mô hình làm SGK. Mô hình một là mỗi môn học có một cuốn SGK rất dày, trong đó tổng hợp toàn bộ kiến thức môn học, câu hỏi gợi ý, bài tập, dữ liệu hình ảnh, copy các văn bản liên quan nội dung bài học... Dạng sách 1 cuốn này có ưu điểm là đầy đủ các nội dung cần thiết cho học sinh, sinh động, gây hứng thú cho học sinh học chuyên sâu. Tuy nhiên, nhược điểm là dày, nặng, học sinh khó có thể mang đi mang về.

Mô hình hai là SGK mỏng, trong đó SGK bao gồm kiến thức cơ bản và sẽ có các cuốn học liệu đi kèm. Với dạng sách này, ưu điểm là sách nhẹ, rẻ, học sinh có thể sở hữu và đánh dấu, dán nhãn… Tuy nhiên, khi đã có học liệu đi kèm lại dễ dàng thay đổi.

Đặc biệt, trong xu hướng học liệu mở như hiện nay, đây sẽ là kẽ hở để các nhà xuất bản trục lợi, “sáng tạo” nhiều học liệu, cắt cúp chỗ này, bỏ sang chỗ kia để in mới. Trong khi có nhiều tài liệu, giáo viên có thể gợi ý cho học sinh cuốn này hay, cuốn khác hay, phụ huynh lại phải đi mua. Điều này, trở thành miếng mồi béo bở cho các nhà xuất bản và là gánh nặng cho các phụ huynh nghèo.

“Chưa kể, trong một lớp học, có học sinh nhà khá giả sẽ được bố mẹ mua cho nhiều sách học liệu đi kèm, trong khi con nhà khó khăn chỉ có nhõn SGK. Vô hình chung, tạo cảm giác bị đối xử không công bằng, gây ức chế tâm lý cho học sinh. Đây là điều không nên tồn tại trong trường học”, GS Tung nói.

Chính vì thế, theo ông Tung, việc phát hành SGK và học liệu nào được phép cần có sự quản lý của cơ quan chức năng. Cụ thể ở đây là Bộ GD&ĐT, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam cần quản lý từ chuyên môn, nếu phát hiện các cuốn sách học liệu vi phạm nguyên tắc phải xử phạt nặng. Vì sắp tới, khi có một chương trình, nhiều bộ SGK nếu không quản lý chặt sẽ rất phức tạp và là cơ hội làm giàu cho các nhà xuất bản.

 GS Tung dẫn dụ, cách đây không lâu, một nhà xuất bản dịch cuốn sách về lịch sử nhưng sai rất nhiều chi tiết. Tuy nhiên, cơ quan quản lý không thấy bất kỳ ai lên tiếng. Điều này cho thấy, việc kiểm soát về xuất bản hiện nay chưa chặt chẽ, đặc biệt kiểm soát  về mặt chuyên môn.

Riêng về SGK đi kèm sách bài tập, GS Tung cũng cho rằng, cách làm như hiện nay là không phù hợp. Cách làm như vậy là người viết sách, in sách đã thiên về kinh doanh mà xem thường yếu tố giáo dục. Dù học liệu mở đến đâu cũng phải được quản lý chặt chẽ bằng chuyên môn.

Không in sách bài tập cho học sinh làm kèm trong đó, cũng là phương thức để giáo viên phải tự soạn các bài tập phù hợp với trình độ, đặc điểm của học sinh từng vùng, miền. “Ví dụ môn Lịch sử, bài tập giáo viên giao cho học sinh ở Hà Tĩnh phải khác học sinh ở Hải Dương vì điều kiện địa lý, lịch sử từng vùng khác nhau”, GS Tung nói.

Nhiều nước học sinh không phải mua SGK

Ông Tung cho biết , nhiều nước trên thế giới, nhà nước và nhà trường lo hết SGK cho học sinh. Ví dụ ở Ðức, học sinh vào thư viện, tự tra sách và dùng xong trả lại đúng chỗ. Nếu Việt Nam cũng làm được như vậy, mỗi trường học, lớp học đều có sẵn SGK và học liệu cần thiết cho học sinh, hàng năm, phụ huynh không cần phải mua SGK.

Ðến lớp đã có sẵn, học xong sẽ được giáo viên giao bài tập về nhà phù hợp với năng lực, điều kiện từng vùng miền học sinh. Như vậy sẽ đỡ tốn kém, lãng phí hàng nghìn tỷ đồng cho phụ huynh. “Nếu không làm hết được trên toàn quốc, trước mắt chỉ nên tập trung lo SGK, học liệu cho học sinh vùng núi, vùng khó khăn theo cách đó”, ông Tung nói. 

MỚI - NÓNG