Học làm dâu xứ người

Hai cặp vợ Việt chồng Hàn Ảnh: New York Times
Hai cặp vợ Việt chồng Hàn Ảnh: New York Times
TP - Hơn 8h sáng một ngày đầu năm, khuôn viên tòa nhà thuộc Tổng lãnh sự quán Hàn Quốc tại TPHCM tấp nập nhiều cô gái Việt. Chân đi tất mỏng, dép xỏ ngón, áo khoác có mũ trùm đầu, vai mang ba lô, trang phục thường thấy của con gái miền Tây. Họ đến đây tham dự lớp học một ngày về các kỹ năng giúp họ làm vợ, làm dâu xứ người.

Nhập môn

Lớp học có hơn 30 cô gái, giảng viên cũng là nữ. Trong căn phòng được dùng làm giảng đường, ở trên tường người ta cho treo những bức vẽ, hầu hết mô tả cảnh sinh hoạt của phụ nữ Hàn Quốc truyền thống. Việc tham gia những lớp học kiểu này không phải là bắt buộc, nhưng sẽ giúp các cô gái lấy thị thực vào Hàn Quốc nhanh hơn.

Nguyễn Thị Kiều (*), 22 tuổi, đến từ Vị Thủy, Hậu Giang là một trong số các cô gái tham dự lớp học. Cô đã kết hôn với một người đàn ông Hàn Quốc. Chồng cô năm nay 43 tuổi. Kể từ khi kết hôn, Kiều vẫn ở Việt Nam và đã gặp chồng ba lần, tính cả lần gặp gỡ đầu tiên, thông qua mai mối của một người chị họ. Kiều bảo, nghe người chị, kết hôn với chồng người Hàn trước đó và đã qua Hàn Quốc sinh sống nói rằng, “ở bển” dễ sống, cô cũng tò mò. Rồi một lần người chị về thăm quê ở Hậu Giang, dẫn theo một người đàn ông Hàn Quốc ngoài 40 tuổi. Qua “thông dịch viên” là người chị, Kiều bắt đầu làm quen với anh Hàn Quốc có số tuổi lớn gấp đôi mình. “Thấy ảnh hiền lành nên cũng thích”, Kiều nói. 

“So với Việt Nam, diện tích Hàn Quốc như thế nào”. “Đúng rồi, nhỏ hơn”.

 “Nhưng sao các em từ một nước lớn hơn lại thích qua sống ở một nước nhỏ hơn?”, giảng viên Quế Nguyên đặt câu hỏi. Cả lớp, hơn 30 cô gái, tất cả đã kết hôn với người Hàn, không thấy ai trả lời.

Đám cưới diễn ra ngay sau đó. Cưới xong, ở với nhau ít ngày, anh chồng Hàn của Kiều phải về nước. Được cái, chồng Kiều gọi điện cho vợ hằng ngày thông qua internet. Khác biệt ngôn ngữ, họ dùng cử chỉ, điệu bộ thay thế, thông qua hình ảnh web camera. Kiều cười với chồng, chồng Kiều cũng cười lại, vẫy tay. Vài tháng sau, chồng lại từ Hàn Quốc bay qua Việt Nam thăm cô.
Học làm dâu xứ người ảnh 1

Lớp học được tổ chức tại Tổng lãnh sự quán Hàn Quốc tại TPHCM . Ảnh: Nguyễn Dũng

Lần đầu tiên gặp lại nhau với tư cách là vợ chồng, tại sân bay Tân Sơn Nhất, Kiều và chồng cũng chỉ biết nhìn nhau cười ngượng nghịu bởi cả hai vẫn chưa nói được ngôn ngữ của đối tác.

Rồi sau đó, khi chồng quay về nước, Kiều, đã học hết lớp 8 phổ thông, nay đi học tiếng Hàn và đăng ký tham dự khóa đào tạo dành cho cô dâu người Việt.

Vợ Việt chồng Hàn

“Thủ đô của Hàn Quốc là thành phố nào”, giảng viên hỏi cả lớp. “Seoul”, họ đồng thanh. “Đúng rồi, vậy cờ Hàn Quốc được gọi là gì”. Cả lớp có vẻ lúng búng. “Đó là Taegeukgi, tức là Thái cực kỳ, hay lá cờ thái cực”. “Ai lập ra thủ đô Seoul?”. “À đúng rồi, đó là vua Sejong”. “So với Việt Nam, diện tích Hàn Quốc như thế nào”. “Đúng rồi, nhỏ hơn”. “Nhưng sao các em từ một nước lớn hơn lại thích qua sống ở một nước nhỏ hơn?”, giảng viên Quế Nguyên đặt câu hỏi. Cả lớp, hơn 30 cô gái, tất cả đã kết hôn với người Hàn, không thấy ai trả lời.

Trong buổi sáng hôm ấy, các cô được học những nét khái quát về đất nước Hàn Quốc. Giảng viên nhấn mạnh những khái niệm thủ đô hay đô thị đặc biệt Seoul và 6 thành phố trực thuộc trung ương với những cái tên Busan, Daegu, Incheon, Daejeon, Guangju và Ulsan. (Trước khi tham dự lớp học, hầu hết các cô dâu Việt tại đây đều đã học tiếng Hàn). Bên cạnh các thành phố lớn, Hàn Quốc có 8 tỉnh. “Các em phải nhớ kỹ địa chỉ của chồng, tức là nơi chồng ở và mình sẽ đến đó ở, chứ không phải là địa chỉ thường trú trên giấy tờ của chồng. Và phải nhớ kỹ mình ở thành phố nào, tỉnh nào, phòng trường hợp đi lạc hay những lúc cần phải liên lạc khi gặp sự cố”, giảng viên dặn dò. Bởi đã từng có nhiều cô dâu Việt không thể xác định được địa chỉ chính xác để cầu viện sự giúp đỡ khi có điều không may xảy ra nơi đất khách quê người. “Tuy chỉ có 8 tỉnh, nhưng mỗi tỉnh ở Hàn Quốc có thể có vài chục thành phố, nên ngoài tên thành phố, cần nhớ nó thuộc tỉnh nào”, giảng viên nói.

Giảng viên Quế Nguyên cho hay đã làm công tác này gần ba năm. Chị nói số cô dâu Việt kết hôn với người Hàn, tham gia các lớp học kỹ năng ngày càng tăng. Với quan sát của chị, đa số lấy chồng nước ngoài là do hoàn cảnh gia đình, tìm cơ hội thay đổi cuộc sống, đổi đời. Theo chị Quế Nguyên, sự đổ vỡ của một số cặp vợ chồng Việt-Hàn là do ý thức, nhận thức kém và lớn hơn cả là bất đồng về văn hóa, ngôn ngữ. “Ví dụ người Hàn ăn cơm không bao giờ cầm chén bát lên, trong khi người Việt vẫn hay làm vậy. Người chồng Hàn đã qua Việt Nam, tiếp xúc, ăn uống với gia đình Việt thì hiểu và có thể thông cảm với vợ, nhưng rất nhiều khả năng bà mẹ chồng không hiểu và không thông cảm với con dâu người Việt”. 

Giảng viên này cho rằng, hai năm đầu cuộc hôn nhân mang ý nghĩa sống còn đối với các cô dâu Việt. Đây là thời gian khó khăn nhất khi họ phải cố gắng hòa nhập với một môi trường xa lạ trong khi nhiều người trong gia đình nhà chồng chưa hoàn toàn tin tưởng, chưa thực sự xem họ là dâu con trong nhà.

Theo đại diện ACEF (Viện văn hóa Hàn Quốc tại TPHCM, đơn vị thực hiện chương trình), trong bốn năm qua, viện đã đài thọ miễn phí các khóa học ngắn hạn cho khoảng 4.000 cô dâu Việt. Độ tuổi của họ không giới hạn, nhưng đa số từ 18-30, cá biệt có cả những trường hợp trên 40 tuổi. 

Học làm dâu xứ người ảnh 2

Kim Choong-Hwan, tài xế xe tải người Hàn Quốc chụp ảnh cùng cô vợ người Việt, Ngo Ngoc Quy Hong, 21 tuổi trong căn hộ của họ ở Osan, phía nam Seoul. Ảnh chụp năm 2011. Ảnh: Globalpost.com/Getty images

ACEF, cũng như một số tổ chức khác, gồm cả tổ chức chính phủ lẫn phi chính phủ, đang thực hiện các khóa học dành cho cô dâu Việt với sự đài thọ kinh phí từ chính phủ Hàn Quốc. Theo một nhân viên phụ trách mảng văn hóa của ACEF, khóa học chỉ diễn ra trong một ngày là do điều kiện của nhiều cô gái không cho phép kéo dài thêm. 

Tuy nhiên, tại Hà Nội hay Cần Thơ, vẫn có những khóa học diễn ra trong 3 ngày. Các cô gái, ngoài học khái quát về lịch sử, văn hóa, địa lý… còn được hướng dẫn làm những món ăn phổ biến ở Hàn Quốc như Tteokbokki, Baechu Kimchi hay Bibim bab…

Các cô được thông tin rằng, trong những năm gần đây, số lượng cô dâu Việt, cùng với cô dâu Trung Quốc chiếm vị trí áp đảo ở Hàn Quốc. Các trung tâm hỗ trợ đa văn hóa, dạy tiếng Hàn, phong tục, lễ nghi, hỗ trợ việc làm… được mở ra nhiều nơi, tất cả đều miễn phí. Vậy nên họ có nhiều lựa chọn, nhiều địa chỉ tại Hàn Quốc có thể tìm đến mỗi khi cần sự giúp đỡ. 

Nguyễn Thị Kiều cho rằng những trường hợp đổ vỡ trong hôn nhân với người Hàn Quốc phần nhiều là do “mình với người ta chưa hiểu nhau, mình chưa làm người ta hiểu mình”. Cô gái có ba mẹ là nông dân ở Hậu Giang này cho biết trong xóm cô, hầu như nhà nào cũng có con gái được gả chồng Hàn Quốc. “Nguyên xóm em đã là hơn chục người rồi”. Vậy nên qua sống ở Hàn Quốc, cô cũng không lo. Sáng nay, lớp học của Kiều ai cũng nhận được một bản photocopy danh sách các địa chỉ cần thiết tại Hàn Quốc để cô dâu Việt liên hệ khi cần tới sự giúp đỡ.

Nhưng không phải ai cũng may mắn lấy chồng qua mai mối của người thân như Kiều. Nguyễn Hoàng Tường Vy(*), 21 tuổi, quê huyện Ba Tri, Bến Tre gặp chồng cô thông qua một người mai mối và đám cưới diễn ra ba ngày sau đó. Không như Kiều, có chồng sống gần Seoul, nhà chồng Vy làm nghề chài lưới ở một tỉnh cực nam của Hàn Quốc. Sau khi tham dự khóa học 3 ngày do tổ chức Kocun thực hiện tại Cần Thơ, Vy đang chờ ngày xuất cảnh đoàn tụ với chồng, người hơn cô đúng 21 tuổi. Cô nói cũng hơi hoang mang khi nghĩ đến tương lai, ở một nơi xa xôi chưa từng đặt chân tới, với những người hoàn toàn xa lạ.

Kiều thì ngời ngời hy vọng, thể hiện trong ánh mắt lấp lánh. “Tuy chưa nói được nhiều tiếng Hàn nhưng em cũng vẫn thường xuyên gọi điện hỏi thăm mẹ chồng. Bả giục em sớm hoàn thành thủ tục, qua đoàn tụ với gia đình bên ấy”, cô bảo.

______

(*): Tên nhân vật đã được thay đổi để tôn trọng sự riêng tư

Giảng viên Quế Nguyên cho hay đã làm công tác này gần ba năm. Chị nói số cô dâu Việt kết hôn với người Hàn, tham gia các lớp học kỹ năng ngày càng tăng. Với quan sát của chị, đa số lấy chồng nước ngoài là do hoàn cảnh gia đình, tìm cơ hội thay đổi cuộc sống, đổi đời. Theo chị Quế Nguyên, sự đổ vỡ của một số cặp vợ chồng Việt-Hàn là do ý thức, nhận thức kém và lớn hơn cả là bất đồng về văn hóa, ngôn ngữ.

MỚI - NÓNG