'Hoàng tử ballet' Đàm Hàn Giang nhịn ăn để múa

TP - Cũng khá lâu, ballet Việt Nam mới có một nam nghệ sĩ được cả về vóc dáng và chuyên môn như Đàm Hàn Giang. Anh vừa hoàn thành xuất sắc vai chính trong vở Giselle trình diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Sau thời gian tu nghiệp ở Hồng Kông, nhận được lời mời ở lại làm việc nhưng Giang quyết tâm về nước cống hiến. Đàm Hàn Giang là nghệ sĩ trẻ tuổi nhất vừa nhận danh hiệu NSƯT đợt phong tặng vừa qua.

Là solist duy nhất đảm nhiệm vai diễn quan trọng liền hai đêm, nhỡ đâu có chuyện gì xảy ra với Giang thì sao nhỉ?

Đúng ra nhà hát phải có 2 solist chính. Thường solist 1 diễn hôm đầu, hôm sau thoải mái ngồi xem solist 2. Như thế rất hay, kích thích lẫn nhau.

Tập múa thì chấn thương là điều đương nhiên. Mỏi cơ, sứt sát, đau chân… xảy ra hàng ngày mà tôi đã quen và phải chấp nhận. Nếu đau chân mà phải lên sân khấu thì tôi xịt thuốc. Thứ nữa mình không thể nào nói với mọi người tôi đau chân lắm không thể diễn. Vì khi ra được một vai như vậy, tôi mong chờ được diễn cho khán giả xem nên dù có chấn thương, hạnh phúc khi diễn khiến tôi quên hết.

'Hoàng tử ballet' Đàm Hàn Giang nhịn ăn để múa ảnh 1

Hơn 10 năm ở vị trí solist, Đàm Hàn Giang gặt hái thành công trong các vở: Spartacus, Chopiana, Kẹp Hạt Dẻ, La Ventana, Mùa xuân thiêng liêng, Khoảnh khắc bất tử, Hồ Thiên Nga, Chim Lửa, Trái tim tơ lụa… Trong ảnh là vai hoàng tử Albert trong Giselle. Ảnh: Hồ Như Ý.

Có điều kiện phát triển sự nghiệp ở nước ngoài, sao Giang lại từ chối?

Ở nước ngoài điều kiện vật chất tốt hơn nhiều. Quần áo, mọi thứ đẹp thì mình diễn cảm thấy thích hơn. Nhưng quan trọng nhất là khán giả. Tôi muốn diễn cho người Việt Nam. Học cái hay cái đẹp muốn cống hiến cho đất nước mình. Với lại ai cũng ở lại nước ngoài thì ngành múa Việt Nam sẽ ra sao. Tuổi nghề của múa cũng không nhiều. Cứ cho tôi ở nước ngoài đến tầm 30 về đi. Thì nó qua mất thời gian sôi sục nhất, lên sân khấu sao cuốn hút được nữa…

Vai mà Giang tâm đắc nhất?

Là Spactacus. Vai diễn đem lại cảm xúc rất lớn, đỉnh điểm lại ở đoạn cuối khi tôi không múa mà giữ nguyên tư thế chết gần 10 phút với các mũi giáo xiên khắp người. Đèn chỉ chiếu sáng đúng mặt tôi, sau lưng cả tấm phông đỏ rực máu, trên nền nhạc cực kỳ xúc động. Hình tượng ấy làm rất nhiều người khóc.

Diễn viên múa phải kiêng chơi các môn thể thao khác?

Múa không thể nào đá bóng, đánh tennis, cầu lông, bóng bàn. Vì cơ của múa lúc nào cũng phải mềm và dẻo. Tập thể thao nhiều quá, cơ bị bó, cứng lại, múa sẽ không thanh thoát, bay bổng. Thành ra cũng thiệt thòi- tôi thích đá bóng, thích đánh tennis. Như tôi chuyên về ballet cổ điển và hiện đại, cũng khó múa đương đại hay khiêu vũ vì nguyên tắc chuyển động của mỗi loại hình khác nhau.

Ăn uống chắc được thoải mái hơn?

Mọi người “ăn như múa”, nhưng tôi phải ăn như…  ăn mày. Nhìn thấy đồ ăn nhưng không dám ăn. Nhiều lúc nhìn bạn bè tập tành trời nắng khát uống bia nhưng tôi không được uống. Vì bản thân hấp thụ tốt. Chỉ ăn rau luộc  thôi chứ rau xào vẫn béo. Có những lúc cả tháng không hạt cơm nào. Như người ta phải ăn nhiều để có sức múa nhưng tôi lại phải ăn ít đi để giữ được vóc dáng đẹp. Nhiều lúc tôi hoa mắt, giống như bị đuối sức, vì cứ nhịn ăn để tập. Nhưng mình có cách khác, uống sinh tố, ăn hoa quả bù vào.

Được biết bố Giang đã hướng bạn theo nghiệp múa?

Đúng thế. Còn bé làm sao biết cái gì hợp với mình. Bố tôi dạy tôi tất cả những gì ông biết: múa, piano, guitar, trống… Hết lớp 5, bố cảm thấy tôi học múa tốt nhất. Từ đấy tôi toàn tâm toàn ý đi học trường múa. Thỉnh thoảng nhớ piano vẫn chơi. Tôi có hai người thầy, thầy dạy trong trường và bố. Bố tôi xưa cũng là nghệ sĩ múa ballet, về sau làm trưởng đoàn Nghệ thuật Quân khu I.

Thậm chí bố bạn bỏ cả vị trí công tác để theo hỗ trợ con trai?

Bố muốn tôi tập trung học tốt hơn. Sáng tôi học trong trường múa, chiều bố là thầy dạy tôi. Ông hy sinh rất lớn, bỏ công việc, xa mẹ tôi. Lúc đó ông chưa tới 50 tuổi. Hai bố con một tháng về quê thăm mẹ một lần. Bố tôi đèo tôi bằng xe máy, tôi 11 tuổi ngồi sau không nhìn thấy đường phía trước. Đi gần 2 tiếng về đến nhà, chạy vào nhà ôm mẹ. Lớn dần lên, tôi lại đèo bố tôi. Cứ như vậy trong 7 năm. Đường về Thái Nguyên tôi nhẵn luôn, từng ổ gà. Chưa kể lúc mưa lại rẽ vào quán, ngồi ăn kem, uống nước mía. Kỷ niệm không quên được.

Con gái của Giang đã bộc lộ năng khiếu múa?

Bé gần 5 tuổi thỉnh thoảng vẫn đi xem bố dạy múa, ở nhà bật nhạc lên vẫn múa cho bố xem. Cũng có năng khiếu, không biết lớn có thích không. Nếu thích thì còn gì bằng, nhà có ba thế hệ múa.

Dạo này nổi lên xu hướng, một số ngân hàng, doanh nghiệp chơi sang bằng cách mời các nghệ sĩ ballet nước ngoài về Việt Nam trình diễn, quảng bá rình rang. Giang nghĩ sao, nghệ sĩ Việt có thể đáp ứng được những phần trình diễn đắt đỏ đó?

Tôi muốn người Việt mình cứ thử làm việc với người Việt để có sự đánh giá rõ nhất. Người Việt rất giỏi nhiều lĩnh vực, không riêng múa. Chúng tôi từng diễn khắp các sân khấu ở châu Âu- cái nôi của ballet, vượt qua áp lực và đã thành công, được đón nhận như thế nào. Lần tôi và diễn viên nữ solist của nhà hát sang Hàn Quốc diễn 3 đêm cùng Dàn nhạc Giao hưởng Hàn Quốc, phải ra chào 5 lần. Việt Nam chào 2 lần thôi. Những tràng vỗ tay thể hiện nhu cầu khát khao của khán giả… Ở Việt Nam một số người chưa quan tâm, chưa được biết thôi. Nếu biết rồi thì rất hy vọng để tôi và đồng nghiệp có thêm dịp để cống hiến.

MỚI - NÓNG