Xem Paris Ballet- kẻ rưng rưng người… buồn ngủ

TPO - Ngay cả khán giả thờ ơ với ballet sau khi xem đêm diễn Paris Ballet tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội chắc cũng sẽ thay đổi. Không phải vì họ được hiểu thêm vì ballet mà vì những rung cảm tự nhiên mà có được khi tiếp xúc với nghệ thuật đỉnh cao.

Đôi khi chỉ cần một động tác không quá phức tạp của nghệ sĩ rơi đúng vào cao trào của dàn nhạc, người xem cũng có thể thấy rưng rưng vì sự hài hòa của nghệ thuật.

Nếu ngồi đủ gần sân khấu, ngoài âm thanh dàn nhạc, bạn sẽ nghe thấy cả tiếng giày của vũ công chạm xuống sàn. Đó cũng là những âm thanh của nghệ thuật mà nếu trật nhịp, sự hài hòa sẽ mất đi, thậm chí chấn thương xảy ra. Chọn ballet- thứ nghệ thuật đòi hỏi phải thăng hoa trong sự chính xác cao độ của từng cử động, người diễn viên phải đánh cược bằng chính cơ thể của mình. 

Ngay đầu buổi diễn, người dẫn chương trình đã lên thông báo về việc “Quý bà ballet Pháp” Agnès Letestu chấn thương trong khi tập luyện dẫn tới không thể tham gia trình diễn được. Tuy nhiên kịch mục vẫn được đảm bảo bằng diễn viên thay thế.

Đêm Paris Ballet tại Hà Nội mang lại một cái nhìn tổng quan về nghệ thuật ballet từ thời cổ điển cho đến nay qua 9 trích đoạn. Một số trong những vở ballet kinh điển như Giselle, Kẹp hạt dẻ, Don Quichotte… Những động tác khi được thực hiện tỉ mỉ, chậm rãi mang lại một không khí gần như thành kính. Cảm nhận ballet là những tác phẩm điêu khắc nối tiếp nhau trong từng tích tắc đúng hơn bao giờ hết.

Phần hai là những tác phẩm mới, ngắn gọn, súc tích và trực diện. Trên nền nhạc kinh điển, các nghệ sĩ kể tiếp câu chuyện hậu Carmen. Các nhà biên đạo của thế kỷ XXI cho Carmen cơ hội trả thù kẻ đã đâm chết mình qua một tác phẩm múa đôi ngắn đầy ám ảnh. Phần múa đôi của hai vũ công nam Audric Bézart và Florian Magnenet trong Những nhịp đập gián đoạn của trái tim (dựa theo ý tưởng văn học của Proust) đem lại nhiều tạo hình khỏe khoắn, đẹp đến bất ngờ. Thoạt nhìn tưởng tiết mục thể hiện một mối liên hệ giới tính nhưng không phải. Mỗi vũ công là đại diện cho một mặt đối lập, kiểu như thiện và ác, ánh sáng và bóng tối… 

Chương trình do giám đốc nghệ thuật Frederic Fontan thiết kế này sau điểm đến Việt Nam sẽ tới Seoul, Dubai, Doha, Montréal, Budapest... trong chuyến du diễn vòng quanh thế giới mang tên Paris Dance Galaxy.

Khán giả nhiều lúc không kìm được buộc phải vỗ tay khi các nghệ sĩ thực hiện những động tác khó. Những tiết mục có sự tham gia của Mathilde Froustey hình như luôn được vỗ tay nhiều hơn. Chắc không phải vì khán giả ưu ái nữ nghệ sĩ có dòng máu Việt (bà ngoại của cô là người Sài Gòn) mà vì Mathilde có thể nói là hiện thân của nghệ thuật ballet trong từng cử động, từ từng nét cười trở đi. Cô hiện là vũ công ngôi sao của đoàn ballet San Francisco và là khách mời đặc biệt của tour diễn lần này.

Xem Paris Ballet để biết người Pháp nâng niu nghệ thuật cổ điển của họ đến mức nào. Chương trình nhận được sự bảo trợ thông tin của Đại sứ quán Pháp và Viện Pháp tại Việt Nam. Các nghệ sĩ tham gia chương trình đến từ Opéra de Paris- vũ đoàn cổ điển lâu đời nhất thế giới do đức vua Louis XIV lập ra. Để tạo nên một khung cảnh phù hợp nhất với ballet, sân khấu rộng của Trung tâm Hội nghị Quốc gia đã được thiết kế nhỏ lại. Việc này có vẻ không được trù bị từ trước đã tạo nên sự bất tiện cho một số khách mời có vé ở hai bên rìa, vì họ sẽ không xem được gì ngoài những hình ảnh của máy quay qua màn hình lớn. Tuy nhiên kể cả sau khi bố trí lại, sân khấu này vẫn chưa phải là chỗ đắc địa để múa ballet. 

Bằng chứng là chỗ ngồi của dàn nhạc quá cao khiến các nhạc cụ và nhạc công vẫn nhô lên khỏi sân khấu một chút, khiến khán giả ngồi thấp không thể quan sát hết các chuyển động chân của vũ công.

Để đảm bảo tiêu chuẩn ballet đòi hỏi, sàn diễn phải dát thêm 3 lớp gỗ (lớp trên cùng là gỗ mùn cưa) rồi mới trải thảm múa lên. Nhiều đạo cụ phải mang từ Pháp qua không phải vì chúng quá tối tân mà ngược lại, chúng đúng là những thứ từng phục vụ cho ballet cả trăm năm nay. Chuẩn bị công phu, tốn kém là thế nhưng đáng tiếc là khán phòng Trung tâm Hội nghị Quốc gia vẫn còn khá nhiều chỗ trống. Chứng tỏ vé mời đã không đến đúng tay khách mộ điệu. 

Thiết nghĩ nếu nhà tổ chức vào trường múa hay nhà hát nhạc vũ kịch phát vé có phải là quá quý! Tuy thế vẫn có một số khán giả phải xem ballet từ tầng hai, mà không phải ai cũng chuẩn bị sẵn ống nhòm. Vì thế nếu cảm tưởng của họ về đêm diễn là 'buồn ngủ' thì cũng có thể hiểu được.

Xem Paris Ballet- kẻ rưng rưng người… buồn ngủ ảnh 1

Vũ công ngôi sao Mathilde Froustey mang dòng máu Việt

Xem Paris Ballet- kẻ rưng rưng người… buồn ngủ ảnh 2
Xem Paris Ballet- kẻ rưng rưng người… buồn ngủ ảnh 3
Xem Paris Ballet- kẻ rưng rưng người… buồn ngủ ảnh 4

Mathilde Froustey và bạn diễn Carlo di Lanno

Xem Paris Ballet- kẻ rưng rưng người… buồn ngủ ảnh 5
Xem Paris Ballet- kẻ rưng rưng người… buồn ngủ ảnh 6

Tiết mục ballet hiện đại Vẫn là Carmen

MỚI - NÓNG