Câu chuyện du lịch

Hoàng Thành tháng Mười

Sân khấu độc đáo ở quảng trường Đoan Môn tối khai mạc. Ảnh: Lê Chí Linh.
Sân khấu độc đáo ở quảng trường Đoan Môn tối khai mạc. Ảnh: Lê Chí Linh.
TP - Trong khuôn khổ Festival Áo dài Hà Nội, có một hội thảo về áo dài ở Hoàng Thành. Sáng Chủ nhật tuần trước, những người đến dự ngỡ ngàng thấy trăm chiếc ghế bọc vải đen trang trọng đặt ngoài trời, ở góc khuôn viên yên tĩnh của Hoàng Thành.

Diễn giả từ Huế ra nói về lịch sử áo dài, nói đến đâu có hình ảnh phóng chiếu trên màn hình bằng vải minh họa. Những chiếc áo dài cổ bày rải rác xung quanh. Cử tọa, diễn giả chăm chú trong tiếng xào xạc của lá cây. Ai khát, mệt thì tự giải lao, có nước và trái cây bày dưới những tán cổ thụ. Hội thảo kéo tới 12 giờ trưa, có nhà nghiên cứu nói 50 phút liền mà cử tọa không đến nỗi ngán. Tội gì nhốt nhau trong phòng kín giữa tiết cuối thu quá đẹp này.

Suốt ba ngày festival, một đoạn dài phố Hoàng Diệu và bên trong Hoàng Thành lung linh hơn hẳn ngày thường do được tô điểm bằng dãy đèn nón lá. Đi đường thấy cảnh này rất gây tò mò muốn vào thử bên trong có gì. Và thực sự là lượng người đổ về Hoàng Thành tối khai mạc có lúc như quá tải.

Chỉ chiếc cổng chính ở 19 Hoàng Diệu trang trí bằng tranh tre độc đáo, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đỗ Đình Hồng nói với tôi: Chị thấy cái cổng kia có hồn không? Xứng đáng để bước qua không?

Nghe nói ông giám đốc và phó giám đốc Sở sáng sáng đi dạo rất sớm, tự tay nhặt từng cọng rác trên bãi cỏ. Không chỉ cuộc này mà trước đó, Liên hoan Du lịch Làng nghề Truyền thống cũng thế.

Các gian trưng bày áo dài và triển lãm tư liệu đều nhã nhặn như vậy, từ những chậu hoa thạch thảo, biển hiệu tên nhà thiết kế trở đi. Bàn ghế khu ẩm thực đều bằng mây tre đan, rau cho thực khách đặt trong rổ nhỏ xinh lót lá chuối và đương nhiên không là rổ nhựa.

Ghé quán bún bò Huế trong khu ẩm thực ba miền, nam nhân viên chan bún cho biết “gánh” của mình ở mãi miền Nam ra. Thực khách tranh nhau xếp hàng chờ lấy tích kê. Bát bún tú ụ, 70 ngàn đồng, không hề rẻ nhưng có sao đâu. Bún bò Huế đúng vị, chế biến bởi đầu bếp phương xa, ăn trong không gian đặc biệt, thì giá cũng phải thế nào chứ.

Tối khai mạc 14/10, nhiều người choáng ngợp. Quảng trường Đoan Môn tự dưng mọc thêm hai dãy cầu thang gỗ, kéo từ nóc Đoan Môn xuống đất, để tạo cho không gian trình diễn áo dài một chiều sâu và vẻ đẹp mới. Sàn gạch mềm mại hẳn đi nhờ những luống hoa tím. Những chiếc xe đạp, xích lô trên đó chàng trai trẻ vận áo dài tân thời với quần bò đạp thong dong. Cụ bà Sính tròn 90 tuổi, phu nhân cố họa sĩ Bùi Xuân Phái được mời ngự xích lô hoa trình diễn. NTK Minh Hạnh đã xin phép gia đình bà in họa tiết tranh chèo và phố Phái lên bộ sưu tập của mình. Bà Phái được mời đến đây còn bởi bà chính là một chứng nhân của Hà Nội, văn hóa Hà Nội.

Họp báo về áo dài đương nhiên cũng họp ngoài trời, và vào buổi tối! Để cảm nhận sự lung linh của đèn nến, họa tiết, phụ kiện. Và quà cho nhà báo là túi vải, khăn lụa đặc biệt in dòng chữ “Festival Áo dài Hà Nội 2016”. Thống nhất, hài hòa tuyệt đối là thế.

Trước đó, đầu tháng, vào Hoàng Thành nhân Liên hoan Du lịch làng nghề, có lúc tôi đang ngẩn ngơ trước gian Bếp Làng của Bát Tràng, thì một người đàn ông ngồi ăn xôi chè lên tiếng “Mời chị xơi bát xôi chè làng tôi, ngon lắm”.

Thực khách tự giới thiệu tên Quang, trạc trên dưới 50, chủ lò gốm Quang Hậu, có một gian trang sức gốm bày trong liên hoan. Ngồi trò chuyện một lúc, thấy đầy ắp thông tin, chuyện đời chuyện nghề. Từ chuyện đốt gốm giữa làng bây giờ an toàn như thế nào so với ngày xưa đốt bằng than và “hàng bây giờ là hàng sạch”, không nhiễm chì như gốm Trung Quốc hạng 2, 3. Rồi chuyện ẩm thực Bát Tràng ngày nay, ai nấu ngon nhất. Nhà hàng “Tâm bay” trong làng có món bánh chưng đặc biệt ra sao. Câu chuyện lan cả ra khu đô thị Ecopark đối diện Bát Tràng, và muốn đến Bát Tràng, Ecopark thì đi xe buýt tuyến nào tiện nhất...

Mỗi một ông Quang Bát Tràng chính là một đại sứ du lịch và khi những người như vậy-cũng như nhiều đại sứ áo dài vừa qua, có cơ hội hiện diện ở những danh thắng như Hoàng Thành, sẽ cho thấy bài học nho nhỏ về công việc làm du lịch, văn hóa đang còn rất thiếu chuyên nghiệp của chúng ta.

MỚI - NÓNG
Ngư dân ở Lăng Cô trắng tay
Ngư dân ở Lăng Cô trắng tay
TPO - Qua nhiều năm gắn bó với nghề nuôi trồng thủy sản trên đầm Lập An, chưa bao giờ người dân thị trấn Lập An, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế, lại chịu những thiệt hại dồn dập về nhà cửa, khu hạ tầng nuôi trồng thủy sản, cá bị trôi mất, bị chết do sốc ngạt nước như hiện nay.