Lộ nhiều di tích quan trọng
Trong hội thảo khoa học “Báo cáo sơ bộ kết quả khai quật thăm dò khu vực Chính điện Kính Thiên năm 2021” mới đây, PGS.TS Tống Trung Tín, nguyên Viện trưởng Viện Khảo cổ học, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam thông báo nhiều phát hiện thú vị. Cuộc khai quật thăm dò tiến hành trên tổng diện tích gần 1.000m2 tại khu vực phía Đông Bắc của di tích nền điện Kính Thiên, phía Nam giáp hố khai quật năm 2019, phía Đông giáp phía đường Nguyễn Tri Phương, phía Tây gần giáp với di tích Hậu Lâu.
Kết quả thu được tiếp tục làm rõ tầng văn hóa, các di tích, di vật khảo cổ chồng xếp lên nhau, có niên đại từ thế kỷ 7- 9 đến thế kỷ 19, 20 của các thời kỳ trải dài từ Đại La, Đinh- Tiền Lê, Lý, Trần, Lê sơ, Lê Trung Hưng, Nguyễn. “Đợt này bước đầu xác định được một số di tích quan trọng”, PGS.TS. Tống Trung Tín nói.
Cụ thể, với dấu tích kiến trúc thời Lý, tìm thấy một số móng cột sỏi; dấu tích kiến trúc thời Trần gồm dấu tích kiến trúc tròn đường kính trên 5m, xung quanh có dấu tích cống ngầm và lớp văn hóa dày đặc, ngói và dấu tích cháy, vỏ nhuyễn thể biển. Dấu tích kiến trúc thời Lê sơ tiếp tục làm rõ kiến trúc có vì kèo 4 móng cột kiểu hành lang tiếp nối với dấu tích kiến trúc trước đó tìm thấy. Dấu tích kiến trúc thời Lê Trung Hưng gồm dấu tích vườn hoa cây cảnh, ngòi nước, kiến trúc dài kiểu hành lang, móng tường, cống nước, đường đi, sân gạch.
Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam thông báo, các chuyên gia tìm ra giếng nước bằng đá, sâu 6,56 m được xây lắp khẩu giếng đá chạm khắc công phu. Ở đáy ngòi nước gạch thời Lê Trung Hưng qua khai quật năm nay còn xuất hiện dấu tích hai mộ gạch song song nhau, có niên đại khoảng Lục Triều (thế kỷ IV-VI) minh chứng ở Trung tâm Thăng Long đã có dấu tích cư trú từ khá sớm.
Cuộc khai quật mới nhất cũng làm xuất lộ hàng trăm di vật khảo cổ. Hai di vật đáng chú ý là chiếc chậu đất nung thời Trần kích thước lớn và mảnh mô hình kiến trúc tráng men xanh thời Lê sơ thể hiện khá tỉ mỉ kết cấu đấu củng ở hiên nhà, cách lợp bộ mái âm dương và phần đầu chạm rồng.
“Những dấu tích kiến trúc và hệ thống di vật được phát hiện trong cuộc khai quật năm 2021 tiếp tục phản ánh diễn biến phức tạp của các di tích lịch sử và văn hoá Thăng Long- Hà Nội dưới lòng đất”, PGS.TS. Tống Trung Tín nhận định.
Cần kế hoạch tổng thể
Về mặt địa tầng, cuộc khai quật tiếp tục xuất lộ tầng văn hóa dày 4,5m và đầy đủ các lớp văn hóa từ thời Đại La đến thời Nguyễn, chứng tỏ sự phát triển liên tục của kinh thành xưa. Về mặt di tích, theo các nhà khoa học, các di tích trong hố khai quật xuất lộ từ sớm đến muộn, cho thấy nhiều chứng cứ để hình dung về hoàng cung Thăng Long.
Đánh giá kết quả mới nhất giúp các nhà khoa học khẳng định giá trị của Hoàng thành, tuy nhiên GS.TS Lưu Trần Tiêu, Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa quốc gia đặt ra nhiều câu hỏi cần nghiên cứu, làm rõ. Các nhà khoa học cũng một lần nữa nhắc lại vấn đề: Cứ đà này bao năm nữa mới khai quật xong Hoàng thành Thăng Long.
Ông Nguyễn Văn Sơn, nguyên Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Hoàng thành Thăng Long, Chủ tịch Hội Sử học Hà Nội nhắc lại, từ thời điểm UNESCO ghi danh Hoàng thành Thăng Long là Di sản văn hóa thế giới đến nay đã hơn 10 năm.
Kết quả khai quật tại Hoàng thành 20 năm qua cũng làm rõ nhiều nội dung, niên đại, tuy nhiên Hà Nội cần xác định một trong những việc cần làm hiện nay chính là khôi phục một số chính điện của Thăng Long, gần nhất là đề án khôi phục không gian chính điện Kính Thiên.
“Hiện nay, mỗi năm thăm dò 1.000m2 và khai quật cuốn chiếu như thế nên rất nhiều năm nữa chúng ta mới hoàn thành việc khai quật vùng lõi cấm thành hay không gian điện Kính Thiên. Vì vậy cần có một kế hoạch khảo cổ học tổng thể, cần đưa ra số năm cụ thể để đạt hiểu biết đầy đủ về khu vực chính điện Kính Thiên.
Trên cơ sở đó, ta mới tổ chức nghiên cứu bổ sung, cùng với kết quả nghiên cứu khai quật sẽ khôi phục được điện Kính Thiên. Các nhà khoa học phải đề xuất một kế hoạch nghiên cứu toàn diện từ khai quật, nghiên cứu bổ sung, kiến trúc... để có đủ tư liệu nhằm khôi phục chính điện Kính Thiên trong Trung tâm Hoàng thành Thăng Long”, ông Sơn nêu.
TS. Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng nhận định, hiểu biết về Hoàng thành bây giờ khác trước rất nhiều nhờ kết quả nhiều đợt khai quật.
“Công việc khảo cổ không chỉ phải làm hằng năm, 10 năm mà trăm năm nữa vẫn phải tiếp tục. Thế nhưng mỗi giai đoạn phải xác định mục tiêu cụ thể khác đi, để không chỉ làm sáng rõ giá trị vô giá của lịch sử, truyền thống mà còn tạo sức thu hút đối với công chúng, đặc biệt là giới trẻ. Phải làm sao cho các thế hệ đều yêu mến và tự hào về mảnh đất này”, TS. Nguyễn Viết Chức nói.