Nông thôn mới: Những bất cập và hệ lụy - Bài 3

Hoang phế công trình tiền tỷ giữa quê nghèo

Chợ xã nông thôn mới Long Hưng (Mỹ Tú, Sóc Trăng) không bóng người. Ảnh: Tuấn Anh
Chợ xã nông thôn mới Long Hưng (Mỹ Tú, Sóc Trăng) không bóng người. Ảnh: Tuấn Anh
TP - “Nhiều công trình xây dựng giao lại cho ấp, không biết cách nào sử dụng, đành bỏ hoang”- ông Trương Hoàng Vĩnh - Bí thư Chi bộ ấp Bình Bảo (xã Vĩnh Phú Tây, huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu) nói với giọng đầy nuối tiếc.

Chợ… hoang phế

Khu chợ nhà lồng Vĩnh Bảo được xây dựng hoành tráng từ lâu nhưng luôn trong tình trạng hoang vắng. Bà Phan Thị Thúy, nhà ở cạnh chợ, nói: “Xây chợ ép bà con vô đây mua bán, nhưng chỉ có mấy người dân xung quanh mang rau cải, tôm cá ra bán”. Bà Lê Kim Năm- Chi hội trưởng Phụ nữ ấp Vĩnh Bảo đặt câu hỏi: “Xây chợ rộng thênh thang mà không có nhà vệ sinh, không có nước thì làm sao bà con buôn bán, sinh hoạt?”. Trạm cấp nước sạch tại ấp Bình Bảo được xây dựng bề thế nhưng cũng bị lãng quên ngoài đồng. Bà Huỳnh Thị Oản, cho biết: “Đây là một trong nhiều trạm nước sạch không có nước”.

Tại Sóc Trăng, chợ bị bỏ hoang ngay từ khi vừa xây xong không phải hiếm. Chợ trung tâm xã Long Hưng (xã nông thôn mới đầu tiên của huyện Mỹ Tú) là một điển hình. Chợ được xây dựng hoàn thành hơn một năm qua nhưng đến nay vẫn vắng vẻ. Anh Nguyễn Thế Trường, người dân địa phương nói: “Để có chợ cho đủ tiêu chí nông thôn mới, nhà nước đã giải tỏa, thu hồi đất của nhiều hộ dân rồi đầu tư san lấp mặt bằng, xây nhà lồng chợ, phân lô bán nền xung quanh chợ, nhưng đến nay, nhà lồng chợ chỉ có mấy hộ dân được xã cho vào vừa làm chỗ mua bán vừa làm chỗ ở không thu tiền. Còn người dân địa phương vẫn phải sang bên kia sông thuộc huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang) mua hàng hóa”.

Lý giải vì sao có chợ nhưng không có người mua bán, anh Trường cho biết: Chợ xây ở vị trí xa khu dân cư, người bán hàng quá ít nên người dân phải sang Phụng Hiệp. Ông Mạch Văn Hiểu - Phó Chủ tịch UBND xã Long Hưng cho rằng, bà con quen gọi là chợ, nhưng thực chất đây là Trung tâm thương mại, trong đó vừa có chợ, vừa có khu dân cư theo dạng nhà phố. Ông Hiểu cho biết, để có khu trung tâm thương mại này, ngoài  khoảng 1,2 ha đất công, Nhà nước phải thu hồi khoảng 1,6 ha đất của dân. Sau khi thu hồi, Nhà nước cho san lấp mặt bằng, xây dựng đường nội bộ, xây nhà lồng...với kinh phí trên 20 tỷ đồng. Nhưng do thói quen nên người dân vẫn đi chợ bên Phụng Hiệp. Hiện nay chính quyền đang cho bán đấu giá 95 lô đất thuộc diện nhà phố với diện tích trên 8.000 m2 giá khởi điểm trên 18,3 tỷ đồng. Sau khi bán xong sẽ xây dựng khu trung tâm thương mại qui mô, đưa vào hoạt động. 

Nhà văn hóa thành… sân phơi

“Nhà nước mua đất của dân, xây dựng quá lớn, rộng trên 3.000m2 nhưng chẳng mấy khi thấy có hoạt động gì”- Bà Lê Thị Cẩm, người bán quán cóc ven đường bắt đầu câu chuyện về một công trình phía trước có gắn biển “Thiết chế văn hóa Vĩnh Phú Tây” (nhà văn hóa). Từ ngoài nhìn vào, rất dễ nhận thấy mái che đã cũ, tường rào bong tróc, cánh cổng bằng sắt đã hoen gỉ. Sân của nhà văn hóa được bà con dùng để phơi lúa.

Hoang phế công trình tiền tỷ giữa quê nghèo ảnh 1

Nhà văn hóa xã nông thôn mới Vĩnh Phú Tây (Bạc Liêu) bị bỏ hoang.

Bên trong nhà văn hóa nhiều phòng chức năng không khóa cửa, vách tường nứt, dây điện chằng chịt, nền gạch bị lún... Phòng trang điểm cạnh sân khấu lớn có vỏn vẹn chiếc chiếu cũ. Nguyễn Văn Hiền, cán bộ văn hóa xã Vĩnh Phú cho biết, anh và một cán bộ nữa được phân công làm văn hóa nhưng đều là “tay ngang”.

Cách đó không xa, nhà văn hóa xã Vĩnh Thanh (cùng huyện Phước Long) cũng được xây dựng trong khuôn viên khoảng 2.300 m2, có đầy đủ sân khấu, các phòng thư viện, hành chính, đờn ca tài tử, truyền thanh… nhưng vắng bóng người. 5 năm qua, do không được sửa chữa, nâng cấp nên cổng rào rỉ sét, mục nát. 

Trung tuần tháng 6, tại thời điểm phóng viên Tiền Phong có mặt tại nhà văn hóa Vĩnh Thanh, phía ngoài sân có dựng sân khấu ca nhạc, các quầy lô- tô, trò chơi trẻ em và cả những trò chơi mang tính bài bạc. Anh Phạm Văn Thiều, cán bộ văn hóa xã Vĩnh Thanh nói: “Anh em làm văn hóa tụi tôi vừa học, vừa làm nên không thường xuyên tổ chức hoạt động. Thỉnh thoảng các đoàn ca nhạc- trò chơi đến thuê với giá 500.000 đồng/đêm, xã lấy tiền, chi lại 200.000 đồng/đêm để bồi dưỡng cán bộ và công tác giữ gìn trật tự”.

Phú Mỹ huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng là xã có trên 92% dân số là đồng bào dân tộc Khmer sinh sống chủ yếu bằng nông nghiệp bắt tay xây dựng nông thôn mới kể từ năm 2010. Ông Thạch Minh Lây - Phó Chủ tịch UBND xã Phú Mỹ cho biết, hiện xã đã đạt 12 tiêu chí, còn 7 tiêu chí chưa đạt. “Mỗi năm xã thu ngân sách chỉ được trên 100 triệu đồng, riêng năm 2015 thu được 181 triệu đồng, trong khi đó mỗi năm chỉ riêng chi thường xuyên và chi lương cho đội ngũ cán bộ xã đã hết trên 3 tỷ đồng. Muốn xây dựng được xã nông thôn mới, cần có 500 tỷ đồng”.

MỚI - NÓNG