Giấc ngủ ngon chưa từng có
Trong vòng 200 năm qua, Vilm được mệnh danh là thánh đường của các họa sĩ vẽ tranh phong cảnh khắp nước Đức. Theo các nhà khoa học, đảo Vilm được hình thành cách nay khoảng 6.000 năm từ các trầm tích sông băng.
Hòn đảo nhỏ tuyệt đẹp có diện tích 94ha thuộc quần đảo Rugen, bang Mecklenburg-Western Pomerania. Rừng gỗ sồi cổ nơi đây độc nhất vô nhị trên toàn nước Đức.
Ngay từ năm 1812, đảo Vilm đã được bảo vệ làm nơi nghỉ hè cho các bậc vua chúa. Đến năm 1936, Vilm chính thức được coi là khu bảo tồn thiên nhiên.
Từ năm 1960 đến 1990, nơi đây là khu nghỉ ngơi, an dưỡng dành riêng cho các thành viên chính phủ Cộng hòa dân chủ Đức.
Ngày nay Vilm trở thành khu dự trữ sinh quyển được bảo vệ nghiêm ngặt tại Đức, là nơi đặt trụ sở của Học viện Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (INA).
Nửa ngày đi bộ trong rừng sồi hàng trăm năm tuổi dưới ánh nắng hanh hao sớm cuối thu đầu đông, nhóm phóng viên chúng tôi (tham dự chương trình "Đối thoại truyền thông Đức - Việt về môi trường" do Bộ Ngoại giao Đức tổ chức) càng đi lại càng hăng, áo ướt đẫm mồ hôi nhưng chẳng ai thấy mệt mỏi.
Có thể bầu không khí quá đỗi trong lành đã tiếp thêm sinh lực cho chúng tôi. Tôi tranh thủ hít căng lồng ngực thứ dưỡng khí sạch hiếm hoi giữa khu rừng già trên biển Baltic, bởi biết rằng mình đang sống ở Hà Nội, nơi không khí bị ô nhiễm nặng nề với nồng độ bụi cao gấp cả chục lần mức cho phép.
Chốc chốc lại bắt gặp xác cổ thụ hàng trăm năm tuổi đang phân rã nằm ngổn ngang chắn hết lối đi, xác cây mủn dần qua năm tháng bởi các vi sinh vật dưới lớp đất xốp, động vào là rơi lả tả từng mảng.
Tuyệt nhiên không hề có dấu tích tác động của con người, cây cối sống hết một vòng đời ngã xuống lại trở về với đất làm phân bón tự nhiên nuôi các mầm non khác tiếp tục một vòng đời mới.
Trên đầu chúng tôi, những tán lá sồi cổ thụ cao vút che kín bầu trời, dưới chân là những lớp đất mềm mại, những bông hoa rừng nhỏ li ti, những cây nấm đủ kích cỡ to nhỏ đua nhau khoe sắc.
Quy luật sinh tồn tự nhiên trên đảo Vilm được tôn trọng tuyệt đối như thế đã cả trăm, cả ngàn năm nay. Vùng đầm phá trên đảo tiếp giáp với biển, từng đàn thiên nga trắng muốt hàng trăm con nhởn nhơ bơi lội.
Ngủ đêm trên hòn đảo là một trải nghiệm đáng giá. Hàng chục năm nay sống ở Hà Nội, chưa bao giờ tôi có được một giấc ngủ ngon lành và sảng khoái như vậy.
Bầu không khí tuyệt đối trong lành giữa một khu bảo tồn sinh thái còn nguyên sơ từ hàng ngàn năm nay, sự tĩnh lặng hài hòa của thiên nhiên hoang dã đã làm nên điều kỳ diệu đó.
Nhà nghỉ trên đảo cũng hết sức đặc biệt, không có sự hiện diện của bê tông cốt thép, của nhiều vật liệu nhân tạo, thay vào đó là những ngôi nhà mái rạ truyền thống của làng quê miền cực Bắc nước Đức.
Nhà lợp mái rạ của những người nông dân Đức rất dày, tới cả nửa mét, chứ không mỏng như ở Việt Nam. Chắc chỉ với lớp mái dày như vậy mới có thể chống chọi với giá rét băng tuyết mùa đông nơi giáp ranh xứ Bắc Âu.
Tuy là nhà mái rạ cổ truyền, song những nét kiến trúc Đức vững chãi, trầm mặc vẫn không lẫn vào đâu được.
Chiếc mái lợp rạ màu nâu thẫm có độ dốc lớn như chụp lấy phần thân nhà, phía trong được chia làm 2 tầng, tầng áp mái và tầng trệt. Kết cấu nhà kiểu này cũng rất phổ biến ở các làng quê nước Đức, tuy nhiên bây giờ mái rạ đã được thay bằng mái ngói.
Chiến lược của người Đức
Cổ thụ phân rã. Ảnh: Việt Hùng. |
Đức là quốc gia đứng đầu thế giới về bảo vệ môi trường và năng lượng tái tạo với nhiều thành tựu đáng khâm phục.
Vấn đề bảo vệ môi trường luôn tạo được sự chú ý đặc biệt trong đời sống xã hội, báo chí và thậm chí cả nền chính trị tại quốc gia này.
Đây cũng là một trong những lĩnh vực đi trước thời đại, giúp giữ vững vị trí cường quốc của nước Đức trong tương lai.
Năm 2011, Đức là quốc gia công nghiệp đầu tiên quyết định từ bỏ điện hạt nhân, theo lộ trình từ nay đến năm 2022 sẽ đóng cửa toàn bộ 17 nhà máy điện hạt nhân.
Ngay từ năm 1990, Đức đã giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính tới 24% và hoàn thành xong cam kết trong Nghị định thư Kyoto (giảm 21% vào năm 2012).
Từ năm 1999, phát thải khí nhà kính từ giao thông đường bộ tại Đức đã bắt đầu giảm, mặc dù lưu lượng giao thông ngày một gia tăng đáng kể. Hiện mức thải còn thấp hơn mức năm 1990.
Những năm gần đây, mức độ tiêu thụ tài nguyên nước trên đầu người tại Đức cũng giảm từ 144 lít xuống còn 121 lít mỗi ngày, thấp thứ nhì trong các nước công nghiệp phát triển.
10 năm qua, Đức giảm mức tiêu thụ năng lượng 2,7% (trong khi con số này tại Việt Nam tăng khoảng 12% mỗi năm) nhờ các chính sách và công nghệ sử dụng năng lượng ngày càng hiệu quả.
Đặt chân tới Berlin, Frankfurt, Rostock hay nhiều thành phố khác trên khắp nước Đức, sẽ bắt gặp những cánh rừng xanh bát ngát ngay giữa lòng thành phố.
Người Đức gọi đó là rừng trong phố (City forests), nước Đức cũng được mệnh danh là xứ sở của rừng bởi có tới một phần ba diện tích đất nước được bao phủ bởi rừng, khoảng 11 triệu ha rừng có từ thế kỷ 16 tới nay, chủ yếu là tùng, bách và sồi.
Rừng đã trở thành một trong những yếu tố văn hóa. Theo một điều tra, có tới 50% người Đức dành thời gian đi bộ, đi dạo hoặc các hoạt động thư giãn khác trong rừng ít nhất 2 tuần một lần.
Một người Việt sống ở ngoại ô Berlin cho tôi biết, mặc dù xung quanh toàn rừng là vậy nhưng nếu anh muốn chặt một cái cây trong chính khu vườn nhà mình, thậm chí do mình trồng, cũng phải xin phép với lý do chính đáng.
Bên cạnh đó, rừng cũng là lĩnh vực phát triển kinh tế hết sức quan trọng của đất nước này. Công nghiệp rừng và chế biến gỗ thu hút 1,2 triệu việc làm với tổng giá trị lên tới 170 tỷ euro mỗi năm. Trong khi ngành công nghiệp ô tô khổng lồ của Đức cũng chỉ tạo ra khoảng 710.000 việc làm.
Đạp xe đi làm
Tác giả bên ngôi nhà truyền thống kiểu Đức trên đảo Vilm. Ảnh: N.Đ.C. |
Người Đức có ý thức bảo vệ môi trường rất cao. Các đồng nghiệp Đức cho biết, vấn đề về môi trường luôn thu hút sự chú ý của truyền thông, xã hội, và cả giới chính trị.
Đảng Xanh (tôn chỉ mục đích bảo vệ môi trường) đang ngày càng mạnh trên chính trường Đức. Có lần tôi tới thăm gia đình một Tiến sĩ trẻ người Đức lấy vợ Việt ở thành phố Bochum.
Người vợ mang album ảnh cưới ra khoe, tôi thấy người chồng nhanh tay vác ra một cái ghế kê dưới chiếc đèn chùm giữa phòng khách, rồi trèo lên lần lượt vặn chặt hơn một nửa số đui bóng đèn lại.
Cả căn phòng sáng bừng lên giúp vị khách là tôi ngắm nhìn được những tấm ảnh cưới rất đẹp của họ. Vị Tiến sĩ trẻ người Đức cười vui vẻ giải thích, anh vặn lỏng quá nửa đui đèn là để tiết kiệm điện.
Tôi để ý thấy chai nước suối anh mời là chai thủy tinh, không phải loại chai nhựa đang được dùng phổ biến. Anh nói dùng chai thủy tinh đắt và không tiện bằng chai nhựa nhưng giúp bảo vệ môi trường.
Trong lần ngồi ăn tối cùng một nhân viên Bộ Ngoại giao Đức ở Berlin, tôi bị anh truy vấn: "Có phải chiếc xe mơ ước của người Việt Nam bây giờ là ôtô BMW hoặc Mercedes, chứ không phải xe máy Dream như thời xưa ?”, tôi gật đầu xác nhận.
Anh cười chỉ cho tôi chiếc xe đạp dựng bên đường và nói: “Tôi đi làm bằng xe đạp, nhà ở xa nên phải cho xe đạp lên tàu điện ngầm đi mất 20 phút, sau đó đạp xe mất 20 phút nữa.
Tôi thích đi xe đạp, khỏe người, không gây ô nhiễm như ô tô". Đạp xe đi làm hàng ngày khá phổ biến tại nhiều nước châu Âu, đặc biệt là các nước Bắc Âu.
Những cánh rừng xanh ngút ngàn giữa lòng Berlin văn minh hiện đại, những người dân sáng sáng chạy tập thể dục trong rừng, thoăn thoắt đạp xe đạp đi làm cứ ám ảnh tôi mãi.
Bao giờ người Hà Nội mới thoát cảnh những cao ốc chọc trời, những con đường tắc nghẽn ngột ngạt khói bụi và xăng xe, để được thanh thản đạp xe đi làm giữa những bìa rừng xanh ngát?
Bảo tồn và bảo vệ các nền tảng tự nhiên của cuộc sống được coi là mục tiêu quốc gia, được chính thức ghi vào Hiến pháp Đức (Điều 20a Luật cơ bản – Basic Law) từ năm 1994. Người Đức coi sự nguyên vẹn của tự nhiên, sự trong lành của không khí và nước là điều kiện tiên quyết cho một cuộc sống chất lượng cao. |