Chiều 28/9, TAND tỉnh An Giang mở phiên xét xử sơ thẩm bị cáo Trần Trí Mãnh, Hồng Mỹ Thi (38 tuổi, vợ Mãnh) và các nhân viên của Mãnh gồm: Chu Đình Thiện Trí (30 tuổi, ngụ TP Hồ Chí Minh), Nguyễn Văn Có (28 tuổi, ngụ huyện Châu Thành, tỉnh An Giang), Trần Kỳ Nam (38 tuổi, ngụ TP Châu Đốc, tỉnh An Giang) cùng về tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả”.
Mãnh và các đồng phạm tại phiên toà - Ảnh: Kim Hà. |
Theo cáo trạng, Trần Trí Mãnh (42 tuổi, ngụ TP Châu Đốc, tỉnh An Giang) cùng vợ là Thi thành lập Công ty trách nhiệm hữu hạn thương mại và sản xuất Gia Thịnh (gọi tắt là Công ty Gia Thịnh) kinh doanh các loại phụ tùng xe gắn máy và dầu nhớt các loại nhưng làm ăn theo kiểu “treo đầu dê, bán thịt chó”. Mãnh giữ vai trò là giám đốc, Thi phụ trách điều hành, quản lý công ty trong việc nhận hàng, kiểm tra việc giao hàng, thu chi tiền hàng hóa mua bán.
Quá trình kinh doanh, Mãnh thấy phụ tùng xe gắn máy nhãn hiệu Honda, Yamaha và dầu nhớt Castrol, Kubota, Shell được người tiêu dùng ưa chuộng nên đã nảy sinh ý định mua phụ tùng giả và dầu nhớt giả các thương hiệu nổi tiếng trên để bán lại với giá thấp hơn hàng chính hãng nhằm thu lợi.
Bị cáo Mãnh - Ảnh: Kim Hà. |
Để thực hiện, Mãnh đến chợ Tân Thành và chợ Kim Biên (TP Hồ Chí Minh) để mua các phụ tùng xe gắn máy giả được đựng trong túi nylon; trên túi có in chữ Yamaha, Honda có dán mác in mã sản phẩm. Còn dầu nhớt giả, Mãnh mua của một số người không rõ họ tên địa chỉ cụ thể đem về đóng gói, bán ra thị trường với giá thấp hơn hàng chính hãng từ 10% - 15% để thu lợi.
Để “phù phép” cho các loại phụ tùng xe gắn máy không nhãn hiệu, Mãnh thuê Nguyễn Hữu Văn (chủ cơ sở in ấn bao bì giấy ở TP Hồ Chí Minh) in các tem, nhãn, vỏ hộp giả nhãn hiệu Honda, Yamaha rồi gửi qua xe khách cho Mãnh.
Sau đó, Mãnh chỉ đạo Nguyễn Văn Có và cùng 2 nhân viên khác sắp xếp hàng hóa phụ tùng xe gắn máy không nhãn hiệu vào hộp, đóng gói để đưa cho 12 nhân viên giao hàng đem bán cho các cửa hàng trên địa bàn tỉnh An Giang và ngoài tỉnh.
Bị cáo Thi (vợ Mãnh) trả lời tại phiên toà - Ảnh: Kim Hà. |
Nhằm che mắt cơ quan chức năng, Mãnh còn đặt mua một số loại phụ tùng xe gắn máy chính hãng Honda, Yamaha để bán cùng các loại phụ tùng giả được Mãnh “thay áo mới”.
Đối với dầu nhớt hiệu Kubota không có tem xác nhận hàng chính hãng nên Mãnh lên các trang web tìm mẫu tem rồi chỉ đạo cho Trí thiết kế mẫu tem xác nhận hàng chính hãng có ghi các dãy chữ, số cùng số điện thoại của tổng đài 6020 ở TP Hồ Chí Minh; khi khách hàng cào lớp vỏ bạc nhắn tin dãy số và chữ trên tem thì tổng đài sẽ trả lời đó là hàng chính hãng.
Với thủ đoạn trên, từ khoảng 6/2019 - 3/2021, vợ chồng Mãnh, Thi nhiều lần mua nhớt, phụ tùng xe gắn máy giả với số lượng lớn (không nhớ rõ số lượng, giá trị hàng hoá) đem về công ty đóng gói, dán tem giả bán ra thị trường thu lợi khoảng 300 triệu đồng.
Ngày 2/3/2021, hành vi của Mãnh bị phát hiện và Mãnh đến công an đầu thú. Quá trình điều tra, Mãnh khai bị một nhóm đối tượng lừa đảo, yêu cầu bị cáo chi 20 tỷ đồng để giúp Mãnh điều chuyển Đại tá Đinh Văn Nơi đi nơi khác để Mãnh dễ làm ăn. Do thời điểm đó, Giám đốc Công an tỉnh An Giang Đinh Văn Nơi có những chỉ đạo quyết liệt trong việc chống hàng gian, hàng giả.
Tại phiên toà chiều nay, do vắng mặt nhiều người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan nên HĐXX quyết định tạm hoãn buổi xét xử để triệu tập đầy đủ, nhằm tránh ảnh hướng đến quyền lợi của họ.