Tại Công văn số 1654, Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các sở, ngành tập trung ưu tiên nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu thực hiện quy định về việc lập và phát hành hóa đơn điện tử đối với hoạt động kinh doanh bán lẻ xăng dầu. Trong đó, đặc biệt là trong việc lập hóa đơn điện tử tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu cho khách hàng theo từng lần bán hàng và cung cấp dữ liệu hóa đơn điện tử theo quy định.
Các UBND các tỉnh, thành phố cũng cần tăng cường đôn đốc, giám sát, kiểm tra và quyết liệt thực hiện quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử đối với hoạt động kinh doanh bán lẻ xăng dầu theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Với các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đến hết 31/3 không thực hiện quy định về hóa đơn điện tử, UBND các tỉnh, thành phố phối hợp với Bộ Tài Chính, Bộ Công Thương để chỉ đạo lực lượng chức năng xem xét, xử lý.
Bộ Công Thương yêu cầu các doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối thực hiện nghiêm việc xuất hoá đơn bán lẻ sau mỗi lần bán xăng. |
Tại Công văn số 1655, Bộ Công Thương cũng đề nghị các Sở Công Thương các tỉnh, thành phố đôn đốc, giám sát các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn chấp hành quy định của pháp luật về kinh doanh xăng dầu. Các doanh nghiệp phải lập hóa đơn điện tử tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu cho các khách hàng theo từng lần bán tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu và cung cấp dữ liệu hóa đơn điện tử theo quy định. Bên cạnh đó, các sở theo dõi chặt chẽ cân đối cung - cầu mặt hàng xăng dầu không để xảy ra tình trạng cửa hàng xăng dầu dừng bán gây thiếu hụt nguồn cung cục bộ trên địa bàn.
Tại Công văn số 1656, lãnh đạo Bộ Công Thương cũng yêu cầu các doanh nghiệp đầu mối, các thương nhân phân phối xăng dầu chấp hành đúng quy định của pháp luật về kinh doanh xăng dầu. Các doanh nghiệp phải lập hóa đơn điện tử đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu, đặc biệt là trong việc lập hóa đơn điện tử tại các cửa hàng bán lẻ cho khách hàng theo từng lần bán hàng tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu và cung cấp dữ liệu hóa đơn điện tử theo quy định.
Bộ Công Thương lưu ý, trong quá trình triển khai, nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị các doanh nghiệp báo cáo và xin ý kiến của các cơ quan, đơn vị liên quan.
Trao đổi với PV Tiền Phong, đại diện một số doanh nghiệp đầu mối khẳng định, việc áp dụng xuất hoá đơn bán lẻ sau mỗi lần bán sẽ giúp thị trường minh bạch hơn, góp phần tránh thất thoát thuế. Doanh nghiệp đầu mối không gặp vướng mắc khi triển khai, kể cả với các đại lý nhượng quyền do các chi phí này được tính vào giá chiết khấu cũng như chi phí đầu tư, nhượng quyền. Tuy nhiên, với doanh nghiệp bán lẻ, đây quả thực là sức ép khi phải gia tăng đầu tư trong bối cảnh thị trường xăng dầu vẫn có nhiều biến động.
Đưa ra con số liên quan đến gia tăng chi phí khi áp dụng xuất hoá đơn, Giám đốc một doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu ở Lâm Đồng cho biết, tại 1 cửa hàng vùng sâu vùng xa bán lẻ, trung bình 1.000-1.500 lít/ngày sẽ phải xuất khoảng 750 hóa đơn với tổng chi phí khoảng 400.000 đồng/ngày/cửa hàng.
Với doanh nghiệp bán lẻ hiện nay, tính đầy đủ chi phí, chiết khấu cho doanh nghiệp phải ổn định quanh mức 1.100-1.200 đồng/lít, chưa kể chi phí thực hiện và vận hành hóa đơn mỗi lần bán. Doanh nghiệp bán lẻ cần được tính thêm khoản này vào chiết khấu để có thêm chi phí đảm bảo hoạt động.
Theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Thuế, bên cạnh các doanh nghiệp đã thực hiện phát hành hoá đơn điện tử theo từng lần bán hàng thì các doanh nghiệp khác cũng đang khẩn trương, tích cực đẩy nhanh tiến độ triển khai các giải pháp để thực hiện việc phát hành hoá đơn điện tử đảm bảo đúng quy định của pháp luật. Nhiều địa phương có tỷ lệ doanh nghiệp đã triển khai đạt cao như Bắc Ninh (96,9%), Thanh Hóa (95%), Yên Bái (70,6%), Quảng Nam (57,3%), Cao Bằng (54,5%), Kon Tum (54,4%), Thừa Thiên Huế (53,3%)...