Nghị định mới về xăng dầu: Doanh nghiệp bán lẻ muốn vá nhiều lỗ hổng

0:00 / 0:00
0:00
TP - Trao đổi với PV Tiền Phong, TS Giang Chấn Tây, Giám đốc Công ty TNHH MTV Bội Ngọc (tỉnh Trà Vinh), cho biết, sau 1 năm kể từ khi Nghị định 80 về kinh doanh xăng dầu có hiệu lực, Bộ Công Thương mới đây có công văn gửi các Sở Công Thương, các địa phương lấy ý kiến đóng góp để sửa đổi những bất cập trong các nghị định về kinh doanh xăng dầu.

Ông Giang Chấn Tây cho biết, đã cùng nhiều doanh nghiệp (DN) bàn thảo, nêu ra loạt vấn đề vướng mắc trong kinh doanh xăng dầu để gửi Thủ tướng Chính phủ cùng các bộ (Công Thương, Tài chính) góp ý xây dựng nghị định mới về kinh doanh xăng dầu theo hướng minh bạch và thị trường hơn.

Nghị định mới về xăng dầu: Doanh nghiệp bán lẻ muốn vá nhiều lỗ hổng ảnh 1

Nhiều DN bán lẻ xăng dầu cho rằng, việc tách bạch các khâu phân phối – bán lẻ sẽ khiến thị trường minh bạch hơn. Ảnh: Nguyễn Bằng

Theo phản ánh của DN bán lẻ, vấn đề của thị trường nhìn thấy rõ nhất hiện nay, đều có quy định cả trong Nghị định 83, Nghị định 95 và Nghị định 80 về kinh doanh xăng dầu, đang duy trì hệ thống xăng dầu với 3 tầng nấc: Doanh nghiệp đầu mối và các nhà máy lọc dầu; thương nhân phân phối và DN bán lẻ xăng dầu nhưng việc quản lý đang bị buông lỏng đến mức đáng báo động. Thực tế, có tình trạng nhiều DN đầu mối không nhập khẩu đủ hạn mức nhập khẩu được phân giao nên quay sang mua bán lòng vòng từ các đầu mối thương nhân phân phối, thậm chí mua lại từ các công ty con, chi nhánh của DN đầu mối khác để qua mặt cơ quan chức năng.

Nhiều tài liệu của PV Tiền Phong có được cũng cho thấy rõ tình trạng trên. Cụ thể, năm 2020 có tới 15 DN đầu mối có tổng lượng phân giao nhập khẩu chỉ khoảng 500.000 m3/tấn và có tới 8 DN có mức nhập khẩu và tổng nguồn không đạt lượng nhập khẩu và tổng nguồn đã được chính Bộ Công Thương giao. Những DN không nhập khẩu đủ hạn ngạch phải kể đến như: Công ty Thương mại Dầu khí Đồng Tháp, Công ty TNHH Hải Linh, Công ty CP Thương mại đầu tư Dầu khí Nam Sông Hậu, Công ty TNHH Xăng dầu Hùng Hậu, Công ty Cổ phần Anh Phát Petro (Thanh Hoá), Công ty Cổ phần Xăng dầu Tân Nhật Minh, Công ty TNHH Hà Anh…

Bộ Công Thương cho biết: Vừa có văn bản yêu cầu thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối xăng dầu kiểm tra, rà soát hiện trạng và điều kiện cấp giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu, giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối xăng dầu; Thực hiện kết luận của Thanh tra Chính phủ, thương nhân đầu mối sẽ phải báo cáo chi tiết về điều kiện có cầu cảng chuyên dụng (sở hữu, thuê, khả năng tiếp nhận tàu chở xăng dầu); kho tiếp nhận xăng dầu (số lượng; sở hữu...)

Thục Quyên

Trong một đợt thanh tra của năm 2022, Vụ Thị trường trong nước tiếp tục phát hiện nhiều DN đầu mối tiếp tục không thực hiện tổng nguồn tối thiểu được giao là Công ty TNHH sản xuất - thương mại Hưng Phát; Tổng Công ty thương mại Sài Gòn - TNHH một thành viên; Công ty Cổ phần nhiên liệu Phúc Lâm (mặt hàng diesel); Công ty TNHH xăng dầu Giang Nam; Công ty TNHH Trung Linh Phát (mặt hàng xăng); Công ty cổ phần Phúc Lộc Ninh.

Trong số các DN bị phát hiện sai phạm, đáng chú ý, có trường hợp DN đầu mối là Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Hưng Phát (tỉnh Quảng Bình) không đáp ứng điều kiện về hệ thống phân phối xăng dầu được quy định tại Nghị định 83 của Chính phủ, không thực hiện đăng ký hệ thống phân phối xăng dầu định kỳ theo quy định...

Theo nhiều DN bán lẻ, việc buông lỏng giám sát, để các DN đầu mối không nhập khẩu đủ hạn mức, mua bán lòng vòng chính là nguyên nhân khiến thị trường xăng dầu rối loạn, kéo theo đứt gãy nguồn cung thời gian qua. “Đề nghị DN đầu mối tách ra khỏi phần bán lẻ trong hệ thống, thành lập DN bán lẻ riêng, hạch toán độc lập để có báo cáo tài chính, chi phí, lãi lỗ riêng. Việc đầu mối không tham gia bán lẻ sẽ giúp tránh được tình trạng chuyển giá, chuyển lỗ lãi giữa bán lẻ và công ty mẹ, phản ánh đúng tình hình kinh doanh và tài chính của khâu bán lẻ. Khi đó sẽ giải quyết được ngay vấn đề chi phí định mức gây bức xúc trong cộng đồng DN bấy lâu nay”, ông Giang Chấn Tây phân tích.

Theo phản ánh của các DN, để thị trường duy trì được sức cạnh tranh, trong nghị định mới cần giữ nguyên cho doanh nghiệp bán lẻ lấy hàng ở nhiều nguồn để các thương nhân phân phối cạnh tranh nhau về chiết khấu theo cơ chế thị trường và không đặt điều kiện phân biệt là DN bán lẻ đó có mấy cửa hàng. Các DN cũng cho rằng, thời gian điều chỉnh giá nên trở về mức 2 tuần/lần để phù hợp với chu kỳ kinh doanh chứ không phải theo sự nhảy múa của giá dầu thế giới. Ngoài ra, nếu giá xăng dầu tăng, giảm dưới 100 đồng/lít thì không tiến hành điều chỉnh giá. Riêng với Quỹ Bình ổn giá xăng dầu (QBOG), các DN đề nghị bỏ quỹ, thay thế điều tiết bằng thuế, phí.

Theo ông Nguyễn Hùng Việt, Giám đốc Doanh nghiệp Tư nhân Nguyễn Hùng Việt nếu Chính phủ mạnh dạn chuyển sang cơ chế thị trường thì nên mạnh dạn để cho thị trường quyết định hoạt động kinh doanh xăng dầu.

MỚI - NÓNG