TPO - TPHCM có đường mang tên Hoa Sữa, quán cà phê Hoa Sữa và những con đường, những ngôi trường có trồng loài hoa có thứ hương thơm "kẻ vương, người ghét" cũng như gây nhiều bất ngờ cho du khách từ phương xa.
Khi TPHCM chớm thu, hoa sữa bắt đầu nở, mùi hương nồng nàn của hoa sữa theo gió trải dài trên khắp các con phố như mang chút tình tứ của mùa thu và ai ai cũng có thể cảm xúc tìm lướt trên mạng những lời tản mạn về hoa sữa.
Ở Sài Gòn, hoa sữa lâu tàn. Mùi hương nồng nàn đến cuối tháng 10 và sang cả tháng 11.
Hoa sữa ở Sài Gòn được trồng khá nhiều nơi. Hình ảnh này được ghi nhận tại hàng hoa sữa trước cổng trường PTTH Nam Sài Gòn (khu đô thị Phú Mỹ Hưng, quận 7, TPHCM).
Tìm kiếm thông tin về hoa sữa ở TPHCM trên các công cụ tìm kiếm chỉ thấy đường Hoa Sữa, cà phê Hoa Sữa...còn nơi có nhiều hoa sữa thì chắc chỉ có phía trước trường PTTH Nam Sài Gòn (quận 7) là trồng một hàng dài.
Có lẽ vì đặc tính của thổ nhưỡng và thời tiết mà hoa sữa ở TPHCM không nhiều hoa như Hà Nội.
Một đặc tính khác mà khi nhắc đến hoa sữa mà ai cũng có ấn tượng chính là mùi hương khá nồng nếu trồng mật độ dày. Với những ai từng sống ở Hà Nội thì có thể cảm nhận rõ điều này.
GS.TSKH Trần Đình Long, chủ tịch Hội Giống cây trồng Việt Nam từng cho rằng hoa sữa không có lỗi. Lỗi là do người làm quy hoạch nên mới xuất hiện tình trạng hương hoa sữa đậm đặc ảnh hưởng đến người dân xung quanh. GS Long cho rằng hoa sữa là loại cây đô thị, dễ trồng và có vẻ đẹp riêng. Tuy nhiên loài hoa này chỉ đẹp và phát huy được thế mạnh khi được trồng đúng cách.
Hoa sữa phải trồng cách nhau tối thiểu là 50m. Nhưng thực tế ở nhiều nơi, người ta trồng với mật độ quá dày, chỉ vài mét lại có một cây. Với mật độ ấy, vào mùa hoa nở, hương sẽ rất nồng nặc.
Nói về ý nghĩa của hoa sữa, có ý kiến cho rằng loài hoa này là biểu trưng cho tình yêu trong sáng, tinh khôi, ngọt ngào, gắn liền với những mối tình tha thiết sâu đậm nhưng lại dở dang.
"Hoa sữa có hương thơm thoang thoảng cùng vẻ đẹp mộc mạc đem lại sự quyến rũ, lưu luyến, và tiếc nuối về những câu chuyện thuở nhỏ hay một người bạn, hoặc một khoảnh khắc nào đó gắn liền với những chùm hoa sữa bình dị nhưng lại chứa đựng thật nhiều nỗi nhớ. Chính vì vậy nó đại diện cho sự nhớ nhung, lưu luyến", một độc giả nữ chia sẻ.
Với những người Hà Nội đang sinh sống ở Sài Gòn, mùi hương nồng nàn của hoa sữa đã đi vào tiềm thức trở thành một phần của cuộc sống. Nó gợi nhớ về quê nhà, về một miền đất Hà Nội cổ kính, thâm nghiêm, nghìn năm Văn Hiến.
Một cô gái trẻ sống ở Phú Mỹ Hưng (Quận 7) tranh thủ ra chụp ảnh với những bông hoa sữa còn sót lại vào những ngày đầu tháng 11. "Em định ra đây chụp ảnh hoa sữa mấy hôm trước nhưng bận quá. Hôm nay, em tranh thủ chạy ra chỗ này chụp thì hoa rụng gần hết, tiếc ghê", cô gái chia sẻ.
Hoa sữa ở TPHCM sinh trưởng và phát triển tốt, xanh mát quanh năm nếu điều kiện thuận lợi. Vì vậy, chúng chủ yếu được trồng để lấy bóng mát, tạo cảnh quan thoải mái, trong lành cho các resort, khu đô thị… Ngoài việc trồng lấy bóng mát, loại hoa này còn có nhiều công dụng đặc biệt trong y học.
Hoa sữa chữa trị được nhiều loại bệnh. Vỏ cây được sử dụng để giải độc, chữa bệnh về đường ruột rất hiệu quả. Lá cây có tác dụng làm sảng khoái tinh thần và chống các triệu chứng tê phù.
"Hoàng Quốc Việt (Hà Nội) là một trong những con đường Hoa sữa nổi tiếng, nơi những chùm bông trắng muốt cùng mùi hương lan tỏa khiến ai một lần đi ngang qua cũng đều phải ngạc nhiên và nhớ mãi", anh Lê Trọng Thành Đạt, quê gốc Hà Nội, hiện đang là giám sát công trình tại TPHCM chia sẻ.
"Nhà tôi nằm trên đường Nguyễn Lương Bằng, trung tâm của Phú Mỹ Hưng, khá gần với hàng hoa sữa này. Thói quen khó bỏ của tôi là uống cà phê không đường mỗi sáng, nhưng vì công việc, mình không có nhiều thời gian như thời sinh viên ở Hà Nội có thể la cà, nhâm nhi ly cà phê, ngắm hoa sữa... Cứ vào những tháng này, khi có hoa sữa thì mình cũng cố nhờ bạn bè tặng nhật báo, nhặt một cành hoa sữa, mua một ly cà phê 'vội'... để tìm chút cảm xúc về Hà Nội", anh Đạt bộc bạch.