Ngọc Châu và kỷ niệm với ban nhạc Hoa Sữa

0:00 / 0:00
0:00
Nhạc sĩ Ngọc Châu (1967-2022). Ảnh: Nguyễn Đình Toán
Nhạc sĩ Ngọc Châu (1967-2022). Ảnh: Nguyễn Đình Toán
TPO - Lần xuất hiện (bằng âm nhạc) cuối cùng của Ngọc Châu cách đây 6 năm khi cô em gái Khánh Linh ra một album mini các bài hát của anh. Hai năm trước, anh còn cùng nhạc sĩ Minh Đạo làm album cho nhạc sĩ Trần Trọng Hùng- thầy giáo dạy anh sáng tác. Đó cũng là lần cuối Minh Đạo gặp Ngọc Châu bằng xương bằng thịt.

Ban nhạc Hoa Sữa tập hợp các sinh viên và cựu sinh viên khoa Sáng tác Lý luận Chỉ huy Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) thành lập năm 1987 với các thành viên Đức Trịnh, Phạm Ngọc Khôi, Ngọc Châu, Vũ Quang Trung, Lương Minh, Ngọc Hưng, Viết Thân… Ngoài ca sĩ chính Ngọc Châu, các ca sĩ nổi nhất lúc bấy giờ đều là thành viên không chính thức của ban. Chương trình đầu tiên nhóm ra mắt với tên ATM (Âm Thanh Mới) là loạt ca khúc hưởng ứng cuộc vận động sáng tác về Trường Sa, toàn bộ do Thanh Lam thể hiện.

NỖI NIỀM CHÔN GIẤU

Mùa xuân trên đảo Trường Sa là sáng tác đầu tay của Ngọc Châu. Đó là năm 1986. Sau đó trưởng nhóm Đức Trịnh gợi ý cái tên Hoa Sữa cho độc đáo, đậm chất Hà Nội và mọi người đồng ý. Năm 1997, Hoa Sữa phát hành album đầu tiên và duy nhất mang tên ban nhạc. Ngọc Châu góp một bài Thì thầm mùa xuân do Mỹ Linh hât. Anh cũng không xuất hiện trong ảnh bìa đĩa.

Ca sĩ đồng hành với Hoa Sữa tại Liên hoan các ban nhạc nhẹ toàn quốc 1993 lại là Mỹ Linh. Trong cuộc thi đó, Hoa Sữa giành giải Nhì (đứng sau Phương Đông với thành viên Thanh Lam). Và tên tuổi của Mỹ Linh cũng nổi lên từ đó với Thì thầm mùa xuân. “Hồi đó anh Châu ‘dỗi’ không đi thi ở Đà Nẵng. Ban nhạc gọi ca sĩ khác vào thay, thành ra mới có tôi đấy”, Mỹ Linh nhớ lại. Phạm Ngọc Khôi kể trong liên hoan này, Hoa Sữa chơi cả giao hưởng của Beethoven, Tchaikovski- có thể coi là ban pop-symphony đầu tiên của Việt Nam.

Ngọc Châu và kỷ niệm với ban nhạc Hoa Sữa ảnh 1

Nhạc sĩ Ngọc Châu tuổi lên ba cùng bố mẹ- Ảnh: Tư liệu gia đình

Theo nhạc sĩ Đức Trịnh, NSƯT Vũ Dậu gần như suy sụp trong ngày con trai ra đi. Nhưng tới sáng 18/3 khi gia đình họp chuẩn bị cho lễ viếng trưa 19/3, bà thấy khỏe trở lại và tâm sự với anh: “Cảm giác Châu truyền cho cô năng lượng để tiếp tục sống. Cả một đời Châu đã dâng hiến cho âm nhạc. Bác sĩ cứu con người về thể xác. Làm nghệ thuật cứu con người về tâm hồn. Nay Trời kêu về đành chịu”…

Chuyện Ngọc Châu hay giận dỗi và mau nước mắt thì không ai rõ hơn Hoa Sữa. Chính vì thế mà nạn nhân lại càng hay bị trêu chọc. Nhạc sĩ Vũ Tú Cầu nhớ có lần Ngọc Châu được anh em tặng quà sinh nhật, mở gói thì bung ra nguyên chiếc áo lót nữ… Và biết đâu lần “dỗi” cuối cùng và dai dẳng nhất của Ngọc Châu chính là việc anh tránh mặt mọi người. Minh Đạo kể: “Giai đoạn Ngọc Châu chuyển vào Sài Gòn tôi không được thông báo. Mấy lần Châu ra đây tôi gọi rủ cà phê anh em bốc phét cho vui, Châu đều lảng tránh. Thế mới buồn cười!” Anh nhớ thời gian cùng làm đĩa cho thầy Trần Trọng Hùng (lúc đó đang ốm nặng), Ngọc Châu vẫn “bình thường”, “vui vẻ”.

Theo Đức Trịnh, mươi năm gần đây, Ngọc Châu dần xa lánh anh em bạn bè mà không ai rõ lý do: “Châu vẫn dùng số điện thoại đó nhưng một là không nghe, hai là bảo em bận gọi lại sau. Nhân Trung từ Mỹ về, tôi mời Châu họp bàn việc kỷ niệm 30 năm thành lập ban, thì Châu bảo mọi người cứ họp, phân công gì thì em sẽ làm”…

Từ khi thành lập đến trước 1993 là giai đoạn các thành viên Hoa Sữa “yêu quý nhau như ruột thịt trong nhà”- Minh Đạo mô tả. Họ tập trung về phòng thu dưới hầm tòa biệt thự Pháp cổ ở đường Điện Biên Phủ, nhà của tay trống Ngọc Hưng. Cứ sau giờ học cả nhóm lại về đấy. Chỉ có ăn ngủ và chơi nhạc. Lúc đó ban nhạc đã bận rộn với các lời mời thu âm, phối khí và biểu diễn.

Đức Trịnh lớn tuổi nhất đương nhiên trưởng ban, Ngọc Khôi phó, còn tay hòm chìa khóa không ai khác: Ngọc Châu. “Châu tính rất tỉ mỉ, hay quan tâm tới người khác lại không rượu thuốc, nên anh em đi diễn gom góp về đưa Châu hết, Châu phát lương, giữ quỹ”, Đức Trịnh cho hay.

Nhưng tất nhiên bát đĩa còn có lúc xô. “Hồi ở chung, cả ban hay cãi nhau ỏm tỏi chỉ vì nghề. Chỉ vì đam mê nghệ thuật thôi chứ thương nhau lắm”, Ngọc Khôi hồi tưởng.

“Lúc tập đàn Trung nóng tính, Châu lại hay dỗi. Có khi đánh nhau ở đấy. Châu khóc ầm ĩ lên”, nhớ lại kỷ niệm xưa Minh Đạo không khỏi mỉm cười. “Lúc ấy còn trẻ con. Một lúc hoặc 1-2 hôm lại bình thường”. Tất nhiên là đánh nhau kiểu các nhạc sĩ chỉ là đập vào tay: “Ông đánh thế à”. Chẳng hạn, Vũ Quang Trung và Ngọc Châu cùng mua cây đàn phím mới, và đáng ra phải chia ra chơi tiếng khác nhau thì Châu lại đánh trùng tiếng piano của Trung… Thế cũng đủ để người bị “đánh” tổn thương rồi. “Lần khác có khi ban nhạc đang diễn trên sân khấu ở trường đại học, vì những tình tiết nhỏ nhỏ, Châu lại dỗi, khóc bỏ ra ngoài. Các sinh viên phải ra dỗ mới lại vào đánh tiếp”, Minh Đạo kể.

Rồi các thành viên đều ra trường, hầu hết có công việc ổn định tại các cơ quan nhà nước. Ban nhạc chấm dứt hoạt động nhưng cái tên Hoa Sữa vẫn còn một thời gian nữa với tư cách ban nhạc đệm cho các chương trình lớn. Ngoài ra theo Minh Đạo: “Thời kỳ của bọn tôi thế cũng là dài rồi, nên để các ban nhạc trẻ lên. Mình chuyển sang công việc khác phù hợp năng lực hơn”.

ĐI TRƯỚC THỜI ĐẠI

Vấn đề của Hoa Sữa là các thành viên đa năng quá, hầu như ai cũng có thể sáng tác, hòa âm- chơi nhạc cụ không phải đam mê lớn nhất. Ngọc Châu không chỉ hát hay nhất mà tai nghe cũng chuẩn nhất ban. Đức Trịnh cho hay: “Để căn chỉnh âm thanh thì Châu số một, sau đấy là Hưng, rồi mới đến mình và Trung. Khôi thì chỉ đánh đàn, không thích kỹ thuật”. Gia đình có điều kiện nên Ngọc Châu liên tục đổi đàn. Có lần Châu nghỉ học mấy ngày không ai biết đi đâu. Mãi sau mới biết anh vào TP.HCM mua bằng được cây đàn mới nhất.

Ngọc Châu và kỷ niệm với ban nhạc Hoa Sữa ảnh 2
Các thành viên Hoa Sữa thời kỳ đầu: Lương Minh, Ngọc Khôi, Ngọc Châu, Minh Đạo-hàng trên từ trái sang. Đằng trước: Viết Thân, Ngọc Hưng- Ảnh: Tư liệu

Đức Trịnh nhớ một đêm Nô-en, hồi còn đi đánh thuê cho các tụ điểm tại Hà Nội, ban nhạc phải chia ra chơi hai nơi. Ngọc Châu đã vừa đàn vừa hát mười mấy bài cả Tây lẫn ta tại sàn nhảy ở khách sạn Kim Liên, trong khi phần còn lại của ban cùng Bằng Kiều chạy sô chỗ khác. Đức Trịnh nhớ lại: “Chúng tôi về muộn, vội lao vào chơi tiếp cho Châu. Châu nằm thở luôn, sau khi báo cáo: ‘Có mấy bài em chỉ ang áng lời nhưng nhịp vẫn đúng để phục vụ khách nhảy’”.

Đức Trịnh nhớ sở trường của Ngọc Châu giai đoạn này là nhạc Scorpions, Europe… Còn Mỹ Linh vẫn ấn tượng với Ngọc Châu trong bài tủ Buồn ơi chào mi, Billie Jean, rồi Living on my own, Movin’ on up… ở sàn Kim Liên. Có thể thấy nhạc mục của ca sĩ Ngọc Châu đa dạng và toàn bài không dễ hát.

Hồi đó mô hình ban nhạc chưa có tính thương mại như bây giờ. Một nghệ sĩ đa năng tự làm mọi thứ A-Z kiểu Ngọc Châu lại càng hiếm, nếu không nói là có một không hai. Trong bối cảnh đó, hẳn chính anh em cũng khó hình dung Ngọc Châu có thể trở thành một hình mẫu kiểu đó. Ban nhạc lo xa Châu mải làm ca sĩ sẽ ảnh hưởng đến các khả năng khác mà họ cho là quan trọng hơn. Mặc dù như Minh Đạo nhận định, Ngọc Châu là giọng ca hiếm hoi đậm chất nhạc nhẹ có tính thời thượng lúc bấy giờ.

Tay trống Tạ Ngọc Hưng kể lại lần “phối hợp” có tính quyết định sự nghiệp ca sĩ của Ngọc Châu. Đó là năm 1987, Ngọc Châu quyết định thi Giọng hát hay Hà Nội với bài Nếu điều đó xảy ra. Để tạo điểm nhấn cho phần điệp khúc, anh đề nghị các thành viên Tạ Ngọc Hưng, Lương Minh, Minh Đạo, Vũ Quang Trung hát bè đuổi (canon) yểm trợ…

Khi tập, “nhóm bè” tỏ ra rất nghiêm túc và tâm huyết. Đêm chung kết diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Hưng kể: “Ngọc Châu rất tự tin với phần thể hiện của mình vì đã được tập với ban nhạc ruột vô cùng nghiêm túc trong thời gian dài. Nhưng không, đồng đội đã âm thầm tập phiên bản hai, và trên sân khấu, khi Ngọc Châu đang ‘quằn quại’: ‘Không! Anh sẽ như bình minh...’ thì các thành viên ở đằng sau đã khoác vai nhau nhảy điệu Hồ thiên nga, mặt nhăn nhó như thiên nga sắp bị cắt tiết”…

Vì khán giả và giám khảo cười nghiêng ngả nên ca sĩ sinh nghi, quay lại phía sau. Và Hưng mô tả “cả một bầu giời sụp đổ vào tấm thân người ca sĩ tội nghiệp, cảm giác bị bán đứng, ê chề, xấu hổ”… Sau buổi diễn, Hưng kể Châu đã “khóc như mưa”, trách móc ban nhạc, “giận hờn cả thế giới”. “Nhóm bè” dường như cũng nhận ra mình đã đi quá xa, nhưng: “Cho đến mãi về sau, bốn thành viên này cũng không hề hối hận vì những gì họ đã làm, bởi chính họ đã níu giữ Ngọc Châu ở lại với Hoa Sữa với tư cách nhạc công, nhạc sĩ sáng tác, phối khí”, Ngọc Hưng nói.

“Mọi người không thích Châu làm ca sĩ”, trưởng ban Đức Trịnh thừa nhận. “Mặc dù Châu thích hát và bẩm sinh đã hát hay, nhưng đánh đàn còn hay hơn”… Ngọc Châu sau đó trở thành một nhà sản xuất có uy tín, một đàn anh có tầm ảnh hưởng tới thế hệ ca nhạc sĩ kế cận. Nhưng ai mà biết được, nếu được thăng hoa nhiều hơn trong tư cách ca sĩ, anh sẽ sáng tác khỏe hơn, sống vui hơn thì sao… Vpop chắc cũng sẽ tiến nhanh hơn vì sự xuất hiện sớm của một nghệ sĩ đa năng.

Ngoài việc dìu dắt các ban nhạc trẻ ở Hà Nội, sau này Ngọc Châu còn giảng dạy tại trường Nghệ thuật Quân đội theo lời mời của Đức Trịnh. Một khóa tại Hà Nội và một khóa tại TP.HCM. Tuần hai buổi, thầy Châu lên lớp dạy môn hòa tấu. Dù được học viên và nhà trường tín nhiệm nhưng cứ hết khóa anh lại xin thôi. Đức Trịnh dự đoán sau này Châu vẫn sáng tác nhưng không công bố và anh hy vọng những bài hát này nếu có sẽ sớm được vang lên.

“Anh Châu là một trong vài tên tuổi sáng giá nhất của nhạc Việt giai đoạn 1990-2000. Khi làng nhạc Hà Nội đang tiếp cận học hỏi ngôn ngữ nhạc nhẹ, anh đã viết những bài hát tươi mới và hiện đại. Anh đam mê âm nhạc quốc tế và công nghệ thông tin, thành ra bọn trẻ quý lắm. Với lứa chúng tôi, anh là người đi trước, tạo cảm hứng.

Hai tuần trước, sau khi anh ra viện, tôi điện thoại hỏi thăm, thấy anh khỏe khoắn, tươi tỉnh. Tôi hẹn với Khánh Linh sẽ đến đón anh từ bệnh viện nhưng bác sĩ lại cho anh ra viện sớm, anh về nhà rồi mới báo tôi. Anh nói: “Anh mừng quá vì tai qua nạn khỏi”, vẻ rất lạc quan, hồn nhiên như thuở thanh niên. Hai anh em dặn nhau, thôi giờ có tuổi rồi giữ sức khỏe đi. Anh còn bảo tôi phải bỏ thuốc lá.

Trước Tết, khi anh đang nguy kịch trong bệnh viện, tôi đã nghĩ đến việc cùng mấy anh em làm một đĩa nhạc cho anh. Khi anh ra viện, tôi tính sẽ đến nhà gặp rồi tìm cách bàn để anh cùng làm, cũng là cách cho anh thấy thoải mái để trở lại với công việc. Chưa kịp đến vì COVID, thì anh đã ra đi…

Anh từng nói với tôi, trước khi học các kỹ thuật sáng tác biểu diễn, nghệ sĩ cần học “làm người” trước đã. Đó là điều tôi không bao giờ quên. Anh nhiều suy tư trăn trở, luôn mơ một đời sống tốt lành cho con người nói chung. Sự nhạy cảm nghệ sĩ đôi khi cũng ảnh hưởng đến đời sống và công việc của anh. Nhưng tôi nghĩ bất cứ điều gì anh đã chọn lựa- xuất hiện hay không, làm nghề hay không- đều là những điều tốt nhất cho chính anh”- Nhạc sĩ Đỗ Bảo.

MỚI - NÓNG